LTS: Tại kỳ họp lần thứ 7, HĐND tỉnh khóa VIII diễn ra từ ngày 10 đến 12-7-2013, Ban Dân tộc vừa có Văn bản số 161/BDT-KHTH trả lời ý kiến, kiến nghị của đại biểu HĐND tỉnh. Dưới đây, Báo Bình Phước xin giới thiệu cùng bạn đọc nội dung của văn bản này.
* Tổ đại biểu khu vực TX. Phước Long và huyện Bù Gia Mập phản ánh hai nội dung: Thứ nhất là việc cấp đất cho đồng bào DTTS xa nơi ở, bị lấn chiếm nhiều nên không hiệu quả. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo rà soát để có biện pháp xử lý triệt để. Thứ hai là tình trạng cho vay nặng lãi trong đồng bào dân tộc thiểu số diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ bất ổn. Đề nghị tỉnh có giải pháp chỉ đạo nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng này.
Cử tri huyện Bù Gia Mập kiến nghị - Ảnh: L.P
Về việc việc cấp đất cho đồng bào DTTS, Ban Dân tộc trả lời như sau: Việc tổ chức triển khai thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc được xác định trách nhiệm UBND các huyện, thị là đơn vị chịu trách nhiệm trực tiếp và toàn diện, trong đó có chính sách hỗ trợ đất ở và đất sản xuất. Do quỹ đất sản xuất để quy hoạch thực hiện các chính sách hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số là đất lâm nghiệp, đất rừng nghèo kiệt do các nông lâm trường quản lý; mặt khác, tại một số địa phương có hộ đồng bào DTTS, không có đất sản xuất được hưởng các chương trình, chính sách khi không còn quỹ đất, nên các địa phương phải quy hoạch tập trung và xa nơi ở, khi quy hoạch đất hỗ trợ bị một số đối tượng vào lấn chiếm nên khó khăn trong sản xuất. Vấn đề này, UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND các huyện, thị kiên quyết thực hiện thu hồi lại diện tích đất đã quy hoạch và cấp cho các hộ hưởng chính sách, nhưng bị xâm canh, lấn chiếm để chấn chỉnh kỷ cương pháp luật; thực hiện rà soát, đúng đối tượng để hỗ trợ, giao đất cho các hộ, đồng thời gắn với việc cấp giấy CNQSD đất cho hộ, đó là cơ sở pháp lý để giải quyết tranh chấp và cơ quan tòa án sẽ xét xử theo quy định của pháp luật.
Trương hợp nếu các hộ thấy cấp đất xa nơi ở, sản xuất không hiệu quả thì chuyển sang hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề như: hỗ trợ đào tạo nghề, hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề, mua sắm nông cụ, dịch vụ… UBND tỉnh giao UBND các huyện, thị thống kê và xây dựng phương án cụ thể cho phù hợp với điều kiện từng địa phương, từng lao động trình UBND tỉnh phê duyệt, thực hiện.
Về tình trạng cho vay nặng lãi trong đồng bào dân tộc thiểu số: Nhìn chung tình trạng vay nặng lãi trong vùng đồng bào dân tộc đã diễn ra từ nhiều năm qua, nhận thấy đây là vấn đề gây nên nhiều nguy cơ tiềm ẩn bất ổn trong vùng đồng bào dân tộc. Ngày 15-9-2010 UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 14/2010/CT-UBND về việc tăng cường biện pháp quản lý, ngăn chặn tình trạng bán điều non, cầm cố đất, bán đất trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Sau 2 năm sơ kết triển khai thực hiện Chỉ thị số 14/2010/CT-UBND của UBND tỉnh tình trạng cho vay nặng lãi trong vùng đồng bào dân tộc có giảm, song không đáng kể. Do các nguyên nhân như sau:
Tình trạng đi vay nặng lãi để trang trãi cuộc sống như gia đình có người ốm đau cần tiền để điều trị bệnh, xây cất nhà ở, trả nợ… Việc vay liền với lãi suất cao, đa số hợp đồng cho vay mượn được thực hiện dưới hình thức viết giấy tay hoặc thỏa thuận miệng với nhau, lãi suất thường giao động từ 4-10%/tháng, dẫn đến hậu quả là buộc phải bán điều non, bán QSDĐ. Đa số diện tích đất mà các hộ đồng bào đem cầm cố, thế chấp để vay tiền là thuộc đất lâm phần chưa có giấy chứng nhận QSDĐ nên chính quyền địa phương khó phát hiện và không có cơ sở để xử lý. Mặt khác các đối tượng cho vay nặng lãi đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết, kích thích lối sống thực dụng của một số hộ đồng bào DTTS để cho vay nặng lãi…
Bằng mọi thủ thuật làm quen, ban đầu ân nghĩa cho mượn tiền từ ít đến nhiều, cho thiếu nợ tiền mua hàng (lương thực thực phẩm, vật tư phân bón, hàng tiêu dùng…) lâu dần cùng cách tính lãi cao, đến lúc đòi nợ các hộ không trả, buộc họ phải đi vay mượn nơi khác, hoặc làm giấy vay với lãi suất bắt buộc phải chấp nhận, từ đó dẫn đến hệ lụy về sau là phải bán điều non, cầm cố, bán quyền sử dụng đất.
