BP - Quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan chủ quản báo chí, tại Điểm d của Khoản 3, Điều 17 trong dự thảo Luật Báo chí sửa đổi có quy định như sau: Người được cử trực tiếp theo dõi, chỉ đạo cơ quan báo chí chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với các sai phạm của cơ quan báo chí trực thuộc. Người đứng đầu cơ quan chủ quản báo chí chịu trách nhiệm trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định của pháp luật.
Theo ý kiến của cá nhân tôi thì quy định như trên vừa bất khả thi vừa không rõ ràng, thiếu cụ thể về việc ai là người chịu trách nhiệm chính đối với các sai phạm của cơ quan báo chí. Vì theo dự thảo thì người được cử trực tiếp theo dõi, chỉ đạo cơ quan báo chí chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với các sai phạm của cơ quan báo chí trực thuộc. Trong khi đó, với sự hỗ trợ của khoa học và công nghệ, ngày nay báo điện tử phát triển rất nhanh, mạnh và sâu rộng. Với phương tiện tác nghiệp trong lĩnh vực truyền thông ngày nay thì chỉ cần 20-30 phút sau khi có sự kiện nào đó xảy ra là đã có bản tin, hình ảnh được đăng tải trên báo điện tử. Với tốc độ như thế mà dự thảo quy định rằng người đứng đầu cơ quan chủ quản chịu trách nhiệm về nội dung thông tin trên báo là vô cùng bất cập và không khả thi.
Nhân viên kỹ thuật Phòng Tòa soạn Báo Bình Phước dàn trang báo in - Ảnh: K.B
Bên cạnh đó, nguyên tắc chịu trách nhiệm hành chính hay hình sự được quy định rõ trong các văn bản pháp luật hiện hành cũng đều quy định rõ rằng, người nào có hành vi vi phạm pháp luật thì người đó phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Nếu tổng biên tập duyệt cho đăng tin, bài có nội dung vi phạm pháp luật thì phải chịu trách nhiệm về sai phạm của mình, không thể kéo người đại diện của cơ quan chủ quản cùng phải chịu trách nhiệm chung. Hơn nữa, theo tôi thì quy định như trên là không đúng với nguyên tắc tố tụng hành chính và tố tụng hình sự. Vì một khi đã có người chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm của mình thì không thể có người thứ hai cũng phải chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm của người khác.
Xét dưới góc độ thực tiễn, hiện nay báo đảng của tỉnh, thành phố nào cũng đều là cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh, thành phố đó. Vậy cơ quan chủ quản của các báo đảng địa phương là Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh hoặc thành phố trực thuộc Trung ương. Mà người đứng đầu Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh hay thành phố là đồng chí Bí thư tỉnh ủy, Bí thư thành ủy. Trong khi đó, dự thảo Luật Báo chí sửa đổi lại quy định rằng: Người đứng đầu cơ quan chủ quản báo chí chịu trách nhiệm trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định của pháp luật là không thể thực thi. Vì vậy, tôi đề nghị quy định trên được viết thành điều hay khoản riêng để nói về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan chủ quản báo chí theo hướng chịu trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo để cơ quan báo đảng địa phương nói riêng, các cơ quan báo chí trong tỉnh hay thành phố nói chung phát triển và thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích... thì phù hợp hơn, đồng thời lại nhấn mạnh được trách nhiệm của người lãnh đạo cao nhất tỉnh, thành phố đối với cơ quan báo chí ở địa phương.
Bên cạnh đó, tại Khoản 6, Điều 28 của dự thảo đã quy định rõ nhiệm vụ và quyền hạn của người đứng đầu cơ quan báo chí như sau: Chịu trách nhiệm trước cơ quan chủ quản và trước pháp luật về mọi hoạt động của cơ quan báo chí trong phạm vi và quyền hạn của mình. Đồng thời tại Khoản 2, Điều 32 cũng đã quy định rõ về trách nhiệm của Phó tổng biên tập như sau: Chịu trách nhiệm trước Tổng biên tập, người đứng đầu cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản và trước pháp luật về nội dung thông tin báo chí và nhiệm vụ được phân công. Và tại Điểm đ, Khoản 2, Điều 34 cũng đã quy định rõ quyền và nghĩa vụ của nhà báo như sau: Chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Tổng biên tập, người đứng đầu cơ quan báo chí về nội dung tác phẩm báo chí của mình và về những hành vi vi phạm pháp luật. Theo tôi thì quy định như trên là chưa làm rõ trách nhiệm của từng chức danh về hoạt động báo chí nói chung và về nội dung thông tin báo chí nói riêng của cơ quan báo chí. Và quy định như vậy rất khó cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc xử lý khi cơ quan báo chí xảy ra sai phạm. Vì vậy, ban soạn thảo cần nghiên cứu, quy định lại theo hướng xác định ai là người chịu trách nhiệm chính, ai là người chỉ liên đới chịu trách nhiệm và mức độ trách nhiệm của từng chức danh về các sai phạm trong hoạt động báo chí cũng như về nội dung thông tin trên báo chí.
Trên đây là ý kiến chủ quan của cá nhân người viết và rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến chân tình của bạn đọc gần xa.
N.V
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065