BP - Chợ Thanh Lương được xây mới năm 2004, hiện có 64 ki-ốt ngoài trời, 32 sạp trong nhà lồng và các lô chung cư xung quanh. Chợ được xây dựng theo phương thức nhà nước và nhân dân cùng làm, nhà nước có đất, tiểu thương góp tiền đầu tư cơ sở hạ tầng. Sau 10 năm hoạt động, những vấn đề mới nảy sinh khiến sự đồng thuận ngày nào giờ trở nên bất đồng gay gắt giữa tiểu thương và lãnh đạo xã về việc tiếp tục nâng cấp chợ hay không, hợp đồng cho thuê ki-ốt sao cho hợp lý...
Một tiểu thương bức xúc: “Trước đây xã Thanh Lương chưa có chợ, hộ kinh doanh thường ngồi tự do buôn bán. Sau đó, chính quyền xã quây lại một nơi và thu phí 80 ngàn đồng/tháng. Năm 2000, với chính sách nhà nước có đất, tiểu thương góp tiền, chúng tôi đã không ngần ngại vay mượn để đóng góp, mong có nơi buôn bán lâu dài, ổn định. Năm 2004 có chợ mới khang trang, ai cũng vui. Nhưng bây giờ, theo chủ trương mới thì... không vui nổi”.
VÌ SAO CHỦ TRƯƠNG MỚI KHÔNG ĐƯỢC HƯỞNG ỨNG?
Trong năm 2004, chợ hoàn thành đưa vào sử dụng, hoạt động của các hộ kinh doanh dần ổn định. Thế nhưng, năm 2013, UBND xã họp tiểu thương cho biết có chủ trương nâng cấp chợ Thanh Lương để đảm bảo tiêu chí nông thôn mới. Nhiều tiểu thương cho rằng, chợ xây dựng được 10 năm, cơ sở vật chất vẫn còn mới, chưa bị hư hỏng. Nếu nâng cấp tiểu thương lại phải đóng góp kinh phí, trong khi nợ cũ vay mượn để xây chợ có người vẫn chưa trả hết.
Các tiểu thương chợ Thanh Lương không đồng tình với chủ trương mới của xã (ảnh nhỏ).
Chợ Thanh Lương (ảnh lớn)
Theo chuẩn nông thôn mới, đối với chợ có dưới 100 điểm kinh doanh, thì diện tích đất phải đạt tối thiểu 16m2/điểm; đối với xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn, diện tích tối thiểu là 12m2/điểm (quy định tại Quyết định số 12151/QĐ-BCT ngày 31-12-2014 của Bộ Công thương hướng dẫn thực hiện tiêu chí số 7 về chợ trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới). Như vậy, nếu nâng cấp lên theo chuẩn nông thôn mới, chợ không xây tầng lầu nên mỗi ki-ốt phải có tối thiểu 12m2, tương đương giá thuê mỗi ki-ốt sẽ tăng gấp 2 lần so với diện tích ki-ốt hiện nay.
Vì những lý do này nên chủ trương nâng cấp chợ Thanh Lương của UBND xã không được các hộ kinh doanh đồng tình.
Chuyện nâng cấp chợ vừa lắng xuống thì UBND xã thông báo về thay đổi thời hạn hợp đồng và giá thuê đối với ki-ốt, nhà lồng. Thời điểm chợ mới xây, các tiểu thương ký hợp đồng 2,5 triệu đồng/10 năm với ki-ốt ngoài trời; 12-13 triệu đồng/20 năm với ki-ốt trong nhà lồng. Hợp đồng 10 năm thì đến 10-11-2014 hết hạn nhưng hợp đồng 20 năm UBND xã cũng chấm dứt trước, từ 10-11-2014. Mức giá cho thuê mới là 60 ngàn đồng/m2 ki-ốt/tháng. Mỗi ki-ốt rộng 6m2, giá thuê mới tương đương 4,32 triệu đồng/ki-ốt/năm, gấp 1,728 lần giá thuê 10 năm so với hợp đồng cũ. Về thời hạn, các tiểu thương chỉ được ký hợp đồng 1 năm với cả ki-ốt và nhà lồng.
Chị N.T.L (52 tuổi) nói: “Thuê ki-ốt kinh doanh không thể như thuê nhà trọ, thích thì ở, không thích thì dọn đi. Kinh doanh phải đầu tư vốn mua hàng hóa. Nếu sau 1 năm không ký được hợp đồng nữa thì hàng hóa đem đi đâu để bán?”.
Căn cứ theo Quyết định số 42/2012/UB-UBND ngày 28-12-2012 của UBND tỉnh về ban hành mức thu một số loại phí, lệ phí trên địa bàn tỉnh, giá cho thuê loại chợ tương đương chợ xã Thanh Lương là 60 ngàn đồng/m2/tháng. Nhưng thực tế, khác với hầu hết các chợ trong tỉnh, chợ Thanh Lương được đầu tư theo cách nhà nước có đất, tiểu thương góp tiền xây dựng hạ tầng. Thứ hai, thời gian hợp đồng cho thuê 1 năm là quá ngắn, gây khó khăn trong ổn định buôn bán.
Những lý do này dẫn tới chủ trương mới của xã một lần nữa bị tiểu thương phản ứng.
