Năm học mới đã qua hơn một tháng, nhiều nơi trong tỉnh, thầy và trò phải cùng cố gắng khắc phục trên hành trình tìm con chữ. Vậy mà, ở một ngôi trường khang trang như trường Phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học - trung học cơ sở (TH-THCS) Kim Đồng (ấp Sóc Giếng, xã Thanh Lương, thị xã Bình Long), lại có rất nhiều học sinh bỏ học. Bài toán nhanh có lời giải từ các cơ quan chức năng, song sau bài học này, còn có bài học trách nhiệm khác đáng suy ngẫm hơn.
BỎ HỌC VÌ THIẾU TIỀN HAY THIẾU HIỂU BIẾT?
Trường TH-THCS Kim Đồng thành lập từ năm học 2005-2006. Học sinh của trường chủ yếu là đồng bào Xêtiêng ở hai ấp Phố Lố và Sóc Giếng, xã Thanh Lương. Năm học 2012-2013, trường TH - THCS Kim Đồng được nâng cấp thành trường Phổ thông Dân tộc bán trú TH - THCS Kim Đồng.
Già làng Điểu Nhớ kể: “Năm học 2012-2013, ấp Sóc Giếng có 95 học sinh học tại trường dân tộc bán trú Kim Đồng. Ngày 24-7-2013, trường cấp tiền ăn, ở cho học sinh ở ấp Phố Lố. Ngày 12-8-2013, trường tập trung học sinh để chuẩn bị năm học mới và cho các em mượn sách giáo khoa. Từ ngày 12 đến 18-8, nhiều học sinh ở ấp Sóc Giếng không đi học. Tôi đến từng nhà hỏi mới biết một số phụ huynh cho con nghỉ học vì thấy không công bằng. Tôi khuyên mọi người chuyện đâu còn có đó, nghỉ học là thiệt thòi cho con em mình. Đến ngày 19-8, các em đã đến trường đầy đủ”.
Theo Quyết định số 85/2010/QĐ-TTg, ngày 21-12-2010 của Thủ tướng Chính phủ quy định đối với học sinh TH và THCS bán trú đang học tại các trường phổ thông dân tộc bán trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, học sinh trường Kim Đồng sẽ được hỗ trợ tiền ăn mỗi tháng bằng 40% mức lương tối thiểu chung và được hưởng không quá 9 tháng/năm học/học sinh. Đối với học sinh phải tự lo chỗ ở, các em sẽ được hỗ trợ bằng 10% mức lương tối thiểu chung và được hưởng không quá 9 tháng/năm học/học sinh.
Ông Nguyễn Văn Thành, Chánh văn phòng UBND tỉnh cho biết: Sau khi có đơn kiến nghị của các hộ dân ở ấp Sóc Giếng, để tránh trường hợp học sinh bỏ học, đồng thời tạo tâm lý ổn định cho phụ huynh, học sinh trước khi bước vào năm học mới, UBND tỉnh đã chấp thuận kiến nghị của UBND thị xã Bình Long trích từ ngân sách hỗ trợ học sinh ở ấp Sóc Giếng tiền ăn, ở bán trú năm học 2012-2013. UBND tỉnh cũng yêu cầu UBND thị xã Bình Long khẩn trương thông báo đến người dân chủ trương hỗ trợ này chỉ áp dụng cho năm học 2012-2013, là năm đầu tiên trường chuyển đổi thành mô hình trường phổ thông dân tộc bán trú.
VÌ SAO CHUYỆN ĐƠN GIẢN TRỞ NÊN
“RỐI NHƯ CANH HẸ”
Phó chủ tịch UBND xã Thanh Lương, ông Nguyễn Đăng Khiển cho biết: Do thời điểm xét duyệt hưởng Chương trình 135, ấp Sóc Giếng đang được Công ty cao su Bình Long và Quân khu 7 hỗ trợ xây trường mẫu giáo, nhà văn hóa, giếng nước tập trung, một số nhà ở cho các hộ dân... nên không được công nhận là ấp 135. Không phải ấp 135 thì không được hỗ trợ theo Quyết định số 85/2010/QĐ-TTg như ấp Phố Lố là điều đương nhiên.
HIỆU TRƯỞNG “BÍ MẬT” SĨ SỐ HỌC SINH?
