>> Bảo vật quốc gia - Huyền thoại quả chuông đồng thời loạn
>>Tranh cãi tên gọi bảo vật quốc gia: Rồng hay Rắn?
Tượng rồng đá ở đền thờ Lê Văn Thịnh có tạo hình vô cùng kỳ lạ: miệng cắn chân, thân xé mình. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng bảo vật quốc gia này không phải rồng mà là rắn.
|
Trước thềm 1.000 năm Thăng Long, đền thờ thái sư Lê Văn Thịnh đã được Bắc Ninh chọn làm 1 trong 4 di tích trọng điểm kỷ niệm đại lễ. Ở độ sâu 50 cm của 2 hố khai quật, các nhà khảo cổ đã phát hiện được vật quý, đó là 2 khúc tượng rồng với mỗi khúc dài xấp xỉ 60 cm, cao 35 cm và rộng 40 cm. Đặc biệt, phần chân rồng hoàn toàn nguyên vẹn, có móng vuốt sắc bám chặt vào thân.
Quý nhất là nó hoàn toàn phù hợp cả về chất liệu và phong cách khối tượng được thờ trong miếu xà thần ngay tại đó. Vì thế, hồ sơ trình công nhận bảo vật quốc gia cho tượng ở đền Lê Văn Thịnh đã ghi rõ “còn tương đối lành và độc đáo”.
Mặc dù vậy, theo thông tin của Ban Quản lý di tích tỉnh Bắc Ninh, khi mang 2 khúc mới phát hiện trên đến ghép vào tượng rồng cũng chưa khớp hẳn. Điều này khiến nhiều người phán đoán tượng còn một phần thân lớn nữa. Nó cũng dấy lên hy vọng có thể sẽ tìm thấy tiếp những phần còn lại của tác phẩm điêu khắc này khi khai quật các khu vực liên quan trong tương lai.
Giải oan
Hồ sơ của tỉnh Bắc Ninh ghi rõ: “Đây là pho tượng rồng độc đáo, hình dáng tượng nửa mình rắn, nửa mang tư thế và móng vuốt như rồng... Hình ảnh này chưa từng có trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam và các nước Đông Nam Á”.
“Tượng rồng được tìm thấy trong khuôn viên nơi từng là tư gia của thái sư Lê Văn Thịnh, người đỗ trạng nguyên khoa thi đầu tiên của nhà Lý năm 1075, nên nhiều người cho rằng tượng chính là nơi gửi gắm những tâm sự về nỗi oan khiên mà thái sư Lê Văn Thịnh đã phải chịu trong vụ án trên hồ Dâm Đàm (hồ Tây) đời vua Lý Nhân Tông”, hồ sơ viết. PGS-TS Lê Đình Phụng (Viện Khảo cổ học) nhận xét: “Cái đó là trường hợp rất đặc biệt. Một con rồng tự cắn xé thân nó. Người ta vẫn cho rằng đây là sự minh oan cho thái sư Lê Văn Thịnh”.
Lê Văn Thịnh sau khi đỗ trạng nguyên đã trở thành thái sư đầu triều Lý khi ấy. Ở tột cùng công danh, ông bị khép tội “hóa hổ giết vua” vào năm 1096 và phải đi đày ở Thao Giang. Đại Việt sử ký toàn thư chép lại chuyện vua ra hồ Dâm Đàm, ngự thuyền nhỏ xem đánh cá. Khi đó, mây mù nổi lên, thấy thuyền có hổ. Đây là lý do khiến Lê Văn Thịnh bị coi là có ý định giết vua.
Do đó, theo nhiều người, hình ảnh tự cắn vào thân mình của bức tượng thể hiện sự hối hận của vua Lý Nhân Tông vì đã nghi oan cho vị thái sư. Một bên tai lành còn một bên tai bịt kín của pho tượng được suy đoán tương ứng với việc nghe lời xàm tấu.
Rồng hay rắn, Lê hay Lý ?
Mặc dù khá thống nhất về ý nghĩa của bức tượng là sự giải oan cho thái sư Lê Văn Thịnh thì tên gọi của “nhân vật chính” cũng như niên đại bức tượng lại vẫn tiếp tục gây tranh cãi. Trong quyết định công nhận bảo vật quốc gia, bức tượng này được ghi song song hai tên: rồng đá và xà thần. Còn niên đại được công nhận là thời Lý.
Tuy nhiên, PGS-TS Lê Đình Phụng lại nhận xét: “Tôi không cho đấy là tác phẩm thời Lý. Con rồng ấy là của đền thờ Lê Văn Thịnh. Ông ấy đã bị hàm oan thời Lý, thậm chí bị đi đày. Chính vì thế, ngay trong thời Lý sẽ khó có chuyện dựng đền thờ ngay sau khi ông mất. Đó phải là chuyện của những đời sau. Nỗi oan của ông ấy những người sau mới có thể thông cảm và đưa ra tác phẩm như thế. Nó phải muộn hơn”.
PGS-TS Phụng còn cho rằng tượng không thể thuộc thời Lý vì có tạo hình hoàn toàn không giống với chuẩn mực rồng thời Lý. “Rồng Thăng Long, Phật Tích, Đọi Sơn đều có tính thống nhất. Con này không nằm trong mẫu số chung của nghệ thuật Lý. Theo tôi, nó ở thời Lê thì hợp lý hơn. Đây là quan điểm của riêng tôi”, ông Phụng nói.
Trong khi đó, PGS-TS Tống Trung Tín, người trong Hội đồng khoa học thẩm định các bảo vật quốc gia, lại nghiêng về quan điểm tượng mô tả một con rắn. Điều này cũng tương đồng với một số ý kiến cho rằng tại đền thờ một vị quan thì không thể có rồng. Rồng là con vật gắn với vua. “Nó là rắn thần. Chính tôi, khi thẩm định đã đề nghị ghi tên bức tượng là xà thần. Đây không phải là rồng. Nó là xà thần thời Lý. Nó có hình dáng là rắn rất rõ nét. Về dấu ấn kỹ thuật và phong cách, tôi thấy đây là tác phẩm thời Lý rất rõ nét”, ông Tín nói.
Việc có những quan điểm khác nhau quanh lý lịch của một bảo vật quốc gia cũng từng xảy ra. Trong đợt công nhận lần trước, cũng có hai quan điểm về nguồn gốc của chiếc lọ gốm có hình thiên nga. Quan điểm của Bảo tàng Lịch sử - đơn vị sở hữu chiếc lọ cho rằng đây là một chiếc bình gốm Chu Đậu. Trong khi đó, TS Bùi Minh Trí, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh thành, lại cho rằng đây là gốm từ lò quan (lò cung đình) của kinh thành Thăng Long. |
Nguồn TNO
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065