Tham dự hội nghị còn có các đồng chí nguyên là Bí thư Tỉnh ủy từ năm 1997 đến nay; các đồng chí nguyên là Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; lãnh đạo Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật, Hội Cựu chiến binh tỉnh cùng các nhân chứng lịch sử trực tiếp chiến đấu trên chiến trường Bình Phước.
Ban Thường vụ tỉnh ủy cũng mời các nhà khoa học ở thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương tham gia góp ý, trao đổi tại hội nghị, như: đại tá, PGS, TS Hồ Sơn Đài, nguyên Trưởng phòng Khoa học - công nghệ Quân khu 7; TS Lê Hữu Phước, Hiệu phó Trường đại học Khoa học - xã hội và nhân văn thành phố Hồ Chí Minh; PGS, TS Hà Minh Hồng, nguyên Trưởng khoa Lịch sử Trường đại học Khoa học - xã hội và nhân văn thành phố Hồ Chí Minh; TS Nguyễn Văn Hiệp, Hiệu trưởng Trường đại học Thủ Dầu Một.
Chơn Thành hiện là trung tâm công nghiệp của tỉnh. Trong ảnh là Khu công nghiệp Minh Hưng - Hàn Quốc ở xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành - Ảnh: T.Phương
Phát biểu đề dẫn tại buổi lấy ý kiến, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Tấn Hưng cho rằng: Việc xác định ngày giải phóng tỉnh Bình Phước là trăn trở bấy lâu nay của các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh, cán bộ, chiến sĩ, đảng viên, nhân dân Bình Phước. Việc xác định ngày giải phóng tỉnh Bình Phước là việc làm cần thiết, có ý nghĩa chính trị quan trọng đối với đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh. Đây là ngày để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tỉnh Bình Phước tổ chức các hoạt động kỷ niệm, khơi dậy và phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết xây dựng tỉnh Bình Phước ngày càng giàu đẹp, văn minh. Đồng thời tôn vinh, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc tới cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đã hy sinh, đóng góp to lớn cho độc lập, hòa bình và sự phát triển của tỉnh. Đây cũng là nhiệm vụ chính trị quan trọng mà Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa IX phải hoàn thành...
đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Tấn Hưng cũng khẳng định: Kết quả của hội nghị là một trong những cơ sở quan trọng để Ban Thường vụ tỉnh ủy quyết định ngày giải phóng tỉnh Bình Phước.
Theo các ý kiến tại hội nghị, ở giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, nhiều địa phương cấp quận thuộc tỉnh Bình Phước cũ đã lần lượt được giải phóng, gồm quận Lộc Ninh và quận Bố Đức (7-4-1972), quận Đức Phong (14-2-1974), Đôn Luân (26-12-1974), Phước Bình (6-1-1975), An Lộc (23-3-1975), quận Chơn Thành (2-4-1975).
Tại hội nghị, sau khi nghiên cứu, tham khảo, các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy đã gợi mở những ý kiến thảo luận xoay quanh 2 vấn đề: Các nguyên tắc chung, tiêu chí, phương thức lựa chọn ngày giải phóng tỉnh Bình Phước. Tỉnh ủy đưa ra ngày 23-3-1975 - ngày giải phóng Bình Long và ngày 2-4-1975 - ngày giải phóng Chơn Thành để hội nghị trao đổi, góp ý.
Hội nghị đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp nhiệt tình của các nhân chứng lịch sử từng tham gia chiến đấu trực tiếp trên địa bàn tỉnh Bình Phước và của các vị lão thành cách mạng và các nhà khoa học. Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Nguyễn Văn Ngữ có ý kiến nên lấy ngày 2-4-1975 làm ngày giải phóng tỉnh Bình Phước. Đại tá Lê Tính, Anh hùng lực lượng vũ trang, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh cũng thống nhất lấy ngày 2-4-1975, với lý do đây là huyện cuối cùng của tỉnh Bình Phước ngày nay được hoàn toàn giải phóng.
TS Lê Hữu Phước cho rằng: “Ở thời điểm được giải phóng, chỉ có 2 quận Phước Bình và An Lộc là tỉnh lỵ (trung tâm hành chính) thuộc 2 tỉnh Phước Long và Bình Long cũ. Đồng thời, để chọn một ngày có tính chất đại diện cho một chuỗi sự kiện, bao giờ cũng lấy ngày diễn ra sự kiện tại trung tâm chính trị - hành chính, nơi đặt bộ máy chính quyền đầu não của đất nước hay địa phương. Nếu tuân thủ các nguyên tắc đó và đối chiếu với tình hình thực tế ở địa phương thì ngày giải phóng Phước Bình - tỉnh lỵ của Phước Long cũ (6-1-1975), ngày giải phóng An Lộc - tỉnh lỵ của Bình Long cũ (23-3-1975) được tính đến để lựa chọn. Sự kiện giải phóng An Lộc là đáp ứng đầy đủ và trọn vẹn các tiêu chí để chọn làm ngày giải phóng tỉnh Bình Phước. Vì sự kiện này diễn ra tại trung tâm chính trị - hành chính, nơi đặt bộ máy chính quyền đầu não của đối phương ở tỉnh Bình Long. Sự kiện này nằm trong chuỗi sự kiện của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước”.
Đại tá Hồ Sơn Đài cho rằng: “Ngoài việc chiếu theo các nguyên tắc chung thì việc để chọn ngày giải phóng của tỉnh còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố từ địa phương, nên rất cần có thời gian và chọn lựa thật kỹ. Do đặc điểm riêng, Bình Phước có 3 ngày giải phóng mang tầm vóc lịch sử như Bình Long (23-3-1975), Chơn Thành (2-4-1975) và Phước Long (6-1-1975). Theo các yếu tố lịch sử và thực tế lịch sử Bình Phước, tôi chọn ngày 2-4-1975 là ngày giải phóng toàn tỉnh”.
Trân trọng những ý kiến đóng góp tại hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Tấn Hưng cho biết: Thường trực Tỉnh ủy sẽ ghi nhận những ý kiến đóng góp của các nhân chứng lịch sử, nhà khoa học và các đại biểu, đồng thời nhận thêm nhiều ý kiến đóng góp khác để có thêm cơ sở lựa chọn ngày giải phóng tỉnh Bình Phước. Việc chọn một ngày giải phóng tỉnh Bình Phước rất quan trọng. Vì vậy cần thận trọng, khách quan. Ban Thường vụ tỉnh ủy sẽ mời các nhà khoa học, nhân chứng lịch sử tư vấn, nghiên cứu để sớm đưa ra kết quả ngày giải phóng tỉnh Bình Phước trước ngày 30-4-2015.
Ngọc Bích
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065