BP - Thời gian qua, tình trạng bạo lực học đường đã xảy ra tại một số trường học trong cả nước, với tính chất và mức độ rất phức tạp. Đặc biệt, những vụ việc bạo hành giữa học sinh với nhau sau giờ lên lớp đang là vấn đề nóng, gây bức xúc dư luận. Trước thực trạng này, Chính phủ, Bộ GD-ĐT đã có những chỉ đạo quyết liệt và yêu cầu các tỉnh, thành tăng cường biện pháp để phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường. Những năm học qua, mặc dù chưa xảy ra sự cố nghiêm trọng nào nhưng ngành giáo dục Bình Phước đã tích cực chỉ đạo, tăng cường thực hiện các biện pháp phòng ngừa và ngăn chặn hành vi bạo lực học đường. Để nắm rõ hơn nội dung này, phóng viên Báo Bình Phước đã có cuộc trao đổi với ông Lý Thanh Tâm, Phó giám đốc phụ trách Sở GD-ĐT.
PV: Những năm qua, ở Bình Phước có xảy ra vụ bạo lực học đường nào không, thưa ông?
Ông Lý Thanh Tâm: Trong những năm học qua, ngành giáo dục tỉnh thực hiện nghiêm sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GD-ĐT cũng như sự chỉ đạo trực tiếp của UBND tỉnh nên trên địa bàn tỉnh không xảy ra những vụ việc đáng tiếc nào về bạo lực học đường.
Học sinh Trường THPT Đồng Xoài, TP. Đồng Xoài lúc tan học
Theo đó, hằng năm Sở GD-ĐT đã chỉ đạo phòng GD-ĐT các huyện, thị xã, thành phố và đơn vị trực thuộc thực hiện nghiêm việc ngăn chặn, phòng, chống bạo lực học đường. Chỉ đạo các trường học tăng cường giáo dục kỹ năng phòng, chống bạo lực học đường cho học sinh, nhất là ở các lớp cuối cấp khối THCS và THPT. Đồng thời, tổ chức dạy học lồng ghép nội dung phòng, chống bạo lực học đường trong các môn học liên quan như Giáo dục công dân, Ngữ văn, hoạt động ngoại khóa... Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền và giáo dục kỹ năng nên kể từ năm học 2016-2017 đến nay, trên địa bàn Bình Phước chưa xảy ra vụ việc liên quan đến bạo lực học đường và các vấn đề liên quan đến hành vi bạo hành học đường.
PV: Nhằm phòng ngừa, ngăn chặn bạo lực học đường trên địa bàn tỉnh, ngành giáo dục đã có giải pháp gì, thưa ông?
Ông Lý Thanh Tâm: Thực tế không chỉ trong thời gian vừa qua mà các năm học trước, vấn đề bạo lực học đường nhận được sự quan tâm sâu sát của các cấp, ngành. Hằng năm, vào năm học mới, Sở GD-ĐT đều có văn bản chỉ đạo phòng GD-ĐT các huyện, thị xã, thành phố và các trường trực thuộc thực hiện nghiêm việc xây dựng kế hoạch phòng, chống bạo lực học đường theo văn bản hướng dẫn của cấp trên.
Theo đó, sở yêu cầu các đơn vị khi xây dựng kế hoạch phải bám sát văn bản quy phạm pháp luật như Luật Trẻ em; Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 9-5-2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em; Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 16-5-2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; Nghị định số 80/2017/NĐ-CP ngày 17-7-2017 của Chính phủ quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường; Quyết định số 5886/QĐ-BGDĐT ngày 28-12-2017 của Bộ GD-ĐT về chương trình hành động phòng, chống bạo lực học đường trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên giai đoạn 2017-2021; Thông tư số 31/2017/TT-BGDĐT ngày 18-12-2017 của Bộ GD-ĐT hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông; Công văn số 1266/BGDĐT-CTHSSV ngày 25-4-2018 của Bộ GD-ĐT về việc tăng cường công tác bảo đảm an ninh, an toàn trường học; Công văn số 5312/BGDĐT-CTHSSV ngày 21-12-2018 của Bộ GD-ĐT về việc hướng dẫn xây dựng kế hoạch phòng ngừa bạo lực học đường...
Học sinh Trường cấp 2-3 Lương Thế Vinh (Bù Đăng) trong giờ học môn Lịch sử
Đặc biệt, ngay sau các vụ việc 5 nữ sinh lớp 9 đánh hội đồng bạn học cùng lớp tại Hưng Yên và nữ sinh đánh bạn ở Nghệ An liên quan đến vấn đề bạo lực học đường, Sở GD-ĐT đã ban hành Công văn số 896/SGDĐT-GDTrH ngày 3-4-2019 về việc chấn chỉnh kỷ luật trường học, đảm bảo an toàn trường học và phòng tránh tác hại của mạng xã hội đối với học sinh. Tại công văn này, Sở GD-ĐT đã yêu cầu các đơn vị tiếp tục thực hiện nghiêm túc một số nội dung công việc liên quan đến phòng, chống bạo lực học đường như: Tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của người học, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong cơ sở giáo dục, gia đình người học và cộng đồng về mối nguy hiểm, hậu quả của bạo lực học đường. Nâng cao trách nhiệm về phát hiện, thông báo, tố giác hành vi bạo lực học đường; ngăn ngừa và can thiệp kịp thời đối với các hành vi bạo lực học đường phù hợp với khả năng của bản thân. Tiếp tục chấn chỉnh và thực hiện nghiêm túc kỷ luật trường học, xây dựng trường học an toàn, công khai kế hoạch phòng, chống bạo lực học đường và các kênh tiếp nhận thông tin, tố giác về bạo lực học đường. Thực hiện nghiêm túc việc dạy học lồng ghép các nội dung giáo dục, trang bị kiến thức, kỹ năng về phòng, chống xâm hại người học. Phòng, chống bạo lực học đường, bạo lực trẻ em trên môi trường mạng cho người học, cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên của cơ sở giáo dục và gia đình người học. Tăng cường giáo dục, tư vấn kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ cho người học. Thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát, thu thập và xử lý thông tin liên quan đến bạo lực học đường. Đồng thời thực hiện tốt các phương pháp giáo dục tích cực, không bạo lực đối với người học.
PV: Năm học 2018-2019, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục phải lập và công khai đường dây nóng để các tầng lớp nhân dân cùng phản ánh khi xảy ra vụ việc. Vậy Bình Phước thực hiện nội dung này như thế nào, thưa ông?
Ông Lý Thanh Tâm: Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT về việc công khai số điện thoại đường dây nóng để mọi người cùng phản ánh tình trạng bạo lực học đường, Sở GD-ĐT đã có Thông báo số 722/TB-SGDĐT ngày 18-3-2019 nhằm thông báo đến công dân số điện thoại cũng như lịch làm việc của bộ phận tiếp nhận, xử lý các phản ánh của người dân. Theo đó, mọi công dân có thể liên lạc với Sở GD-ĐT tỉnh Bình Phước địa chỉ số 772, quốc lộ 14, phường Tân Phú, TP. Đồng Xoài, qua số điện thoại: 0271.3879936. Tóm lại, để ngăn chặn bạo lực học đường thì phải thực hiện đồng bộ các giải pháp ngăn chặn từ xa.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Tấn Phong (thực hiện)
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065