NHỮNG BẤT NHẤT TRONG QUẢN LÝ
Nguyên Chủ tịch UBND xã Thanh Lương Lê Đình Miền (1999-2005) cho biết: Thời điểm làm chợ rất khó khăn, từ diện tích đất đến kinh phí. Lãnh đạo xã rất tích cực vận động người dân đóng góp. Nếu như không được sự ủng hộ của các tiểu thương thì đã không có chợ như hôm nay. Đây cũng là lý do mà ông Miền làm tờ trình đề nghị UBND thị xã Bình Long cho nâng thời hạn hợp đồng thuê mặt bằng để các tiểu thương yên tâm kinh doanh. Thế nhưng tờ trình này đã không được chấp nhận.
Các tiểu thương chợ Thanh Lương thời gian qua buôn bán trong tâm trạng thấp thỏm lo âu
Ngày 12-8-2014, UBND thị xã Bình Long có kết luận thanh tra về việc cho thuê mặt bằng chợ Thanh Lương. Theo đó, đối với khu nhà lồng, quy định thời hạn cho thuê ki-ốt là 10 năm. Tuy nhiên, UBND xã Thanh Lương đã thực hiện không đúng chủ trương được phê duyệt, tự nâng lên thành 20 năm. Bên cạnh đó, UBND xã Thanh Lương chỉ cung cấp được hồ sơ 21 lô có hợp đồng, 11 lô còn lại không có hợp đồng. Đối với khu ki-ốt, UBND xã cũng tự nâng thời hạn hợp đồng từ 5 năm lên 10 năm và cũng chỉ có 17/64 ki-ốt có hợp đồng.
UBND xã Thanh Lương thực hiện chưa tốt việc quản lý sổ sách chứng từ dẫn đến không theo dõi được việc thu tiền mặt bằng thuê chợ. Từ đó chưa thu được 107 triệu đồng vì không thể xác định được hộ đóng và chưa đóng. Việc tự ý nâng thời hạn hợp đồng cũng làm thất thu 140 triệu đồng và ông Lê Đình Miền phải nộp khắc phục hậu quả 42 triệu đồng, ông Vũ Văn Thẩm, nguyên Phó chủ tịch UBND xã phải nộp lại 98 triệu đồng.
CẦN GIẢI PHÁP THỎA ĐÁNG
Chợ Thanh Lương hiện có tổng diện tích 7.914m2. Năm 2000, chúng tôi lên kế hoạch làm chợ, lúc đó chỉ là chợ cóc ven đường, diện tích khoảng 100m2. Sau đó, chính quyền xã đã vận động người dân có đất xung quanh ủng hộ hoặc đền bù với giá rất thấp, chỉ 13 ngàn đồng/m2. Mỗi hộ kinh doanh đóng góp ban đầu 6 triệu đồng để xây dựng. Sau đó làm đến đâu huy động tiểu thương đóng góp đến đó. Tổng cộng khoảng 20 triệu đồng/tiểu thương. Nguyên Chủ tịch UBND xã Thanh Lương Lê Đình Miền |
Trong quá trình giải quyết, Chủ tịch UBND xã Thanh Lương Võ Văn Quốc đã chỉ đạo họp tiểu thương 7 lần nhưng vẫn chưa đi đến thống nhất.
Để rộng đường dư luận và thông tin khách quan, nhiều chiều, phóng viên Báo Bình Phước đã 2 lần đề nghị làm việc với lãnh đạo xã Thanh Lương nhưng đều được cán bộ văn phòng UBND xã hẹn gặp lần khác.
Chị T.T.L (47 tuổi) - một tiểu thương ở chợ nói: “Ông Quốc yêu cầu chúng tôi lên họp để đi đến thống nhất. Nhưng ông chỉ đưa tờ giấy thông báo tăng giá thuê mặt bằng, ký lại hợp đồng chỉ 1 năm. Chúng tôi còn bị hù dọa nếu không ký thì sẽ không cho thuê ki-ốt, nhà lồng để kinh doanh nữa”.
“Một nhóm 4 người đến từng hộ kinh doanh yêu cầu ký vào giấy thông báo đã được viết sẵn. Hộ nào không ký thì bị đe dọa ngày mai phải dọn hàng ra khỏi chợ. Không dọn ra, xã sẽ cho xe vào gom đồ chuyển ra ngoài” - anh T.M.T (43 tuổi) cho biết.
Đã đến lúc xây dựng chợ đạt chuẩn nông thôn mới ở Thanh Lương - 1 trong 10 xã điểm toàn tỉnh giai đoạn 2010-2015 - giúp cho xã có một nơi giao thương, buôn bán khang trang, sạch đẹp hơn? Thời hạn hợp đồng cho thuê ki-ốt kinh doanh chỉ có 12 tháng liệu có hợp lý? Trường hợp chợ được xây dựng theo phương thức nhà nước có đất, nhân dân đầu tư xây dựng hạ tầng như ở Thanh Lương thì việc áp dụng mức giá cho thuê theo Quyết định số 42/2012/UB-UBND có phù hợp? Đối với hợp đồng 20 năm và tiểu thương đã nộp tiền thuê đầy đủ nhưng chấm dứt trước thời hạn, phải xử lý thế nào?... Những vấn đề này phải được lãnh đạo xã Thanh Lương và thị xã Bình Long sớm giải quyết thỏa đáng!
Trang Hương
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065