Việc quản lý đất đai ở cơ sở chưa chặt chẽ; công tác vận động, tuyên truyền chưa được thường xuyên; sự chủ quan, thiếu sâu sát, thiếu quan tâm trong lĩnh vực quản lý nhà nước về công tác dân tộc; sự vào cuộc của các ngành chức năng chưa đồng bộ, chưa quyết liệt trong việc giải quyết tình trạng vay nặng lãi trong vùng đồng bào dân tộc.
Để có giải pháp chỉ đạo nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng này. UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, các địa phương tiếp tục thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp, cụ thể như sau: Các ngành chức năng phối hợp với các địa phương điều tra nắm chắc phân loại và xử lý các hành vi cho vay nặng lãi, lừa đảo, ép buộc đồng bào phải bán điều non, cầm cố, bán quyền sử dụng đất ở, đất sản xuất dẫn đến hậu quả đói, nghèo.
Trường hợp đủ cơ sở thì khởi tố, xét xử lưu động theo quy định của pháp luật để làm gương răn đe, giáo dục. Tạo nguồn và tổ chức cho vay theo chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Theo hình thức thành lập các tổ, nhóm công tác, tạo nguồn vốn từ các chính sách vay vốn và tổ chức cho các hộ nghèo, khó khăn vay vốn không cần tài sản thế chấp làm điểm rút kinh nghiệm chỉ đạo nhân rộng, tạo điều kiện thuận lợi để đồng bào DTTS nghèo, đời sống khó khăn cần vốn vay với lãi suất ưu đãi để giải quyết nhu cầu phát triển sản xuất và đời sống.
Đẩy mạnh cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho đồng bào dân tộc thiểu số. Hỗ trợ tư vấn pháp lý cho đồng bào DTTS. Huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động giáo dục pháp luật để mọi người sống và làm việc theo pháp luật. Đặc biệt là cấp chính quyền cơ sở của xã phát huy vai trò của già làng và người có uy tín trong cộng đồng thôn ấp, thường xuyên đưa tin trên hệ thống truyền thanh của xã khuyến cáo đồng bào dân tộc phát huy ý thức tự tôn dân tộc, ý chí tự vươn lên, không tiêu xài hoang phí để phải vay mượn nợ, cảnh giác để không bị lừa đảo bởi những đối tượng cho vay nặng lãi, mua điều non, cầm cố, sang nhượng đất trong đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương.
* Tổ đại biểu khu vực huyện Đồng Phú và Bù Đăng phản ánh: Tỉnh giải quyết dứt điểm các dự án đầu tư hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Giải pháp đột phá gì để khắc phục hiệu quả tình trạng thiếu đất bố trí các dự án hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số theo các chương trình của Chính phủ.
Ban Dân tôc trả lời như sau: Thực hiện Quyết định số 33/2007/QĐ-TTg ngày 5-3-2007 (chương trình 33), chương trình 134 (1592)… hiện đang triển khai thực hiện hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, quá trình thực hiện còn chậm do các nguyên nhân cụ thể như sau: Diện tích đất quy hoạch bị trùng lặp với các dự án khác đã được phê duyệt trước đó (dự án thôn 8 xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng trùng với dự án thủy điện Đamlo; đất của dự án huyện Chơn Thành và huyện Hớn Quản bị trùng với dự án quy hoạch đất thực hiện quỹ an sinh xã hội của tỉnh…); diện tích quy hoạch thực hiện dự án bị xâm canh, lấn chiếm phức tạp, các huyện chưa có giải pháp để giải quyết triệt để (Bù Đăng, Bù Gia Mập, Lộc Ninh).
Trung ương bố trí vốn chưa đảm bảo theo kế hoạch đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt nên tiến độ thực hiện chậm, từ năm 2008 đến năm 2013 kinh phí được phân bổ cụ hể: Nguồn vốn Trung ương: 37.640 triệu đồng/115.062 triệu đồng đạt 32,55%; nguồn kinh phí của tỉnh: 2.500 triệu đồng.