Khoảng 9 giờ ngày 13-9-2013, chúng tôi đến trường Phổ thông Dân tộc bán trú Kim Đồng. Chờ hơn 1 giờ, chị Hà, kế toán của trường đến và cho biết: “Trường bị cúp điện, nên cô hiệu phó trực buổi sáng ở nhà làm báo cáo, còn thầy hiệu trưởng đi học, chiều mới về. Hôm sau các chị liên lạc trước rồi đến”. Chúng tôi đề nghị cung cấp số điện thoại của thầy hiệu trưởng, hoặc số điện thoại cố định tại trường để liên lạc trước cho “buổi làm việc hôm sau”, chị Hà lại tuyệt đối bí mật. Không còn cách nào khác, chúng tôi đành chờ đến chiều để gặp thầy hiệu trưởng.
Hơn 15 giờ, Hiệu trưởng Nguyễn Hữu Cường đến. Sau khi ra ngoài gọi điện thoại, ông vào thông báo: “Các chị đến xin ý kiến của Chủ tịch thị xã Bình Long, rồi tôi sẽ cung cấp thông tin”. Điều kỳ lạ là chúng tôi chỉ đề nghị thầy hiệu trưởng cho biết sĩ số học sinh ở ấp Sóc Giếng đang học tại trường, ông cũng giữ bí mật.
Già làng Điểu Nhớ cho biết: Ngày 8-9-2013, học sinh ở ấp Sóc Giếng đã được nhận tiền ăn, ở bán trú. Học sinh lớp 9 được nhận 4 triệu 360 ngàn đồng/em. Học sinh các lớp còn lại được nhận 4 triệu 200 ngàn đồng/em. Theo cách tính thông thường, 50% mức lương tối thiểu mỗi học sinh được hưởng (bao gồm hỗ trợ tiền ăn và tiền ở) sẽ tương đương với 5 triệu 25 ngàn đồng. Đây là lý do muốn trao đổi với hiệu trưởng nhà trường nhưng rất tiếc chúng tôi không có lời giải khoản chênh lệch này đã đi về đâu?
|
Chưa đầy một tháng kể từ khi các hộ dân kiến nghị, các cơ quan chức năng của thị xã Bình Long và UBND tỉnh đã giải quyết dứt điểm vụ việc. Điều đáng nói là từ ngày được nâng cấp thành trường bán trú đến thời điểm hỗ trợ tiền cho học sinh là hơn một năm. Chừng ấy thời gian nhưng Ban giám hiệu trường không phối hợp với những người có uy tín tại thôn, ấp để tuyên truyền cho phụ huynh hiểu, đến khi học sinh bỏ học hàng loạt thì trường mới tìm cách giải quyết.
Hơn nữa, cách giải quyết như ở trường Kim Đồng chỉ mang tính tạm thời và không giải quyết được tận gốc. Bởi Quyết định số 36/2013/QĐ-TTg, ngày 18-6-2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ gạo cho học sinh các trường ở khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1-9-2013. Với quyết định mới này, cũng chỉ học sinh ở ấp Phố Lố được hỗ trợ 15kg gạo/tháng. Rồi đây, trường sẽ lại tiếp tục gặp khó khăn tương tự như vừa xảy ra nếu không làm tốt công tác tuyên truyền ngay từ đầu.
Ông Nguyễn Hữu Cường, Hiệu trưởng trường Kim Đồng nói: Trước đây, mạnh thường quân đến liên hệ tặng quà, học bổng cho học sinh, chúng tôi phải từ chối vì chỉ có một số suất, nếu bình chọn em này được, em khác lại phân bì. Trường chỉ cấp tiền ăn, ở bán trú năm học 2012-2013. Sắp tới, Kim Đồng sẽ không còn là trường dân tộc bán trú vì không đảm bảo các điều kiện, trường sẽ làm tờ trình gửi các cơ quan chức năng.
Để trở thành trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phải lập đề án trước một năm, qua nhiều cấp xét duyệt và công nhận nếu đủ điều kiện. Chỉ sau một năm học, trường Kim Đồng “bỗng dưng” không đảm bảo các điều kiện? Phải chăng nhà trường thấy khó trong việc áp dụng chính sách cho học sinh nghèo nên “sáng tạo” ra “giải pháp” này?
Minh Luận - Tuyết Ly
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065