BP - Ngày cuối tuần, vợ chồng đứa cháu gái đến chơi mà vẫn mang theo vẻ mặt hậm hực. Hỏi vì sao lại mang bộ mặt bí xị đến thăm dì thì cả vợ lẫn chồng tranh nhau nói. Anh chồng “kể tội” đứa con trai học rất kém, thế nhưng mỗi lần bố “dạy” thì mẹ lại bênh chằm chặp. Chưa dứt lời thì cô vợ chen ngang rằng chồng cư xử không công bằng với con. Lời qua tiếng lại, tôi phải lên tiếng dàn hòa thì cả hai mới chịu thôi.
Sự việc bắt đầu từ việc thằng bé học lớp 4 mang về một bài văn bị cô giáo cho điểm 2 với lời phê “rất kém”. Đề bài văn là “Em hãy tả lại buổi tối ấm cúng trong gia đình”. Thằng bé viết: “Buổi tối ở nhà em bắt đầu bằng việc mẹ vừa nấu cơm vừa càu nhàu vì bố không “nhổ rễ” khỏi chiếc tivi để phụ mẹ. Còn em giành nhau với bố về kênh truyền hình. Lúc ăn cơm, 2 bố con vừa ăn vừa dán mắt vào tivi. Khi nghe quảng cáo “Một người khỏe hai người vui”, em hỏi bố sao lại như thế thì mẹ em giật lấy đồ bấm tivi và tắt cái phụt. Thế là bố mẹ cãi nhau. Ăn cơm xong, chẳng ai nói với ai lời nào. Mẹ lục đục dọn dẹp dưới bếp. Em phải ngồi vào góc học tập nhưng thi thoảng vẫn ngoái ra xem trộm chương trình thế giới động vật...”.
Khi nghe cô cháu gái đọc lại gần như nguyên xi bài văn của con, tôi cười chảy cả nước mắt. Quả thật ngoài việc thằng bé viết lạc đề thì nó rất đáng được khâm phục về tài quan sát. Nghe tôi nhận xét thế, cô vợ “vơ” ngay lấy, bảo cháu cũng nói thế thì anh ấy bảo cháu dở hơi. Nhưng cháu bảo đảm với dì là anh ấy thậm chí còn chưa đọc bài văn của thằng bé mà chỉ nhìn thấy điểm 2 là bắt phạt con. Ai đời nó còn bé thế mà bắt đứng úp mặt vào tường 2 tiếng đồng hồ không cho uống nước. Làm mẹ như cháu, thấy con bị đối xử thế bảo sao không xót!
Rồi cô cháu tự hào bảo dì thấy không, đây là bài văn tả thực sinh động nhất mà cháu từng đọc. Điều đó chứng tỏ thằng bé rất nhạy cảm, vừa có óc quan sát vừa có khả năng thể hiện, lại rất trung thực, không tự lừa dối bản thân và lừa dối người khác như nhiều người lớn vẫn thường làm. Đó là phẩm chất tốt của thằng bé cần phải phát huy! Khổ thân thằng bé, khi thấy anh ấy đối xử không công bằng với nó, cháu muốn lên tiếng bênh vực, nhưng vì chúng cháu đã thỏa thuận khi người này dạy con thì người kia không được bày tỏ thái độ, ngược lại nên cháu cố nhịn. Thế nhưng giờ nghĩ lại vẫn thấy tức.
Cô quay sang nói với chồng, thực ra những điều con viết trong bài văn chỉ là một góc nhỏ trong bức tranh gia đình mình vào buổi tối. Khi cô giáo gắn thêm vào yêu cầu “ấm cúng”, có lẽ con mình nhận thức rằng ấm cúng nghĩa là phải có đầy đủ các thành viên trong gia đình nên nó viết thế. Thực tế là chẳng mấy khi anh về nhà đúng giờ để có mặt trong bữa cơm chiều. Em hiểu là không riêng gì anh mà hầu hết các ông chồng đều thế cả, thích bù khú bạn bè hơn là ăn cơm cùng gia đình. Nói thế, có lẽ anh sẽ bảo em không công bằng với anh, vì thi thoảng cũng có hôm anh ở nhà buổi tối. Em nhớ chứ, vì những tối như thế đâu có nhiều nhặn gì. Và chúng ta cũng chẳng nói với nhau lời nào, giống như con miêu tả trong bài văn. Thế nên việc anh phạt con vì bài văn bị điểm kém là không công bằng. Em hứa sẽ không nói với con điều đó, nhưng có lẽ anh nên mua cho con một món đồ chơi gì đó, để cho lòng bớt day dứt!
L. T
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065