BP - Tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 13-8-2018, giải đáp vấn đề chính sách cử tuyển trong giáo dục đối với học sinh đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng, trong thời gian đầu chính sách này phát huy tốt nhưng gần đây không hiệu quả, học sinh học xong về địa phương không bố trí được việc làm. Nguyên nhân là do việc cử học sinh đi học có nhiều bất cập, dẫn đến chất lượng học của những người được cử tuyển chưa cao, khi tốt nghiệp ra trường không bố trí được việc làm.
Cử tuyển là việc tuyển học sinh không qua thi cử vào các trường đại học, cao đẳng, trung cấp để đào tạo cán bộ, công chức, viên chức cho các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và các DTTS chưa có hoặc có rất ít cán bộ trình độ đại học, cao đẳng. Theo quy định của chế độ cử tuyển, ưu tiên xét các đối tượng là người DTTS thường trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ 5 năm liên tục trở lên tính đến năm tuyển sinh. Tỷ lệ người dân tộc Kinh được cử tuyển không vượt quá 15% so với tổng số chỉ tiêu được giao. Quy định là vậy nhưng nhiều địa phương thực hiện không đúng, dẫn đến tiêu cực trong công tác cử tuyển.
Trong một giai đoạn nhất định, chính sách đào tạo cử tuyển thể hiện tính ưu việt về tạo nguồn cán bộ tại chỗ cho vùng sâu, xa, vùng đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, việc đào tạo tràn lan không bảo đảm chất lượng, cử tuyển sai đối tượng, lãng phí tiền ngân sách đang gây ra nhiều bức xúc trong dư luận. Sinh viên cử tuyển ra trường chưa đáp ứng yêu cầu công việc, tình trạng thất nghiệp ngày càng tăng do không bố trí được việc làm. Ngày 25-5-2015, Chính phủ đã điều chỉnh, bổ sung chính sách cử tuyển bằng Nghị định số 49/2015/NĐ-CP. Theo đó, các địa phương phải xây dựng kế hoạch dài hạn, sát với thực tế theo đúng yêu cầu nhiệm vụ, vị trí việc làm của từng vị trí cử tuyển. Tuy vậy, sau 3 năm thực hiện cho thấy, chế độ cử tuyển đã không còn ý nghĩa như trước và phát sinh một số tiêu cực, cần được điều chỉnh cho phù hợp.
Bình Phước là một trong những địa phương hằng năm có số học sinh được cử tuyển vào các trường đại học, cao đẳng khá cao. Theo số liệu giám sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh vào cuối năm 2017, trong giai đoạn từ 2006-2015 Bình Phước có 828 học sinh được tỉnh cử tuyển. Trong đó có 336 em đang theo học tại các cơ sở đào tạo, 244 em đã tốt nghiệp, 248 em cử tuyển nhưng không nhập học, tự ý nghỉ học, bị kỷ luật buộc thôi học. Cũng trong giai đoạn này có 26 người nhận kinh phí đào tạo của tỉnh nhưng tự ý bỏ học phải hoàn trả lại trên 740 triệu đồng. Ngoài ra, UBND tỉnh yêu cầu thu hồi kinh phí đối với 6 học sinh có hộ khẩu thường trú chưa đủ 5 năm, 9 học sinh người Kinh không đúng khu vực cử tuyển và 8 học sinh có học bạ THPT xếp loại học tập không đạt yêu cầu...
Từ những con số nêu trên cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác cử tuyển và bố trí việc làm cho sinh viên ra trường của Bình Phước thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế, khuyết điểm, bất cập. Các chuyên gia giáo dục cho rằng trong giai đoạn hiện nay, chính sách đào tạo cử tuyển đã bộc lộ nhiều hạn chế; bất cập giữa đào tạo với nhu cầu và bố trí việc làm, giữa quy hoạch và cơ cấu cán bộ với ngành nghề đào tạo... Vì vậy, cần phải có những định hướng, giải pháp mới hoàn thiện để thực hiện hiệu quả chính sách cử tuyển đối với học sinh là người DTTS.
Hà Thanh
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065