Không khó khi tìm mua các loại gạo đặc sản của Campuchia, Thái Lan... ngay thị trường trong nước. Rất nhiều trang mạng mua bán gạo ở nước ta rao bán gạo organic (gạo sạch) của Campuchia, Thái Lan với lời đảm bảo chất lượng, cung cấp đến tận nhà. Nhiều doanh nghiệp đã nhập gạo của Campuchia về bán với giá bằng hoặc cao hơn một chút so với gạo Việt. Điều đó có nghĩa, gạo Campuchia đã cạnh tranh sòng phẳng với gạo Việt trên chính nơi được coi là vựa lúa của thế giới. Việt Nam là một trong 3 quốc gia xuất khẩu gạo lớn, với sản lượng trung bình hằng năm từ 5-6 triệu tấn, thu về khoảng 2,5 tỷ USD. Tuy nhiên, từ tháng 11-2018 đến nay, việc tiêu thụ gạo ở nước ta gặp nhiều khó khăn, giá gạo cũng giảm theo. 2 tháng đầu năm 2019, lượng gạo tiêu thụ đạt khoảng 837.000 tấn, tương đương 364 triệu USD, tăng 1,1% về khối lượng nhưng giảm 10,4% về giá trị so cùng kỳ năm 2018. “Điểm nghẽn” trong sản xuất, tiêu thụ gạo ở nước ta thời gian qua chính là chất lượng, tuy xuất khẩu khối lượng lớn nhưng giá trị thấp...
Tại hội nghị gạo thế giới lần thứ 10 được tổ chức ở Hà Nội vào trung tuần tháng 10-2018, ban tổ chức đã chấm và trao giải gạo ngon nhất thế giới. Trong 36 mẫu gạo tới từ các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, gạo thơm Campuchia đã giành chiến thắng và đây là lần thứ 4 gạo thơm nước này đoạt giải nhất, tiếp đó là Thái Lan, Việt Nam, Ý. Những trao đổi của ông Sok Puthivuth, Chủ tịch Liên đoàn gạo Campuchia tại hội nghị đã khiến các nhà quản lý, doanh nghiệp Việt phải suy ngẫm: Để giành được giải gạo ngon nhất thế giới, Campuchia đã duy trì được giống gạo thơm ngon từ tổ tiên để lại; đồng thời thanh lọc giống lúa, cải thiện chất lượng gạo, tăng tiêu chuẩn xay xát gạo ở cấp độ quốc gia và quốc tế. Đặc biệt, Campuchia có mối quan hệ hợp tác rất tốt với 70 công ty tham gia xuất khẩu sang 54 nước và vùng lãnh thổ, trong đó nhiều thị trường khó tính.
Cây lúa, hạt gạo không phải là sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Bình Phước. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh cũng có một số vùng sản xuất, canh tác được gạo ngon, mang vị đặc trưng như Đăng Hà (Bù Đăng), An Khương (Hớn Quản)... Mặc dù Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và chính quyền các địa bàn đã quan tâm đến việc xây dựng đề án, chương trình phát triển thương hiệu “Gạo Đăng Hà”, “Gạo An Khương”, nhưng đến nay vẫn chỉ dừng lại ở -“ý tưởng”, kế hoạch, chương trình hành động, trong khi huyện sát bên của Bù Đăng là Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng từ lâu đã hình thành được vùng chuyên canh sản xuất lúa gạo với thương hiệu “Gạo Cát Tiên”, xuất khẩu ra nước ngoài. Có thời điểm, thương lái mua gạo Đăng Hà về trộn với gạo Cát Tiên để bán ra thị trường với tên gọi “Gạo Cát Tiên” nhưng người tiêu dùng không thể phân biệt được, vì cùng điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, phương thức canh tác..., chỉ khác là giá bán cao hơn, gây bức xúc cho người trồng lúa xã Đăng Hà.
Đẩy mạnh ứng dụng nông nghiệp thông minh; xây dựng vùng chuyên canh; giảm tối đa lượng thuốc bảo vệ thực vật, đặc biệt là không sử dụng các loại thuốc trong danh mục cấm; tạo chuỗi cung ứng, đạt các tiêu chuẩn sản xuất bền vững, xây dựng thương hiệu để tăng sức hấp dẫn với các đối tác nhập khẩu... là lời giải cho bài toán nông sản không chỉ hạt gạo ở nước ta. Những khó khăn về hạt gạo cũng sẽ là bài học nhãn tiền cho các mặt hàng nông sản khác.
Hoàng Ngọc
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065