CHẲNG CÓ “CHUẨN” NÀO CHO PHÂN BÓN
Mỗi năm ông Phạm Văn Lý ở ấp 5, xã Thiện Hưng (Bù Đốp) bỏ ra cả trăm triệu đồng để mua phân bón phục vụ hơn 5 ha hồ tiêu. 20 năm gắn bó với cây tiêu, gần như loại phân nào ông cũng bón. Đầu mùa mưa năm nay, ông mua 3 thùng sản phẩm sinh học cao cấp trị giá 10 triệu đồng để bón cho vườn tiêu. Sau khi phun thử 2 can sản phẩm này, thân lá vườn tiêu vẫn không thay đổi. Vì hồ tiêu đang giai đoạn ra bông đậu trái, buộc ông phải chuyển sang sử dụng phân bón quen dùng. Toàn bộ sản phẩm sinh học cao cấp mua 10 triệu đồng đành bỏ.
Phân bón đến người dân thông qua trung gian các cơ quan đoàn thể ở địa phương tại xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập
Nhà nông Nguyễn Văn Hữu ở thôn 6, xã Đức Liễu (Bù Đăng) có 3 ha cà phê trên 15 năm tuổi. Mỗi năm, gia đình ông phải đầu tư ít nhất 20 triệu đồng tiền phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Thế nhưng, sau 16 năm chăm sóc cà phê, ông vẫn không biết được đâu là phân bón có chất lượng. “Ai bán rẻ thì mua. Năm nay mình bón thấy không đạt thì năm sau đổi phân khác” - ông Hữu rút kinh nghiệm.
Lão nông Võ Hùng Chiến ở thôn Khắc Khoan, xã Phú Nghĩa (Bù Gia Mập) có cả trăm ha trồng điều. Ngoài cây điều, ông còn trồng cà phê, cao su với tổng diện tích gần 150 ha. 20 năm gắn bó với cây điều, từng loại bệnh, loài sâu, côn trùng phá hoại ông đều nắm rõ. Nhu cầu dinh dưỡng cho từng giai đoạn của cây điều, ông cũng khá rành rọt. Chỉ có chất lượng phân bón trên thị trường là ông không biết. “Mình bón 5kg/cây cũng được, bón 3kg/cây cũng xong, thậm chí bón 1g/cây cũng thế. Lẽ ra mình bón đúng liều lượng cây sẽ tốt hơn, năng suất sẽ cao. Đằng này bón nhiều hay bón ít một chút, cây điều ra bông đậu trái cho năng suất, chất lượng vẫn không đổi. Có tiêu chuẩn nào để cân đo, đong đếm chất lượng phân bón đâu. Nhà nông lấy đâu ra cơ sở khoa học hoặc chứng cứ để kiện nhà máy, công ty sản xuất phân bón kém chất lượng. Phân bón xuống đất rồi lấy đâu đối chất. Không có ai, nhà máy phân bón nào khẳng định bón 5kg phân của tôi thì cây điều của anh được 100kg hạt. Nếu được vậy thì nhà nông giàu lâu rồi” - lão nông Võ Hùng Chiến than thở.
BÁT NHÁO THỊ TRƯỜNG PHÂN BÓN
Thạc sĩ nông học Nguyễn Văn Khánh, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh cho rằng: “Không thể dùng từ nào thích hợp hơn hai từ “bát nháo” để nói về thị trường phân bón. Ngay cả những cán bộ trong ngành nông nghiệp còn loạn phân bón nói gì đến nông dân”.
Chỉ tính diện tích cây lâu năm, Bình Phước hiện có 394.086 ha. Trong đó 232.023 ha cao su, 134.211 ha điều, 15.785 ha cà phê và 12.067 ha hồ tiêu. Nhu cầu phân bón hằng năm cho các loại cây trồng trên địa bàn tỉnh khoảng 329.300 tấn. Trong đó đạm nguyên chất 51.724 tấn, lân nguyên chất 30.050 tấn và kali nguyên chất 58.261 tấn. |
Hầu hết đại lý kinh doanh phân bón thường dùng chiêu bài độc quyền sản phẩm để tự quyết định giá. Đại lý có loại này nhưng lại không có loại kia và ngược lại. Cách làm, cách kinh doanh đó buộc người dân chỉ còn nước mua hoặc không. Nếu không thì lấy gì bón cho cây trồng đang cần phân trong lúc ra bông đậu trái. Nếu mua thì chấp nhận giá của đại lý, chất lượng của nhà sản xuất. Bên cạnh hàng độc quyền, đại lý thường trưng bày khá đa dạng sản phẩm của nhà máy, công ty có thương hiệu trên thị trường để thu hút người dân. Họ thường lấy giá sản phẩm của thương hiệu có uy tín trên thị trường để áp giá cho sản phẩm độc quyền của mình. Khi nhà nông có nhu cầu mua phân bón thì được đại lý gọi trực tiếp cho công ty giao hàng tận nhà. Từ yếu tố này, phần lớn sản phẩm phân bón kém chất lượng được đưa trực tiếp từ nhà máy đến tay nông dân.