Thời quan vừa qua, UBND tỉnh trực tiếp là đồng chí Phó chủ tịch Nguyễn Huy Phong đã trực tiếp chỉ đạo thường xuyên để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, để có giải pháp chỉ đạo quyết liệt các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Trong điều kiện khó khăn về nguồn vốn, song các địa phương đã tích cực lồng ghép các nguồn vốn của các chương trình 135, 1592 và huy động các doanh nghiệp đóng trên địa bàn. Đến nay đã có 4 dự án cơ bản hoàn thành giúp đồng bào có nhà ở, có đất sản xuất, ổn định cuộc sống. Hiện tại, tỉnh đang tiếp tục chỉ đạo triển khai 4 dự án ĐCĐC đã được phê duyệt và đã thực hiện khai hoang cấp đất cho dân sản xuất, bố trí vốn để triển khai từng hạng mục của dự án. Vì, chưa đủ nguồn vốn để giải quyết dứt điểm các dự án đầu tư hỗ trợ đồng bào dân tộc. Do khó khăn chung của nền kinh tế đất nước nên Thủ tướng chính phủ đã ban hành các Quyết định số 33/QĐ-TTg, ngày 4-6-2013 về tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ di dân thực hiện định canh định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số đến năm 2015; Quyết định số 755/QĐ-TTg ngày 20-5-2013 về phê duyệt chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn giai đoạn 2013-2015; Quyết định 551/QĐ-TTg ngày 4-4-2013 về phê duyệt chương trình 135 về hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, bản đặc biệt khó khăn giai đoạn 2013-2015; Quyết định số 54/2012/QĐ-TTg ngày 4-12-2012 về ban hành chính sách cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn giai đoạn 2012-2015…; với sự quan tâm đầu tư của Chính phủ từ các chương trình chính sách nêu trên. UBND tỉnh sẽ ưu tiên tập trung, lồng ghép các nguồn lực và chỉ đạo quyết liệt để đẩy mạnh việc thực hiện các chương trình chính sách, các dự án đầu tư hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh có hiệu quả trong thời gian tới.
Về giải pháp đột phá gì để khắc phục hiệu quả tình trạng thiếu đất bố trí các dự án hỗ trợ đồng bào DTTS theo các chương trình của Chính phủ: Thực hiện Quyết định số 755/QĐ-TTg ngày 20-5-2013 của Thủ tướng chính phủ về phê duyệt chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn giai đoạn 2013-2015. Tại mục 3, điểm a, khoản 1, điều 3 của quyết định ghi: “Quỹ đất sản xuất để giao cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo bao gồm: Đất nhà nước quy hoạch để hỗ trợ cho đồng bào DTTS nghèo và hộ nghèo theo quy định tại quyết định này; đất thu hồi từ các nông, lâm trường và các doanh nghiệp, tổ chức sau khi sắp xếp lại theo Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 16-6-2003 của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh; đất khai hoang phục hóa; đất được hiến, mua, chuyển nhựng tự nguyện; đất thu hồi từ các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai và các nguồn khác”; UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các ngành của tỉnh tham mưu, tiến hành rà soát, thu hồi để tạo quỹ đất thực hiện các dự án hỗ trợ cho đồng bào dân tộc.
Cũng theo Quyết định 755/QĐ-TTg, tại điểm b, khoản 1, điều 3 của quyết định ghi: Những nơi không còn quỹ đất để giao đất sản xuất cho các hộ thì được hỗ trợ để chuyển đổi sang một trong các hình thức như: Những hộ có lao động học nghề để chuyển đổi nghề thì được hỗ trợ kinh phí học nghề. Những hộ có lao động, có nhu cầu mua sắm nông cụ, máy móc làm dịch vụ sản xuất nông nghiệp hoặc cần vốn để làm các nghề khác, tăng thu nhập, thì được hỗ trợ một phần kinh phí và ưu tiên vay vốn tín dụng với mức vay 15 triệu đồng/hộ. Hỗ trợ xuất khẩu lao động theo các quy định của Chính phủ.
Bên cạnh triển khai thực hiện Quyết định số 755/QĐ-TTg nêu trên. UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành rà soát, thống kế các hộ thiếu đất sản xuất còn trong độ tuổi lao động để UBND tỉnh làm việc với các công ty cao su, doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh thực hiện theo Quyết định số 42/2012/QĐ-TTg ngày 8-10-2012 của Thủ tướng chính phủ về việc hỗ trợ các tổ chức, đơn vị sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số tại khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn. Trước mắt tỉnh đang chỉ đạo thực hiện thí điểm đa số thanh niên là người dân tộc ở xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập để đào tạo nghề và đưa vào làm công nhân tại các công ty cao su đóng trên địa bàn huyện Bù Gia Mập.
Để đẩy mạnh giảm nghèo theo hướng bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số trong những năm tới, tỉnh sẽ có chính sách đặc thù để đào tạo nghề cho lao động thanh niên DTTS tốt nghiệp từ cấp II trở lên tại các trường trung cấp, cao đẳng nghề có chương trình liên kết đào tạo nghề theo nhu cầu của các tổ chức, đơn vị sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Trưởng ban Huỳnh Thanh
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065