Năm 2019, thu ngân sách của Bình Phước ước đạt 9.054 tỷ đồng (chi ngân sách 12.065 tỷ đồng), thu nhập bình quân ước đạt 62,5 triệu đồng/người/năm, là mức thu cao nhất từ trước tới nay của tỉnh. Kết quả năm 2019 và kế hoạch năm 2020 là những con số cực kỳ ấn tượng bởi chưa bao giờ Bình Phước thu ngân sách được nhiều và cũng chưa bao giờ khoảng cách thu - chi ngân sách của Bình Phước lại hẹp đến như thế. Sự ấn tượng còn bởi Bình Phước đặt ra chỉ tiêu thu ngân sách cao trong bối cảnh doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm nông nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn, hàng ngàn nông dân đang lao đao do giá nông sản chủ lực của tỉnh như cao su, hồ tiêu... đang giảm sâu và chưa có dấu hiệu phục hồi.
Cơ cấu kinh tế của Bình Phước năm 2019 công nghiệp - xây dựng 37%, dịch vụ 34,37%, nông nghiệp - công nghiệp - thủy sản 24,33%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 4,3% (tỷ lệ này năm 2018 lần lượt là 36,73%, 34,32%, 4,02%). Trong khi đó, cơ cấu kinh tế bình quân chung cả nước năm 2018 đã đạt công nghiệp - xây dựng 34,3%, dịch vụ 41,2%, nông - lâm nghiệp - thủy sản 14,6%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 9,98%. Lĩnh vực nông - lâm nghiệp - thủy sản của Bình Phước chiếm tỷ lệ lớn, nhưng giá cả lại giảm sâu, ảnh hưởng tiêu cực nhiều. Trước nhiều bất lợi như thế, tốc độ phát triển kinh tế của tỉnh vẫn đạt khá, đặc biệt thu ngân sách trong nhóm các địa phương có số thu cao, hỗ trợ ngân sách từ Trung ương giảm nhanh, là một điểm rất sáng trong bức tranh kinh tế - xã hội của Bình Phước.
Tuy nhiên, trong bức tranh đó cũng còn không ít nỗi lo từ chính những điểm sáng ấy. Về thu ngân sách, trong 9.054 tỷ đồng ước đạt năm 2019, riêng 2 tháng cuối năm còn phải thu 1.817 tỷ đồng các khoản từ đất, gồm thu tiền sử dụng đất 1.258 tỷ đồng và 559 tỷ đồng tiền thuê đất. 10 tháng trước đó của năm 2019, thu từ đất cũng chiếm phần lớn trong số 2.352 tỷ đồng của danh mục thu tiền sử dụng đất, thuê đất, xổ số kiến thiết và lợi nhuận sau thuế. Như vậy, tính cả năm, thu từ đất, gồm thu tiền sử dụng đất và thu tiền thuê đất chiếm khoảng 1/3 tổng thu ngân sách của tỉnh. Điều đó đồng nghĩa tài nguyên đất đang giữ vai trò rất lớn đối với thu ngân sách, hay nói cách khác thu ngân sách của tỉnh còn phụ thuộc rất lớn tài nguyên sẵn có.
Ngân sách thu ở đâu, nền kinh tế vận hành chủ yếu xung quanh đó. Tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng là bài toán đã đặt ra, được tất cả các cấp từ Trung ương đến địa phương và với tất cả địa phương trong cả nước nỗ lực giải quyết nhiều năm qua. Tăng trưởng kinh tế không thể thiếu các con số, song làm thế nào để tăng trưởng bền vững, tăng trưởng từ nội lực thật sự mà hạn chế phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên sẵn có là bài toán không dễ giải với một địa phương còn bề bộn khó khăn và có nhiều bất lợi trong cạnh tranh đầu tư như Bình Phước.
Với những con số đã đạt được, mục tiêu tự cân đối ngân sách với Bình Phước không còn xa. Hy vọng mục tiêu ấy sẽ sớm đạt được, đồng thời Bình Phước cũng giải được bài toán phụ thuộc nhiều vào tài nguyên đất như hiện nay.
Trần Phương
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065