Trong thực tế, không ít những người vợ gặp chồng vũ phu trong quan hệ chăn gối, nhưng tất cả đều chọn cách im lặng. Nguyên nhân là do cho đến bây giờ vẫn còn không ít người đàn ông bị ảnh hưởng của tư tưởng phong kiến và cho rằng vợ không phải là người bạn đời mà là một thứ tài sản thuộc sở hữu riêng của mình. Bên cạnh đó, cũng có không ít người phụ nữ cho rằng đó là chuyện riêng tư của vợ chồng, nói ra thì “xấu chàng hổ ai”? Nhưng nếu xét trên phương diện pháp lý, hình như pháp luật hiện hành chưa có chế tài cho hành vi cưỡng ép trong tình dục vẫn còn bị bỏ ngỏ.
Cụ thể, xét dưới góc độ xử phạt vi phạm hành chính, hiện có Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình, nhưng trong đó lại gần như không có một chế tài cụ thể nào dành cho hành vi bạo lực tình dục. Tại Điểm b, Khoản 3, Điều 52 quy định: Phạt tiền từ 500.000-1.000.000 đồng đối với hành vi kích động tình dục hoặc lạm dụng thân thể đối với thành viên gia đình mà thành viên đó không phải là vợ, chồng. Vì luật quy định như vậy, cho nên điều này cũng đồng nghĩa với việc hành vi lạm dụng thân thể vợ, chồng là không vi phạm và cũng sẽ không bị xử phạt.
Xét dưới góc độ pháp luật hình sự thì tại Khoản 1, Điều 111 của Bộ luật hình sự năm 1999 có quy định như sau: Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu với nạn nhân trái ý muốn của họ, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm. Và tại Khoản 1, Điều 113 có quy định: Người nào dùng mọi thủ đoạn khiến người lệ thuộc mình hoặc người đang ở trong tình trạng quẫn bách phải miễn cưỡng giao cấu, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm. Như vậy, cả hai khoản trong 2 điều luật trên đều quy định chủ thể thực hiện hành vi hiếp dâm và cưỡng dâm là “người nào”, nghĩa là nếu chồng bạo hành tình dục vợ thì có thể bị truy cứu theo điều này. Nhưng trong thực tế, chẳng có ông chồng hay bà vợ nào bị bắt vì tội hiếp dâm, cưỡng dâm vợ/chồng.
Nguyên nhân là do: Thứ nhất, theo quy định tại điều 105 của Bộ luật tố tụng hình sự 2003, người phạm tội tại quy định trong Khoản 1, Điều 111 và Khoản 1, Điều 113 trong Bộ luật hình sự hiện hành thì chỉ bị khởi tố khi có yêu cầu của người bị hại hoặc đại diện của họ. Thứ hai, một nước có nền văn hóa Á Đông truyền thống như Việt Nam thì những quy định về tội hiếp dâm và tội cưỡng dâm “mặc nhiên” được hiểu là không bao gồm trường hợp hiếp dâm hoặc cưỡng dâm trong quan hệ hôn nhân.
Vậy những người chồng trong trường hợp này sẽ chịu chế tài gì? Đây đang còn là kẽ hở trong pháp luật hình sự hiện hành ở nước ta. Từ phân tích trên, tôi đề nghị trong lần sửa đổi Bộ luật hình sự tới đây, cơ quan soạn thảo cần bổ sung chế tài đối với hành vi này. Vì có như vậy mới ngăn chặn được bạo lực trong quan hệ vợ chồng, đồng thời bảo vệ quyền bình đẳng của người phụ nữ trong hôn nhân và đời sống vợ chồng.
V.L
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065