Theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới, ô nhiễm không khí đã gây ra cái chết của gần 7 triệu người mỗi năm vì các lý do như ung thư phổi, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não... Vì vậy, ô nhiễm không khí chính là “kẻ giết người” thầm lặng. Nếu không có các biện pháp kịp thời để giải quyết tình trạng này thì con người sẽ phải trả giá nhiều hơn bằng chính sức khỏe và sinh mạng của mình. Tại Việt Nam, với sự phát triển của một số lĩnh vực như công nghiệp, vận tải, xây dựng, tình trạng thải rác bừa bãi... đã làm cho ô nhiễm không khí ngày càng nghiêm trọng hơn.
Những nguyên nhân chính khiến tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng tăng ở nước ta đã được các đơn vị chức năng và chuyên gia đầu ngành phân tích. Theo đó, ô nhiễm không khí tại các thành phố là do quá trình đô thị hóa, lượng khí thải, bụi thoát ra từ hoạt động sản xuất, giao thông và xây dựng. Nguồn sinh ra bụi mịn ở các đô thị hầu hết là từ khí thải giao thông, công trình xây dựng, đường sá và nhà máy công nghiệp. Quy hoạch đô thị trong các thành phố lớn có quá nhiều nhà cao tầng cùng với các điều kiện thời tiết như nghịch nhiệt (tầng cao nhiệt độ cao, tầng thấp nhiệt độ thấp), khiến khối không khí bị ô nhiễm không thể phát tán lên cao. Đây được xem là hiện tượng mù chứa nhiều chất ô nhiễm trong không khí diễn ra những ngày vừa qua.
Một nguyên nhân gây ô nhiễm trực tiếp không khí ở các thành phố là do rác thải tồn đọng, ùn ứ ở một số tuyến đường, kênh mương. Hiện nay, hầu hết bãi rác tại các thành phố đều sử dụng biện pháp chôn lấp và có tới 85-90% các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh, có nguy cơ gây ô nhiễm. Tại các khu vực nông thôn gần nhà máy nhiệt điện, xi măng, các làng nghề tái chế kim loại, chế tác đá, lò gạch... nồng độ bụi cũng vượt quá tiêu chuẩn cho phép. Ngoài ra, khói bụi từ hoạt động đốt rơm rạ, đốt nương rẫy của người dân cũng góp phần gây ô nhiễm không khí, ảnh hưởng tiêu cực đối với sức khỏe cộng đồng và gây ra thiệt hại đối với các ngành sản xuất và du lịch.
Để ngăn chặn tình trạng ô nhiễm môi trường không khí, cần có những giải pháp thiết thực và cụ thể. Ngày 1-6-2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025. Mục tiêu nhằm hướng tới tăng cường công tác quản lý chất lượng không khí thông qua kiểm soát nguồn phát sinh khí thải; giám sát chất lượng không khí xung quanh, cải thiện chất lượng môi trường không khí và bảo đảm sức khỏe cộng đồng. Tuy vậy, bên cạnh sự nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền các địa phương, cần có sự chung tay vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Mỗi cá nhân, gia đình cần tham gia giảm thiểu các nguồn phát thải gây ô nhiễm không khí; thay vào đó nên dùng các nguyên liệu làm sạch tự nhiên, trồng cây xanh quanh nhà và sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng mặt trời.
Hà Thanh
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065