Chủ động năng suất và sản lượng
Hiện giá hạt tiêu trong nước và giá xuất khẩu đều đang ở mức cao kỷ lục: Tiêu đen 8.000 USD/tấn, tiêu trắng gần 10 ngàn USD/tấn. Giá xuất khẩu bình quân từ đầu năm đến nay đạt 7.300 USD/tấn, tăng 11% so cùng kỳ năm 2013. Trong tháng 8-2014, có lúc giá tiêu được các đại lý trong tỉnh mua vào với mức 192 ngàn đồng/kg và hiện vẫn còn ở mức ngất ngưởng là 180 đến 185 ngàn đồng/kg. Trong khi đó, giá tiêu ở thời điểm cao nhất trong năm 2013 chỉ 160 ngàn đồng/kg. Nhờ vậy, chỉ với hơn 50 ngàn ha và bằng 1/10 diện tích trồng cà phê, bằng 1/18 diện tích trồng cao su, nhưng kim ngạch xuất khẩu tiêu hơn một nửa cà phê và gần bằng 3/5 kim ngạch xuất khẩu cao su.
Nông dân xã Lộc Hòa (Lộc Ninh) chăm sóc tiêu và nọc tiêu sống mới trồng - Ảnh: T.V
Với giá bán hiện tại, người trồng tiêu ở Lộc Ninh, Bù Đăng, Bù Gia Mập thu hoạch 1 ha tiêu trung bình 4 tấn và thu về khoảng hơn 700 triệu đồng. Trừ chi phí chăm sóc, thu hoạch hàng năm cộng tiền khấu hao ban đầu, nhiều hộ trồng tiêu ở Lộc Ninh, Bù Đốp, Bù Gia Mập, Bù Đăng... thu lãi từ 500 đến 600 triệu đồng/1ha. Như vậy, tuy năng suất hạt tiêu cũng bằng cà phê, nhưng thu nhập từ 1 ha trồng tiêu cao gấp 5-6 lần so trồng cà phê và gấp 10-12 lần trồng cao su.
Theo đánh giá của Hiệp hội Hồ tiêu thế giới (IPC), năm 2014, tổng sản lượng hồ tiêu trên thế giới khoảng 333.500 tấn, trong khi đó nhu cầu tiêu thụ lại lên tới 387.000 tấn. Như vậy, thị trường hồ tiêu thế giới sẽ bị thiếu hụt khoảng 54.500 tấn. Và đây chính là nguyên nhân dẫn đến giá hồ tiêu tăng cao trong năm nay và người trồng tiêu thu về giá trị cao. Từ thực tế này chúng ta có thể khẳng định rằng muốn tăng giá trị doanh thu của một ngành hàng không nên tăng diện tích canh tác, thậm chí là giảm diện tích nhưng phải chủ động về năng suất, để khi cần có thể giảm sản lượng để tăng giá bán. Thực tế là từ những năm 2002 đến nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã liên tục khuyến cáo các tỉnh không nên tăng diện tích trồng cây hồ tiêu để ổn định thị trường.
Nâng cao chất lượng, đa dạng chủng loại
Bài học thứ hai là nâng cao chất lượng, chủng loại mặt hàng xuất khẩu và có chiến lược chiếm lĩnh thị trường thế giới. Việc này chúng ta đã và đang thành công. Cụ thể, từ vị trí một quốc gia chủ yếu chỉ xuất khẩu tiêu đen (chưa bóc vỏ), nay Việt Nam đã xuất khẩu thêm tiêu trắng (đã bóc vỏ), tiêu bột, tiêu gia vị thực phẩm tới bàn ăn người tiêu dùng ở châu Âu, Trung Đông, Bắc Mỹ... Điều này đã làm tăng giá trị sản phẩm, thu nhập và lợi nhuận ngày càng cao. Chỉ với 2 thị trường khó tính nhất thế giới là Mỹ và Đức cũng đủ thấy chiến lược chiếm lĩnh thị trường của các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu hồ tiêu nước ta là hoàn toàn đúng.
Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), trong 10 năm qua, đối với mặt hàng tiêu đen, Việt Nam đã lần lượt vượt qua và thay thế hoàn toàn vị trí của Brazil, Ấn Độ và Indonesia để độc chiếm vị trí thứ nhất tại 2 thị trường này. Ở thị trường Đức, tiêu đen nhập khẩu từ Việt Nam đã tăng từ 3.200 ngàn tấn năm 2001 lên đến 15.000 tấn năm 2010. Ở thị trường Mỹ, tiêu đen Việt Nam đã tăng từ 5.300 tấn (năm 2001) lên đến 28.200 tấn (năm 2010). Đặc biệt là mặt hàng tiêu trắng, từ chỗ không có thị phần, nay mức tiêu thụ tiêu trắng của Việt Nam tại Mỹ đạt hơn 4.000 tấn/năm, chiếm vị trí thứ nhất.
Thận trọng trước “bão giá”
Trước những thuận lợi về thị trường xuất khẩu hiện nay, VPA đã chỉ ra chiến lược phát triển bền vững, chủ động. Đó là: Không khuyến khích thâm canh tăng sản lượng mà duy trì ổn định sản lượng như hiện nay, đồng thời tăng tuổi thọ vườn tiêu bằng các biện pháp canh tác và phòng trừ dịch bệnh tổng hợp. Không để diện tích trồng tiêu tăng gây mất ổn định thị trường trong nước và thế giới. VPA khuyến cáo rằng, Việt Nam cần duy trì diện tích trồng tiêu ở mức như hiện nay, khoảng 50 ngàn ha, với năng suất đạt 30 tạ/ha, sản lượng đạt khoảng 140 ngàn tấn và sản phẩm tiêu chất lượng cao đạt 90%. Bên cạnh đó, VPA luôn đặt ra yêu cầu khá khắt khe đối với các doanh nghiệp chế biến là phải nâng cao trình độ công nghệ chế biến, đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Những năm tới, các doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực này phải nâng dần tỷ trọng tiêu trắng trong cơ cấu tiêu xuất khẩu lên 30%, để tăng giá trị và lợi nhuận của ngành hàng.
Điều đáng lo ngại là mặc dù Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, VPA liên tục đưa ra khuyến cáo không nên tăng diện tích trồng tiêu nhưng trước sức hấp dẫn từ giá cả của mặt hàng này, vẫn có nhiều hộ nông dân ở Bình Phước đầu tư khá lớn để mở rộng diện tích. Thậm chí không ít gia đình đốn bỏ vườn điều, chặt bỏ cao su để lấy đất trồng tiêu. Từ thực tế này cho thấy, việc khuyến cáo là cần thiết, nhưng nếu không kèm theo những giải pháp hữu hiệu bằng những chế tài mạnh tay thì phong trào trồng tiêu tự phát ở Bình Phước vẫn tăng mạnh. Đây chính là nguy cơ mà người nông dân tự góp phần đẩy mình vào vòng luẩn quẩn trồng rồi chặt và rồi lại trồng... mỗi khi giá điều, cao su hay hồ tiêu tăng cao.
H.A
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065