Mốc son chói lọi của lịch sử
Ngày 7-5-1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng và đi vào lịch sử như một bản hùng ca chói lọi, đột phá thành trì hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc. Những địa danh: Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam... mãi là những mốc son cho tinh thần, ý chí đấu tranh kiên cường trên con đường đi tới tự do, độc lập của nhân dân ta. Chỉ bằng sức người, vũ khí thô sơ và ý chí quyết chiến quyết thắng, Quân đội nhân dân Việt Nam đã tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương của đội quân viễn chinh Pháp được Mỹ giúp sức. 65 năm trôi qua, những câu chuyện của các cựu chiến binh, những chứng nhân lịch sử, cùng với sự đổi thay của mảnh đất huyền thoại đã làm cho mỗi người dân nước Việt thêm tự hào của “9 năm làm một Điện Biên/Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”.
Ngày 7-5-1954, lá cờ “Quyết chiến, quyết thắng” của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng tung bay trên nóc hầm Đờ Cát,Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ toàn thắng - Ảnh tư liệu
Tháng 12-1953, Bộ Chính trị và Bác Hồ thông qua kế hoạch mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ngày 13-3-1954, quân ta mở chiến dịch và trải qua 3 đợt. Đợt 1 từ ngày 13 đến 17-3, ta tấn công các cứ điểm phía Bắc là Him Lam, Độc Lập và Bản Kéo. Đợt 2 từ ngày 30-3 đến 26-4, ta tấn công các cứ điểm phía Đông phân khu trung tâm như A1, C1, E1, D1, đồng thời cắt đường tiếp tế của Pháp, khắc phục khó khăn về hậu cần. Đợt 3 từ ngày 1 đến 7-5, ta tấn công sở chỉ huy và các cứ điểm còn lại. Tham chiến tại mặt trận Điện Biên Phủ, lực lượng của ta có 3 đại đoàn bộ binh (308, 312, 316), Trung đoàn bộ binh 57 (Đại đoàn 304), Đại đoàn công binh - pháo binh 351. Sau 56 ngày đêm chiến đấu vô cùng gian khổ và anh dũng, quân, dân ta đã hoàn toàn làm chủ mặt trận Điện Biên Phủ. Tổng kết toàn bộ chiến dịch, quân ta đã diệt và bắt sống 16.200 quân địch, trong đó có 1 thiếu tướng, 16 đại tá, 1.749 sĩ quan, hạ sĩ quan; bắn rơi và phá hủy 62 máy bay các loại, thu toàn bộ vũ khí, kho tàng, đạn dược, quân trang, quân dụng... Chiến thắng Điện Biên Phủ đã xóa sổ hoàn toàn tập đoàn cứ điểm quân sự mạnh nhất Đông Dương của quân đội Pháp. Đây là một trong những trận quyết chiến chiến lược trong lịch sử Việt Nam, là đòn quyết định số phận quân đội viễn chinh Pháp trong cuộc chiến tranh Đông Dương.
Đóng góp của Bình Phước
Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, địa bàn miền Đông Nam bộ nói chung và khu vực tỉnh Bình Phước ngày nay nói riêng tình hình chiến sự cũng rất cam go. Quân và dân Bình Phước những năm 1953-1954 đã tích cực, chủ động đánh địch, gây cho chúng nhiều tổn thất. Thực hiện Kế hoạch Nava, từ tháng 9-1953, trên chiến trường Đông Nam bộ, nhiều đơn vị tinh nhuệ của thực dân Pháp phải rút đi. Đến cuối năm 1953, quân số địch trên địa bàn chỉ còn khoảng 26.000 tên. Do thiếu quân và bị ta tiến công liên tục nên địch phải rút bỏ một số bốt và tháp canh, tổ chức thành những đơn vị cơ động trấn giữ đường 13, đường 14. Đây cũng là điều kiện thuận lợi cho ta tấn công và phát huy công tác địch vận. Quân ta đã mở những cuộc tiến công vào các hướng quan trọng, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, giải phóng nhiều vùng rộng lớn, buộc địch phải bị động phân tán lực lượng, bước đầu làm phá sản kế hoạch của tướng Nava. Lực lượng vũ trang kết hợp với du kích ở Hớn Quản đánh trên đường 13, 14 diệt hàng trăm tên, phá hủy nhiều xe quân sự. Với chiến thắng Bến Cát, Lái Thiêu, Thủ Đức, đặc biệt chiến thắng Cầu Định đã làm nức lòng nhân dân trong tỉnh. Trong khí thế quyết thắng của quân và dân cả nước, công nhân, nông dân và đồng bào dân tộc thiểu số Hớn Quản, Bù Đốp cùng các đội vũ trang tại các đồn điền cao su đẩy mạnh chiến đấu, tiêu diệt hàng chục tháp canh của địch, vận động binh lính ngụy mang súng về vùng căn cứ tham gia kháng chiến. Những chiến công trên địa bàn tỉnh đã góp phần cùng quân dân cả nước làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ.
Các cựu chiến binh Bình Phước trong một lần thăm lại Điện Biên
Tỉnh Bình Phước hiện có khoảng 70 cựu chiến binh từng trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử. Họ là những cán bộ, chiến sĩ của các đơn vị bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, du kích quân hay những dân công hỏa tuyến... Đến nay, hầu hết cựu chiến binh là chiến sĩ Điện Biên năm xưa tuổi đã cao sức khỏe giảm sút, nhưng khi kể lại những ngày tháng đánh giặc, ai cũng tự hào nhớ về một thời tuổi trẻ hào hùng. Đó là những người bình dị nhưng với ý chí “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” đã một lòng làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Tinh thần, ý chí và niềm tự hào ấy đang được tiếp tục nhân lên để bảo vệ vững chắc Tổ quốc và xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh. (*)
Hà Thanh
(*) Bài viết tham khảo “Lịch sử Bình Phước kháng chiến” (1945-1975)
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065