Mặt khác, công ty, doanh nghiệp phân bón thường lợi dụng điều kiện khó khăn của nhà nông trong lúc giáp hạt để bán sản phẩm trả chậm thông qua các ban, ngành, đoàn thể ở cơ sở. Mỗi mùa xuống giống, mỗi mùa mưa có hàng loạt công ty, doanh nghiệp phân bón đưa cán bộ về tận thôn, ấp, vùng sâu, xa để tập huấn theo kiểu tiếp thị sản phẩm. Những nhà nông kinh tế khó khăn, cả tin đăng ký ngay số lượng phân bón với nhân viên tiếp thị. Từ đó, phân bón giả, kém chất lượng dễ dàng qua mặt cơ quan chức năng.
Sản phẩm sinh học cao cấp sau khi phun thử trên hồ tiêu, ông Phạm Văn Lý phải đưa vào xó nhà vì kém chất lượng
ĐÓNG CỬA NHÀ MÁY VÌ THẬT GIẢ LẪN LỘN
Công ty cổ phần thương mại Sao Việt tại xã Bình Minh (Bù Đăng) ra đời năm 2009 với tổng vốn đầu tư 7 tỷ đồng. Riêng dây chuyền sản xuất phân bón NPK được Trường đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh chuyển giao với tổng kinh phí 2,3 tỷ đồng. Theo công suất thiết kế, mỗi giờ dây chuyền sản xuất được 2 tấn phân NPK hỗn hợp. Sau 2 năm hoạt động, sản phẩm của công ty được người dân tin dùng. Thế nhưng công ty đang phải hoạt động cầm chừng vì thiếu vốn sản xuất.
Bình Phước hiện có 427 cơ sở, đại lý mua bán phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Trong năm 2015, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật phối hợp các cơ quan hữu quan tiến hành thanh - kiểm tra 400 cơ sở. Riêng phân bón có khoảng 500-700 tên thương phẩm thuộc 50 nhà máy, công ty khác nhau. Qua kiểm tra chưa thấy biểu hiện hàng hóa kém chất lượng. Trong đó có lấy 15 mẫu phân bón để phân tích, kiểm định chất lượng nhưng cũng không phát hiện được sản phẩm nào kém chất lượng. |
Ông Trần Văn Hùng, Giám đốc Công ty cổ phần thương mại Sao Việt cho biết, hiện công ty hoạt động cầm chừng do sức ép từ thị trường quá lớn. Sản phẩm phân bón kém chất lượng trực tiếp đến tay người tiêu dùng nên không còn cơ hội cho những doanh nghiệp làm ăn chân chính. Bởi lẽ hàng kém chất lượng thì giá thành thấp. Các đơn vị làm ăn gian dối còn bán thiếu, bán trả chậm nên không có chỗ cho mặt hàng chất lượng chen chân. Biết người dân đang cần phân bón cho cây trồng nhưng mình không thể bán thiếu, vì không có vốn sản xuất. Không bán thiếu thì họ mua nơi khác. Mình chỉ còn cách sản xuất cầm chừng theo đơn đặt hàng của những nhà nông tin tưởng và chấp nhận chi trả tiền mặt để bảo vệ thương hiệu Sao Việt.
Cùng cảnh với những công ty phân bón vô cơ, các nhà máy phân bón hữu cơ của Bình Phước cũng gặp không ít khó khăn. Đặc biệt là phân bón hữu cơ, phân bón vi sinh kém chất lượng tràn lan trên thị trường khiến người dân e dè khi dùng đến loại phân này. Ông Lê Văn Nguyên, Giám đốc Công ty phân bón hữu cơ Tân Đồng Tiến cho rằng, Bình Phước có nguồn nguyên liệu cho sản xuất phân bón hữu cơ rất lớn nhưng nhà máy chế biến loại phân bón này lại không thể sống được. Nguyên nhân trước hết do công tác kiểm soát chất lượng phân bón trên thị trường chưa tốt. Song song đó dây chuyền sản xuất, đội ngũ tiếp thị, trình độ quản trị lẫn nguồn vốn còn thấp khiến sản phẩm của các nhà máy phân bón trên địa bàn tỉnh khó đứng chân trên thị trường. Sống trên vùng nguyên liệu, sản xuất ngay trên đất cần phân bón nhưng các công ty, nhà máy phân bón ở Bình Phước không thể phát triển.
Đông Kiểm
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065