Chỉ vì những xích mích nhỏ, nhiều nữ sinh sẵn sàng đánh nhau. Những hình ảnh này xuất hiện ngày càng nhiều khiến dư luận xã hội lo lắng - ảnh internet
Ngày 25-3, Báo Bình Phước đưa tin một học sinh bị đánh hội đồng tại cổng trường khiến tinh thần em hoang mang, học hành giảm sút, cha mẹ của em cũng ngày đêm lo lắng, sầu não vì sự học của con. Sự việc diễn ra cho thấy trước hết là sự thờ ơ của những người ở nơi diễn ra sự việc. Chẳng lẽ, giữa thanh thiên bạch nhật, nơi công cộng có một nhóm người ngang nhiên đánh học sinh mà không ai nhìn thấy và tri hô? Và khi gia đình yêu cầu ngành chức năng vào cuộc thì đã hơn 4 tháng trôi qua, sự việc vẫn giậm chân tại chỗ.
Điều đáng buồn là bạo lực tấn công học đường không còn là chuyện hiếm. Bởi chỉ trong quý 1/2015, báo chí đã phải “điểm danh” nhiều tỉnh, thành như Trà Vinh, Hậu Giang, An Giang, Phú Thọ, Hà Nội... có học sinh bị đánh hội đồng. Người đời vẫn nói “nhất quỷ nhì ma, thứ ba... học trò”, thì việc học sinh đánh nhau âu cũng là chuyện bình thường của trẻ con. Nhưng việc cùng xúm vào đánh bạn ngay tại khuôn viên trường hoặc đang mặc đồng phục, đeo khăn quàng đỏ mà tụ tập “đánh hội đồng” khiến bạn thương tích đầy mình, thậm chí tinh thần hoảng loạn thì thật đáng sợ! Nhất là việc báo chí đã phải lên án không chỉ sự vô cảm trước việc cả nhóm đánh khiến bạn bị cấm khẩu đã hơn 5 tháng tại Phú Thọ mà còn ở sự thờ ơ từ ban giám hiệu đến cô chủ nhiệm lớp có học sinh là nạn nhân của bạo hành. Sự vô cảm, vô tình của người lớn cùng với sự thờ ơ, thậm chí hò reo, cổ vũ của nhiều bạn trẻ khi bạn mình bị hành hạ, cần giúp đỡ... khiến nhiều người không khỏi giật mình, xót xa.
Nhân cách học sinh được hình thành và phát triển từ sự kết hợp giáo dục của cả 3 yếu tố: nhà trường, gia đình và xã hội. Bạo lực học đường xảy ra với mật độ dày như hiện nay đã đủ gióng lên hồi chuông cần phải xem lại thước đo về giáo dục đạo đức học sinh không chỉ trong phạm vi nhà trường mà còn cả ở gia đình và ngoài xã hội.
Hiện đang xảy ra tình trạng rất nhiều bậc phụ huynh đua nhau nhồi nhét chữ cho con với mong muốn chúng thành vĩ nhân, thiên tài... đến nỗi ép con vừa ăn vừa học, lên giường ngủ còn học, thậm chí vừa đi trên đường đến lớp vừa học... Có trẻ thì học triền miên từ chính khóa đến ngoại khóa, phụ đạo, bồi dưỡng... đến nỗi không còn thời gian ăn uống cho đàng hoàng. Nhiều đứa trẻ đã phải vừa gặm bánh mì, ăn cơm hộp trên lưng mẹ vừa di chuyển đến lớp học thêm, học chính... Áp lực học đè nặng lên học sinh nhưng chủ yếu chỉ là trau dồi kiến thức còn mối quan hệ tình cảm thầy - trò, trò - trò trong nhà trường thì ngày càng lỏng lẻo. Học sinh lo đuổi theo các môn học còn thầy lo “chạy xô” cho kịp ca kíp nên chẳng mấy ai còn quan tâm giáo dục đạo đức, nhân cách cho trò. Ngoài ra, áp lực vì học tập không có thời gian giải tỏa, chia sẻ muộn phiền, bức xúc cũng khiến các em dễ nổi nóng, trút giận vào bạn khi có điều kiện. Học sinh vốn chịu ảnh hưởng rất lớn từ giáo viên, với học sinh thì thầy cô là tấm gương đạo đức, nguồn kiến thức rộng nhưng sự suy giảm về nhân cách của một số người đã góp phần không nhỏ khiến đạo đức học sinh suy giảm. Bắt đầu từ việc xem thường thầy cô, nói tục chửi thề rồi lớn dần là tụ tập đánh nhau... Giá như người lớn nghiêm túc, mới nghe học sinh nói lời không hay, hành động không đẹp là chấn chỉnh ngay và bản thân mỗi người thật sự là tấm gương cho con trẻ thì đã không có những tật xấu, tệ nạn... Việc giáo dục đạo đức học sinh cần phải thiết thực và gần gũi, giúp các em có kỹ năng sống ngay từ những điều rất nhỏ để tránh những hậu quả lớn.
Ngọc Tú
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065