THUÊ BẰNG DƯỢC SĨ ĐỂ KINH DOANH THUỐC
Chị N.T.N - một chủ hiệu thuốc ở thị xã Đồng Xoài tiết lộ, muốn mở nhà thuốc thì phải có bằng dược sĩ đại học. Nếu không có thì đi thuê bằng. Chị N kể: Vì chỉ có bằng dược sĩ trung học nên để mở được nhà thuốc, nhiều năm trước chị N phải thuê bằng. “Tôi may mắn gặp được “đối tác” tốt, nên sau khi ký hợp đồng họ làm thủ tục, thậm chí làm giấy ủy quyền cho tôi cả năm. Đặc biệt, khi có “động”, họ báo để tôi tìm cách “lánh”.
Hoạt động kinh doanh thuốc trên địa bàn tỉnh còn nhiều bất cập (hình chỉ có tính minh họa) - Ảnh: K.B
Do mặt bằng không nằm ở khu trung tâm của thị xã nên nhà thuốc của chị N hiện trả tiền thuê bằng 3,5 triệu đồng/tháng, hợp đồng thanh toán cả năm một lần. Theo chị N, giá thuê bằng mỗi năm mỗi khác, thậm chí khu vực này khác khu vực kia. Ở khu vực chợ Đồng Xoài, giá thuê bằng thấp nhất cũng phải 6 triệu đồng/tháng, tùy quy mô cửa hiệu.
Để đối phó với Luật Dược (2005) và Nghị định số 93/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuốc, mỹ phẩm và trang thiết bị y tế, hiện các dược sĩ muốn cho thuê bằng phải cân nhắc rất nhiều. Họ lựa chọn những nơi vừa có giá cao lại đảm bảo an toàn, thủ tục cũng chặt chẽ hơn. Mọi quá trình ký kết giữa các bên được thực hiện kín đáo, với sự giới thiệu của người có uy tín.
BÁN THUỐC KHÔNG CẦN TOA
Đến nhiều cơ sở kinh doanh thuốc trên địa bàn tỉnh, chúng tôi nhận thấy có những cơ sở bên cạnh bán thuốc còn kèm theo nhiều sản phẩm khác không phải là thuốc. Nhiều nhất là thực phẩm chức năng, thậm chí một số quầy/đại lý thuốc ở vùng sâu, xa còn bán thêm bánh kẹo. Chị Đ.T.T, chủ tiệm thuốc ở xã Thuận Lợi (Đồng Phú) cho biết: Việc bán thêm các sản phẩm khác nhằm đáp ứng nhu cầu khách hàng, tăng lợi nhuận. Quầy của chị chỉ bán các loại thuốc theo quy định, còn nhiều tiệm khác thì bán nhiều thứ. Khi có đoàn kiểm tra thì giấu!
Chúng tôi hỏi chị T về quy trình bán thuốc, chị T tặc lưỡi: “Lâu nay tôi bán vậy, có ai phàn nàn gì đâu”. Chỉ tay về gói kháng sinh có ghi chữ Amoxillin-clavulanate, chúng tôi hỏi tiếp: “Thuốc này ghi là phải bán theo toa mà chị?” Chị T cau mặt: “Bán buôn là vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi, họ có hỏi đâu mà cô hỏi nhiều thế?”.
Hoạt động kinh doanh thuốc trên địa bàn tỉnh còn nhiều bất cập (hình chỉ có tính minh họa)
Chị N nói: Khi thanh, kiểm tra, thường ngoài lỗi dược sĩ vắng mặt, cơ quan quản lý còn kiểm tra nguồn gốc, chất lượng và giá thuốc. Với lỗi “người quản lý chuyên môn vắng mặt”, không thực hiện việc ủy quyền hoặc cử người thay thế theo quy định thì chỉ bị phạt hành chính. Tuy nhiên, rất hiếm khi dược sĩ vắng mặt vào những thời điểm này.
Ông Nguyễn Việt Tân, Phó chánh Thanh tra Sở Y tế cho biết: Theo quy định của Nhà nước thì chỉ dược sĩ đại học có thâm niên 5 năm công tác tại cơ sở y tế công lập mới đủ điều kiện đứng tên mở nhà thuốc và dược sĩ phải có mặt 24/24 giờ tại nhà thuốc. Nhưng thực tế, rất ít nhà thuốc có sự hiện diện của dược sĩ. Mặt khác, 45 dược sĩ đại học ở Bình Phước hầu hết đang công tác trong hệ thống y tế công lập nên đương nhiên họ không thể “phân thân” để đứng bán ở nhà thuốc.
SẼ SIẾT LẠI CÔNG TÁC QUẢN LÝ CÁC CƠ SỞ DƯỢC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
Ông Văn Thanh Bình, Trưởng phòng Nghiệp vụ Dược, Sở Y tế cho biết: Hiện toàn tỉnh có 884 cơ sở được cấp phép kinh doanh thuốc, chủ yếu là quầy thuốc, chỉ một số ít là nhà thuốc hoặc đại lý thuốc; trong đó có 70% cơ sở đạt tiêu chuẩn nhà thuốc tốt (GPP). Những năm gần đây, việc xuất hiện nhiều nhà thuốc đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, nhưng cũng khiến công tác quản lý của ngành y tế gặp nhiều khó khăn. Việc Bộ Y tế quy định tiêu chuẩn GPP và sắp tới là quy trình bán thuốc chuẩn sẽ là điều kiện để các cơ sở dược hoạt động tốt hơn, đảm bảo quyền lợi của người mua thuốc. Cùng với chuyên môn tốt, ông Bình cho rằng nhất thiết cơ sở phải hoạt động đúng pháp luật. Do đó công tác thanh, kiểm tra phải được tăng cường, việc xử lý vi phạm phải nghiêm minh.
Quý 1/2015, Thanh tra Sở Y tế đã thanh tra hành nghề khám chữa bệnh, dược, y học cổ truyền 17 cơ sở, xử phạt vi phạm hành chính 2 cơ sở vì không công khai tên người hành nghề và không niêm yết giá. Theo ông Nguyễn Việt Tân mỗi năm sở tổ chức từ 2-3 đợt thanh tra nhằm chấn chỉnh các hoạt động y, dược. Do lực lượng mỏng, phải kiêm nhiệm nhiều việc, lượt thanh tra ít, phương tiện đi lại hạn chế nên nhiều cơ sở dược lợi dụng hoạt động không đúng pháp luật. Thời gian tới, Thanh tra sở sẽ tăng cường thanh, kiểm tra hành nghề y, dược; đặc biệt chú trọng kiểm tra hồ sơ pháp lý của các cơ sở, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; đồng thời đề xuất Ban giám đốc sở kiện toàn bộ máy tổ chức Thanh tra sở, củng cố mạng lưới cộng tác viên cơ sở và có kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ để đội ngũ này hoạt động tốt hơn.
P.Dung
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065