Trên cơ sở Nghị quyết số 89/2015/QH13 của Quốc hội về điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, năm 2015 và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xây dựng dự án Luật Du lịch (sửa đổi) và dự thảo này vừa được công bố để lấy ý kiến đóng góp của các cấp, các ngành ở Trung ương, địa phương và nhân dân trong cả nước. So với Luật Du lịch hiện hành, dự thảo Luật Du lịch sửa đổi có nhiều điểm mới được sửa đổi, bổ sung nhằm đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả công tác quản lý nhà nước về du lịch, tạo cơ sở pháp lý nâng cao khả năng cạnh tranh, tạo điều kiện cho ngành du lịch phát triển thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Song, bên cạnh đó, trong dự thảo luật vẫn còn không ít nội dung cần được chỉnh sửa.
Khách du lịch tham quan Tượng đài quân tình nguyện Việt Nam hy sinh tại Campuchia ở thủ đô Phnôm Pênh - Ảnh: S.H
Cụ thể là tại Khoản 1, Điều 3 trong dự thảo luật có đưa ra khái niệm về du lịch với nội dung như sau: Du lịch là các hoạt động có liên quan đến chuyến đi của con người ngoài nơi cư trú thường xuyên trong thời gian không quá 01 năm liên tục nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng, giải trí, tham dự hội nghị, hội thảo hoặc kết hợp với mục đích hợp pháp khác. Theo suy nghĩ của cá nhân người viết bài này thì việc dự thảo luật đưa ra khái niệm như trên là không phù hợp với thực tế của hoạt động du lịch trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế như hiện nay.
Vì, thứ nhất là nội hàm của khái niệm trên đây nghiêng về việc quản lý công dân nước ngoài vào Việt Nam và người Việt Nam đi du lịch ở nước ngoài nhiều hơn, nhưng lại không thấy có bóng dáng của người Việt Nam đi tham quan, du lịch ở các tỉnh, thành phố trong nước. Thứ hai, mặc dù nội hàm của khái niệm trên nghiêng nhiều về việc quản lý người Việt Nam đi du lịch ở nước ngoài, nhưng lại không chặt chẽ, thiếu chuẩn xác về ngôn ngữ. Và xét cho cùng thì bản chất của du lịch là hoạt động rời khỏi nơi cư trú của mình nhưng phải hợp pháp. Trong khi đó, nội dung của dự thảo luật không nêu được vấn đề của hai bản chất đó, dẫn tới khái niệm này dưới góc độ pháp luật hình sự là không ổn và thiếu chuẩn xác. Do đó, hành vi bỏ trốn ra nước ngoài của Dương Chí Dũng trước đây hay như của Trịnh Xuân Thanh hiện nay,... cũng có thể được hiểu “đi du lịch”. Bởi theo khái niệm, “Du lịch là các hoạt động có liên quan đến chuyến đi của con người ngoài nơi cư trú”, thì Dương Chí Dũng trước đây và Trịnh Xuân Thanh hiện nay cũng đã và đang thực hiện chuyến đi ra “ngoài nơi cư trú”. Và nếu như nội dung trên được thông qua và có hiệu lực thì luật sư bào chữa cho Trịnh Xuân Thanh sẽ có lý do khẳng định rằng Trịnh Xuân Thanh đang đi du lịch, chứ không phải là đã thực hiện hành vi trốn khỏi nơi cư trú. Và từ đó, lệnh truy nã quốc tế với Trịnh Xuân Thanh sẽ trở thành vô hiệu.
Từ bất cập trên, tôi đề nghị ban soạn thảo cần sửa đổi, bổ sung và viết lại khái niệm trên cho ngắn gọn, rõ ràng như sau: Du lịch là hoạt động của con người rời khỏi nơi cư trú thường xuyên của mình một cách hợp pháp... Nếu ai đó rời khỏi nơi cư trú thường xuyên của mình một cách không hợp pháp, thì đó là hành vi trốn chạy nhằm trốn tránh trách nhiệm hay hậu quả nào đó mà... do mình gây ra.
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065