CHƯA TÌM ĐƯỢC “TIẾNG NÓI CHUNG”
Vì không thương lượng được với chủ DN nên ngừng việc, đình công được người lao động sử dụng như công cụ để gây sức ép buộc DN phải thực hiện các điều khoản về chính sách lao động.
Điển hình như 4 cuộc đình công với gần 2.000 công nhân của Công ty TNHH Sang Hun tại Khu công nghiệp (KCN) Đồng Xoài I xảy ra từ đầu năm đến nay. Nguyên nhân chính do cán bộ quản lý la mắng, xúc phạm công nhân, trả lương chậm 10-15 ngày so với thời gian thông báo, ký hợp đồng chậm, hứa hẹn tăng lương nhiều lần nhưng không thực hiện, chậm đóng bảo hiểm khiến người lao động bị thiệt thòi...
Đối thoại giúp doanh nghiệp hiểu được tâm tư, nguyện vọng của người lao động (ảnh chụp tại Công ty TNHH Sang Hun)
Khoảng giữa tháng 9-2016, trên 1.000 công nhân Công ty TNHH sản xuất giày dép Grand Gain tại KCN Đồng Xoài II đình công do công ty không trả lương đúng thời gian quy định mà còn cắt giảm các khoản phụ cấp độc hại, tiền chuyên cần. Bên cạnh đó, công ty thường xuyên tăng ca đột xuất không báo trước; chế độ tiền ăn, thưởng không thực hiện đầy đủ. Chủ nhật, ngày nghỉ lễ công nhân vẫn phải làm việc nhưng không được hưởng phụ cấp và tiền công theo quy định.
Chị N.T.H, nhà ở xã Đồng Tiến, huyện Đồng Phú bức xúc: “Công ty thường xuyên trả lương trễ 3-5 ngày. Tiền phụ cấp độc hại công nhân chỉ được hưởng vài tháng đầu, sau đó cắt cũng chẳng thông báo. Đồng thời thường xuyên tăng ca từ 1-2 giờ/ngày nhưng không báo trước cho công nhân biết. Tôi có con nhỏ phải gửi nhà trẻ, nhiều hôm tăng ca đột xuất, hai vợ chồng lại làm chung công ty, không nhờ được người đón con nên cháu phải ở lại trường chờ cha mẹ. Nếu công ty chỉ nghĩ đến lợi ích cá nhân mà quên đi quyền lợi của người lao động thì việc chuyển sang làm công ty khác là chuyện sớm muộn, vì ở đâu có chế độ đãi ngộ tốt thì chúng tôi gắn bó”.
CHIA SẺ TRÁCH NHIỆM
Một tuần sau khi tổ chức đình công vì công ty chậm trả lương cũng như nhiều chế độ không được giải quyết thỏa đáng, chị Nguyễn Thị Hòa và nhiều công nhân ở Công ty TNHH sản xuất giày dép Grand Gain xin nghỉ việc. Sau sự việc công nhân đình công, lẽ ra các yêu cầu của người lao động phải được công ty giải quyết thỏa đáng, nhưng ngoài việc trả lương đúng thời hạn, các yêu cầu khác đều bị công ty phớt lờ. Chị Hòa làm ở bộ phận QC (kiểm tra và kiểm soát chất lượng sản phẩm), ngoài lương chính 3,7 triệu đồng, chị không được hưởng thêm khoản tiền trách nhiệm nào. Chị Hòa cũng thường xuyên bị thay đổi chỗ làm để công ty không phải tính tiền tay nghề và sản lượng. “Tôi đã chứng kiến 3 cuộc ngừng việc tập thể xảy ra tại xưởng. Sau mỗi lần ngừng việc, đại diện công ty lại xin lỗi và hứa sẽ giải quyết kịp thời các chế độ của công nhân. “Lời hứa gió bay”, quyền lợi của công nhân vẫn không được đáp ứng mà nhiều người còn bị cho... nghỉ việc vì đã lôi kéo không ít người ngừng việc, đình công” - chị Hòa bức xúc.
Đình công không chỉ ảnh hưởng đến lợi ích của DN mà còn ảnh hưởng đến đời sống, việc làm của người lao động. Tôi chỉ mong công nhân được tôn trọng và trả lương xứng đáng với công sức lao động; được hưởng các khoản phụ cấp phù hợp. Sau đình công, một số chế độ của chúng tôi được cải thiện. Nếu chủ DN cải thiện sớm thì tốt hơn. Công nhân không ai thích đình công, vì ảnh hưởng đến thu nhập của chính mình và doanh thu của DN. Nếu DN thường xuyên tổ chức những cuộc đối thoại cởi mở giữa hai bên, tôi nghĩ đình công sẽ không xảy ra. Chị Nguyễn Thị Lan, Công ty TNHH sản xuất giày dép Grand Gain |
Ông Nguyễn Hữu Đại, Chủ tịch Công đoàn các KCN tỉnh cho biết: Để xảy ra ngừng việc, đình công là do DN chưa thường xuyên tổ chức thương lượng, đối thoại, lắng nghe ý kiến để kịp thời giải quyết những vướng mắc, bức xúc của người lao động. Những bức xúc lâu ngày tồn lại không được giải quyết dứt điểm thì người lao động phản ứng bằng cách ngừng việc, đình công. Việc DN tăng cường đối thoại với công đoàn và người lao động thường xuyên là “chìa khóa” giải quyết sự việc ngay từ những mâu thuẫn nhỏ. Tuy nhiên, đối thoại phải là hoạt động thường xuyên ngay trong đời sống lao động. Đối thoại ngay khi vấn đề còn nhỏ với tinh thần gần gũi, chân tình cởi mở. Nếu DN nào cũng làm tốt khâu tuyên truyền để người lao động hiểu, thông cảm và chia sẻ với những khó khăn của DN trên tinh thần “cộng đồng trách nhiệm, chia sẻ lợi ích” thì ngừng việc, đình công là chuyện khó xảy ra.
Nhờ làm tốt khâu đối thoại, xây dựng chính sách tiền lương, chế độ đãi ngộ nên một số công ty như: Cổ phần gỗ MDF VRG Dongwha (KCN Minh Hưng III, huyện Chơn Thành), TNHH Tech Seal Đại Bình (KCN Tân Thành, thị xã Đồng Xoài), TNHH Kim Thần Thái và TNHH Megatec, đều thuộc KCN Chơn Thành... ít hoặc không xảy ra đình công. Đối thoại 2 chiều, 3 chiều sẽ giúp DN hiểu được tâm tư, nguyện vọng của người lao động. Người lao động cũng chia sẻ những khó khăn của DN để có trách nhiệm hơn trong công việc nhằm bình ổn quan hệ giữa hai bên. “Một DN hoạt động bền vững dựa trên việc tuân thủ các quy định, tôn trọng sức lao động của công nhân. Được trả lương và đãi ngộ tương xứng, chắc chắn người lao động sẽ an tâm gắn bó lâu dài” - Chủ tịch Công đoàn các KCN Nguyễn Hữu Đại khẳng định.
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065