Tiếp tục kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, chiều 20-5, các đại biểu làm việc tại Hội trường, nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến nhân dân và chỉnh lý dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2011.
Đồng thời, các đại biểu cũng nghe Báo cáo thẩm tra quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2011; Tờ trình và báo cáo thẩm tra các dự án: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp.
Huy động được sự tham gia tích cực của nhân dân góp ý, hoàn thiện Dự thảo sửa đổi Hiến pháp
Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến nhân dân và chỉnh lý dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Ủy viên Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Trưởng ban biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 Phan Trung Lý trình bày nêu rõ: việc lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 không chỉ huy động được sự tham gia tích cực của nhân dân ở trong nước và đồng bào Việt Nam ở nước ngoài để góp ý, hoàn thiện Dự thảo mà còn phát huy quyền làm chủ của nhân dân, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức đối với việc xây dựng Dự thảo Hiến pháp, cũng như thực thi Hiến pháp sau này.
Với sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, theo báo cáo của các cơ quan, tổ chức hữu quan, tính đến nay, đã có hơn 26.091.000 lượt ý kiến góp ý của nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, với hơn 28.000 hội nghị, hội thảo, tọa đàm được tổ chức. Nhìn chung, ý kiến của nhân dân tán thành với các nội dung cơ bản của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 do Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp công bố; đồng thời nhân dân cũng góp nhiều ý kiến tâm huyết, trí tuệ và trách nhiệm vào các nội dung cụ thể của Dự thảo.
Qua tổng hợp ý kiến nhân dân, hầu hết các ý kiến đều nhất trí với việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 để phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới, phù hợp với yêu cầu mở cửa, hội nhập với thế giới.
Có nhiều ý kiến nhân dân đóng góp vào Điều 1 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Nhìn chung các ý kiến cho rằng Điều 1 đã thể hiện rõ những tiêu chí cơ bản của Nhà nước như tên nước, hình thức chính thể, chủ quyền quốc gia. Riêng về tên nước, còn có các loại ý kiến: loại ý kiến thứ nhất đề nghị tiếp tục quy định tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tên gọi này ra đời trong bối cảnh nước ta vừa hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ, thống nhất đất nước, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, khẳng định rõ con đường, mục tiêu xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Tên gọi này đã được sử dụng ổn định từ tháng 7/1976 đến nay, đã được chính thức ghi nhận trong Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992.
Loại ý kiến thứ hai đề nghị lấy lại tên gọi Việt Nam dân chủ cộng hòa vì tên gọi này gắn liền với sự ra đời của chính thể cộng hòa đầu tiên ở Việt Nam, là thành quả của cuộc cách mạng giành độc lập tháng Tám năm 1945. Tên gọi này đã được chính thức ghi nhận trong Bản Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên đọc ngày 2/9/1945 và tiếp tục được khẳng định trong Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959, thể hiện rõ thể chế chính trị của Việt Nam là cộng hòa, bản chất của Nhà nước Việt Nam là Nhà nước dân chủ.
Về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, đa số ý kiến tán thành với việc bố cục Chương thành Chương II và đánh giá cao việc ghi nhận các quyền con người trong Dự thảo đã bao quát hầu hết các quyền cơ bản về dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa của con người theo các điều ước quốc tế mà nước ta là thành viên. Dự thảo đã tiếp tục khẳng định và làm rõ hơn các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong Hiến pháp năm 1992.
Đồng thời, Dự thảo cũng đã bổ sung một số quyền mới. Các ý kiến tập trung vào các loại ý kiến: đề nghị cần làm rõ, phân biệt khái niệm quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp; đề nghị xem lại cách quy định về quyền con người và quyền công dân, tách riêng quyền con người, quyền công dân thành các mục khác nhau; đề nghị phải xác định rõ trách nhiệm của Nhà nước và những bảo đảm của Nhà nước để các quyền trong Hiến pháp có tính hiện thực và khả thi.
Loại ý kiến khác cho rằng về cơ bản quyền con người là không bị hạn chế, nhưng nếu hạn chế phải chỉ rõ cơ sở để hạn chế và chỉ được hạn chế theo quy định của luật...
