Nhiều ưu ái doanh nghiệp nữ
Theo số liệu thống kê của Walmart, hiện số DN do phụ nữ sở hữu hay điều hành chiếm khoảng 25%-35% tổng số DN tư nhân thế giới. Tại Việt Nam, theo VCCI, trong số những người đang khởi sự kinh doanh có 42% là nữ giới; đến giai đoạn kinh doanh đã phát triển, tỷ lệ nam và nữ gần như ngang bằng, thậm chí nữ giới còn nhỉnh hơn với 50,2%. Tuy nhiên, nữ giới thường tham gia vào các hoạt động kinh doanh ở mức độ hộ cá thể, buôn bán nhỏ lẻ; ở quy mô DN, tại Việt Nam, trong số gần 500.000 DN đang hoạt động, chỉ có 25,4% DN do phụ nữ lãnh đạo.
Trở lại với Walmart, trong quá trình tìm kiếm các nhà cung ứng, tại sao tập đoàn này lại ưu ái các DN có phụ nữ quản lý? Theo tính toán của bà Jocelyn Tran, Giám đốc cao cấp khu vực Đông Nam Á của Walmart, trong số 260 triệu khách hàng thường xuyên của Walmart, khách hàng nữ chiếm đại đa số. Đây chính là lý do năm 2011, Walmart đưa ra sáng kiến trao quyền kinh tế cho phụ nữ. Đây không chỉ đơn thuần là hoạt động từ thiện mà còn nhằm khai thác sức mạnh trong chuỗi cung ứng Walmart để hỗ trợ cho các doanh nhân nữ trên khắp thế giới. Walmart chủ trương tăng cường lựa chọn nguồn cung từ các DN do phụ nữ làm chủ (đã đạt giá trị mua hàng 20 tỷ USD từ các DN nữ tại Mỹ và tăng gấp đôi trên toàn cầu).
Theo bà Jocelyn, việc thu mua hàng từ các DN do phụ nữ làm chủ sẽ mang lại lợi ích cho kinh doanh vì kinh nghiệm cho thấy, các DN nữ có tính sáng tạo cũng như khả năng thích nghi cao hơn. Họ cũng sẵn sàng thử nghiệm những ý tưởng mới. Nói như vậy, không có nghĩa Walmart phân biệt giới tính giữa nam và nữ. Quy trình trở thành nhà cung ứng của Walmart là giống nhau. Tuy nhiên, ở một số trường hợp Walmart sẽ hướng dẫn thêm cho DN nữ, tư vấn cho họ về các giải pháp hậu cần, các quy định về đo lường, các quy định và biểu mẫu, bởi thông thường các DN rất cần sự hỗ trợ thêm để trở thành một nhà cung ứng chuyên nghiệp.
Kinh nghiệm bán hàng cho Walmart
Tập đoàn Walmart hiện có 10.800 cửa hàng ở 27 quốc gia. DN muốn đưa hàng vào Walmart cần tuân theo các tiêu chuẩn của Walmart như khai báo tất cả các cơ sở sản xuất; xác nhận thông tin khai báo là chính xác; cập nhật thông tin thường xuyên trên dữ liệu điện tử; nắm rõ tình hình các cơ sở sản xuất của mình; minh bạch khi phát hiện các vấn đề… Ngoài ra, DN tự rà soát lại hoạt động và chất lượng hàng hóa của mình, DN phải có mã số D-U-N-S; thử nghiệm và chứng nhận chất lượng an toàn, lao động và môi trường, tính bền vững trong hoạt động và trách nhiệm xã hội của DN.
Là một trong những DN cung ứng thành công mặt hàng cá tra vào Walmart tại Mexico, bà Trần Thị Vân Loan, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP XNK thủy sản Cửu Long An Giang, cho biết, cách đây 8 năm, do Walmart chưa có chính sách thu mua hàng trực tiếp từ Việt Nam nên công ty phải bán hàng qua trung gian. Năm 2014, công ty đã trở thành nhà cung cấp trực tiếp cho Walmart. Theo bà Loan, để đứng vào chuỗi cung ứng, công ty đã phải trải qua 4 lần kiểm định về nhà máy, tài chính, an ninh chuỗi cung ứng và trách nhiệm xã hội. Về nhà máy, các tiêu chí bắt buộc như tuân theo các bộ tiêu chuẩn của quốc tế và Việt Nam, trong đó nổi bật là tiêu chí về nguyên liệu sạch.
Về sản phẩm, ngoài việc DN phải có đủ nguồn nguyên liệu với số lượng lớn, thì cá là sản phẩm tự nhiên nên tính đồng nhất về kích cỡ cũng là một thách thức lớn cho DN. Thông thường, khi đánh bắt mỗi mẻ cá cho ra 4 loại kích cỡ khác nhau, nhưng do đặc trưng của Walmart chỉ lấy hàng ở một cỡ nhất định nên DN phải có quy mô đủ lớn và có kế hoạch sát sao mới đủ năng lực cung ứng. “Tuân thủ các quy định về an toàn, chất lượng là việc làm bình thường đối với DN. Cái khó nhất khi bắt tay với Walmart chính là tiêu chuẩn về lao động và thực hiện trách nhiệm xã hội với người lao động và cộng đồng” - bà Loan kết luận.
Cùng quan điểm trên, bà Nguyễn Hoài Anh, Phó Tổng giám đốc kinh doanh và phát triển Công ty TNHH May thêu Thuận Phương, cho hay, lúc đầu công ty chỉ cung ứng hàng cho đối tác Hàn Quốc. Năm 2008, khi DN đủ lớn, tích lũy được kinh nghiệm, công ty đã mạnh dạn tìm đến văn phòng đại diện của Walmart tại Trung Quốc để ghi tên làm ứng viên. Ban đầu công ty chỉ xuất khẩu cho Walmart khoảng 200.000 đơn vị sản phẩm nhưng đến nay đã tăng lên 3-5 triệu sản phẩm. Hiện công ty có khoảng 60% là lao động nữ nên việc tuân thủ về lương, thưởng được lãnh đạo công ty quan tâm đặc biệt.
Xuất khẩu sang Mỹ nói chung hoặc đưa được hàng vào một hệ thống siêu thị lớn như Walmart nói riêng là mong muốn của nhiều DN Việt Nam. Để xuất khẩu thành công, DN phải biết cách nhìn nhận, đánh giá chính mình đã sẵn sàng chưa. Cần tìm hiểu kỹ quy trình phát triển xuất khẩu gồm các bước gì, đã thực hiện bước nào chưa, nếu chưa thì DN có biết được điều gì cần thiết phải làm không. Nói như bà Jocelyn, Walmart đã mua hàng ở Việt Nam rất nhiều và mong muốn đặt Việt Nam vào bản đồ các nhà cung ứng toàn cầu, nhưng về ngắn hạn vẫn còn nhiều thách thức. Điều kỳ vọng của Walmart vào các đối tác họ đang tìm kiếm tại Việt Nam, chính là cùng nhau thúc đẩy trách nhiệm trong chuỗi cung ứng, đồng thời tạo cảm hứng cho các DN khác cùng tham gia, từ đó cùng nhau xây dựng niềm tin cốt lõi và giá trị kinh doanh trong lộ trình dài hạn.
Nguồn SGGP
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065