BP - Ngày 21-6-2017, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ra mắt Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản. Với chức năng tham mưu, giúp bộ trưởng quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về phát triển thị trường nông - lâm - thủy sản; điều phối các hoạt động phát triển thị trường, quản lý về chế biến, bảo quản nông - lâm - thủy sản; phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng, tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách về thương mại... việc thành lập Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản đã nhen lên một tia hy vọng cho nông dân trước tình trạng ứ thừa nông sản đang diễn ra gay gắt trong thời gian qua.
Có thể nói, “giải cứu” nông sản là một điệp khúc buồn của ngành nông nghiệp Việt Nam, diễn ra triền miên trong nhiều năm qua và đến tận bây giờ vẫn chưa tìm ra giải pháp hữu hiệu. Chỉ trong 5 tháng đầu năm 2017, ngành nông nghiệp liên tiếp phải “giải cứu” chuối, hành, dưa hấu. Đỉnh điểm là cuộc khủng hoảng dư thừa heo, đẩy người chăn nuôi đến bờ vực phá sản. Những tưởng cuộc khủng hoảng thừa thịt heo trong suốt mấy tháng qua đã làm cho nền nông nghiệp Việt Nam “tỉnh giấc”, thế nhưng đàn heo chưa kịp giải cứu hết thì những trang trại nuôi cá sấu đã lại lên tiếng kêu gọi được giải cứu vì phía Trung Quốc ngừng mua. Những năm trước, nghề nuôi cá sấu mang lại lợi nhuận cao, thu hút nông dân tại thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và cả Bình Phước ồ ạt đầu tư. Trước đây, giá cá sấu thương phẩm dao động từ 150-200 ngàn đồng/kg thì hiện chỉ còn 40-70 ngàn đồng/kg và lượng cá sấu tồn đọng lên đến hàng trăm ngàn con. Vậy là cơn “domino thừa” từ heo đã chuyển sang cá sấu. Thế nhưng các tổ chức, đoàn thể có thể vận động mọi người, mọi nhà ăn thịt heo, còn bây giờ chẳng lẽ lại phát động toàn dân... ăn thịt cá sấu?
Giải cứu hành tím, dưa hấu, thanh long, chuối, giải cứu heo, cá sấu cùng hàng loạt nông sản khác và những năm tới chưa biết sẽ đến loại nông sản nào. Nguyên do cũng chỉ vì người nông dân nghe theo những hợp đồng miệng của thương lái nước ngoài rồi ồ ạt trồng, ồ ạt nuôi, thu hoạch cũng ồ ạt dẫn đến nguồn cung tăng cao trong khi nhu cầu tiêu thụ trong nước chỉ có mức độ. Theo giới chuyên gia, một trong những lời giải bài toán đầu ra cho nông sản chính là xúc tiến thương mại. Hiện nay, sản xuất nông nghiệp đã có thể tạo ra lượng hàng hóa lớn nhưng tiêu thụ và xuất khẩu lại gặp rất nhiều khó khăn. Cũng là trái vải thiều Bắc Giang, ở các siêu thị trong nước giá cao lắm cũng chỉ 70 ngàn đồng/kg, nhưng tại các siêu thị của Nhật Bản, chỉ 12 trái vải thiều đã có giá tương đương 430 ngàn đồng Việt Nam. Tương tự, các mặt hàng sầu riêng, bơ, bưởi da xanh... giá bán trong nước thấp hơn rất nhiều so với nước ngoài. Thực trạng này đòi hỏi xúc tiến thương mại phải vào cuộc tìm kiếm đầu ra cho nông sản, từ thị trường trong nước đến xuất khẩu.
Từ câu chuyện hành tím, dưa hấu, thịt heo và các mặt hàng nông sản ứ đọng không tiêu thụ được thời gian qua cho thấy, giữa sản xuất và phân phối các mặt hàng nông sản hiện nay có sự chênh lệch lớn về giá trị. Nói cách khác, phần lớn giá trị nông sản đang rơi vào kênh phân phối. Bởi thế, việc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập một cơ quan chuyên trách, có nhiệm vụ điều phối các hoạt động phát triển thị trường, quản lý về chế biến, bảo quản nông - lâm - thủy sản; phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện cơ chế, chính sách về thương mại... là một hy vọng mới đối với nông dân. Hy vọng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản sẽ phát huy được vai trò của mình. Nếu nông dân cứ phải “tự bơi”, tự tìm đầu ra cho con heo, con gà, trái dưa... như hiện nay thì mỗi năm, chúng ta vẫn tiếp tục phải đi “giải cứu”!
Nguyên Thủy
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065