Ý kiến nhân dân cũng cơ bản tán việc bổ sung một chương mới về các thiết chế hiến định độc lập. Về Hội đồng Hiến pháp, hiện có 2 loại ý kiến: loại thứ nhất đề nghị không nên thành lập Hội đồng Hiến pháp mà duy trì cơ chế bảo hiến hiện hành. Loại thứ hai tán thành với sự cần thiết thành lập Hội đồng Hiến pháp nhưng đề nghị bổ sung thêm nhiệm vụ, quyền hạn đối với thiết chế này cho phù hợp với yêu cầu và đòi hỏi của thực tiễn.
Về Hội đồng bầu cử quốc gia, hiện có 3 loại ý kiến: loại ý kiến thứ nhất tán thành với việc quy định Hội đồng bầu cử là một thiết chế hiến định độc lập như Dự thảo. Loại ý kiến thứ hai đề nghị cần cân nhắc việc thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia vì cho rằng bầu cử chỉ diễn ra 5 năm một lần. Loại ý kiến thứ ba đề nghị xác định tính chất hoạt động thường xuyên hay không thường xuyên của cơ quan này ngay trong Dự thảo.
Thu, chi ngân sách Nhà nước năm 2011 đạt và vượt dự toán Quốc hội giao
Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2011 của Chính phủ do Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nêu rõ: trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, song với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, nhiều nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội đạt và vượt mục tiêu Quốc hội đặt ra. Nhờ đó, nhiệm vụ thu, chi ngân sách Nhà nước đạt và vượt dự toán Quốc hội giao.
Dự toán thu ngân sách Nhà nước 595.000 tỷ đồng, quyết toán 721.804 tỷ đồng; tăng 21,3% so với dự toán, chủ yếu do giá tăng, chỉ số giá tăng 18,13% so với năm trước, nên thu thuế xuất nhập khẩu, dầu thô và thu nội địa tăng; thu từ nhà, đất tăng cao.
Dự toán chi cân đối ngân sách Nhà nước là 725.600 tỷ đồng, quyết toán 787.554 tỷ đồng, tăng 8,5% so với dự toán, chủ yếu tăng chi đầu tư phát triển (56.306 tỷ đồng) từ nguồn tăng thu ngân sách; trong đó có tăng thu sử dụng đất, nguồn ODA tăng giải ngân so với dự kiến và nguồn năm trước chuyển sang. Trong đó, quyết toán chi ngân sách Trung ương là 362.211 tỷ đồng, tăng 0,7% so với dự toán. Quyết toán chi ngân sách địa phương là 425.343 tỷ đồng, tăng 16,2% so với dự toán.
Về bội chi ngân sách Nhà nước, Quốc hội quyết định mức bội chi ngân sách Nhà nước là 120.600 tỷ đồng, bằng 5,3% GDP. Quyết toán số bội chi là 112.034 tỷ đồng, bằng 4,4% GDP, giảm so với mức Quốc hội cho phép 8.566 tỷ đồng. Năm 2011, nguồn vốn ngoài nước giải ngân cao hơn dự kiến (tăng 5.775 tỷ đồng) nên theo quy định phải tăng mức bội chi ngân sách tương ứng nhưng nhờ sử dụng 9.100 tỷ đồng từ nguồn tăng thu ngân sách Nhà nước năm 2011 để giảm bội chi ngân sách Nhà nước nên đã giảm được mức bội chi trên.
Các khoản thu, chi quản lý qua ngân sách Nhà nước đạt 96.541 tỷ đồng, tăng 68,1% so với dự toán; trong đó thu học phí tăng 6.438 tỷ đồng; viện phí tăng 28.776 tỷ đồng thực hiện theo quy định phản ánh qua ngân sách Nhà nước, vì vậy làm cho số ghi thu, ghi chi ngân sách tăng lớn so với dự toán đầu năm; các khoản còn lại tăng 6,8% so với dự toán.
Chính phủ trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn quyết toán thu, chi ngân sách Nhà nước với tổng số thu cân đối ngân sách Nhà nước là 962.982 tỷ đồng (bao gồm cả chuyển nguồn từ năm 2010 sang năm 2011); tổng số chi cân đối ngân sách Nhà nước là 1.034.244 tỷ đồng (bao gồm cả chuyển nguồn từ năm 2011 sang năm 2012); bội chi ngân sách Nhà nước là 112.034 tỷ đồng, bằng 4,4% GDP.
Cũng trong buổi chiều, Quốc hội đã nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra các dự án: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp...
(Theo TTXVN)