Mặt trận Việt Minh ra đời tại Việt Bắc (19-5-1941) là sự kiện khích lệ mọi tầng lớp nhân dân tập hợp trong các hội cứu quốc, với tổ chức thống nhất và chặt chẽ từ Trung ương tới các làng xóm, phố phường, công xưởng, trường học. Lời kêu gọi của Bác Hồ trong thư của Người viết ngay sau Hội nghị Trung ương 8 thôi thúc nhiệt huyết của toàn dân: “Chúng ta phải đoàn kết lại đánh đổ bọn đế quốc và Việt gian, đặng cứu giống nòi ra khỏi nước sôi, lửa bỏng”. Mặt trận Việt Minh nhanh chóng trở thành sức mạnh đoàn kết dân tộc, không phân biệt tuổi tác, nam nữ, giàu nghèo, nghề nghiệp, tôn giáo…
Ngày 2-9-1945, tại quảng trường Ba Đình - Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc “Tuyên ngôn Độc lập” tuyên bố sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Ngày 2/9 trở thành ngày Quốc khánh của nhân dân Việt Nam.
|
Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng căn cứ địa cách mạng làm bàn đạp tiến lên giải phóng cả nước, đã phát động chiến tranh du kích bảo vệ căn cứ Võ Nhai ròng rã gần một năm (7-1941 đến 8-1942). Sau đó là các cuộc chiến đấu, lực lượng nòng cốt là các đội tự vệ cứu quốc, đánh địch từ Cao Bằng xuôi về Thái Nguyên, từ Bắc Sơn lan tỏa ra các vùng xung quanh. Cuối năm 1943, hành lang giải phóng được đánh thông, sức mạnh nhân dân các dân tộc Việt Bắc tập hợp trong Mặt trận Việt Minh, càng được khởi nguồn mạnh mẽ. Cao trào đấu tranh chính trị của quần chúng đã đẻ ra lực lượng vũ trang cách mạng. Các đội dân quân tự vệ xuất hiện ở khắp nơi.
Những đội viên xung kích ở Việt Bắc được tổ chức thành lực lượng vũ trang nòng cốt mang tên Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, được khai sinh ngày 22-12-1944 tại một khu rừng huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Chiến thắng Phai Khắt, Nà Ngần ngay sau đó làm nức lòng quần chúng, làm lớn mạnh nhanh chóng đội hạt nhân của quân chủ lực sau này, phong trào cứu quốc trong Mặt trận Việt Minh được phát động từ Pác Bó 1941 khởi động nội lực cách mạng của toàn dân, đón đợi thời cơ đồng thời tiêu hao sinh lực địch làm rung chuyển ách đô hộ Nhật - Pháp, thúc đẩy thời cơ đến sớm hơn. Trong khi phong trào kháng chiến dâng cao trong cả nước, Bác Hồ và Ban thường vụ Trung ương Đảng ngày đêm theo sát, bắt mạch diễn biến tình hình để dự đoán thời cơ Tổng khởi nghĩa.
Ngay sau khi được trả tự do sau hơn một năm bị Quốc dân đảng (Tưởng Giới Thạch) giam cầm tại Quảng Tây - Trung Quốc, Bác Hồ kịp thời về nước. Người chỉ thị hoãn ngay cuộc khởi nghĩa Cao - Bắc - Lạng vì thời cơ chưa chín. Người dự báo: thời cơ Tổng khởi nghĩa sau đó một năm hoặc một năm rưỡi nữa. Thời cơ đã đến trong đêm 9-3-1945: Nhật đảo chính Pháp. Lập tức, Ban thường vụ Trung ương Đảng họp gấp, tại Đình Bảng (Bắc Ninh). Ban thường vụ nhận định: Thời cơ đang chín muồi nhanh chóng, giai đoạn tiền khởi nghĩa đã tới, chỉ thị lịch sử: “Nhật, Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Phát động cao trào cứu nước chống Nhật, kẻ thù chính của nhân dân Đông Dương lúc ấy. Khẩu hiệu của cao trào: Đánh đuổi Phát xít Nhật. Mục tiêu: Lập chính quyền cách mạng của nhân dân. Cao trào kháng nhật dâng cao như bão táp.
Chủ trương “Khởi nghĩa từng phần trong địa phương cũng có thể giành thắng lợi mà mở đường cho một cuộc Tổng khời nghĩa” được Đảng ta nêu ra từ 1941, gặp cao trào, biến thành ngày hội giải phóng ở khắp nơi. Ở chiến khu Lê Lợi (Cao - Bắc - Lạng) chiến khu Hoàng Hoa Thám (Bắc Sơn - Võ Nhai), Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân và các đội tự vệ địa phương trở thành lực lượng xung kích của phong trào, liên tiếp hạ đồn bốt địch, giải phóng nhiều vùng rộng lớn. Ở đồng bằng, một ngày sau khi chỉ thị “Nhật, Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, xã Xuân Biều (Bắc Ninh) lập chính quyền cách mạng. Sau đó là huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang), Phổ Yên và một phần Phù Ninh (Thái Nguyên), xã Trung Mầu (Hà Nội) giải phóng. Cuộc khởi nghĩa Ba Tơ (Quảng Ngãi) đêm 10-3-1945 có tiếng vang lớn, dẫn đến ra đời Đội du kích Ba Tơ, khu căn cứ Vĩnh Tuy (Sơn Tịnh), Rầu Rái (Mộ Đức). Giành chính quyền sớm nhất ở quy mô thị xã là Quảng Yên (Quảng Ninh) ngày 19-7-1945. Cao trào chống Nhật ở các địa phương đã làm rung chuyển ách thống trị của chúng trong những ngày tàn của trục Phát-xít trên thế giới.
Thời khắc nhân dân cả nước đứng lên đập tan ách nô lệ trăm năm đã tới. Đầu tháng 8 năm 1945, Nhật tuyên bố đầu hàng phe đồng minh. Chớp ngay thời khắc lịch sử ấy, ngày 13-8-1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng tại Tân Trào quyết định Tổng khởi nghĩa. Lệnh Tổng khởi nghĩa của Tổng bộ Việt Minh được Đại hội Quốc dân họp ở Tân Trào thông qua, phát đi cả nước. Ủy ban Dân tộc giải phóng (Chính phủ lâm thời) được thành lập, Quốc kỳ là cờ đỏ sao vàng. Quốc hiệu là Tiến quân ca. Trong giờ phút lịch sử, Bác Hồ ra lời kêu gọi:
“Giờ khởi nghĩa đã đến, ngày vinh quang của Tổ quốc bùng nổ.
Quyết chiến! Quyết chiến! Quyết chiến!.Thắng lợi nhất định về ta”.
Ngày 19-8, Cách mạng tháng Tám thành công ở Hà Nội, ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, long trọng công bố trước quốc dân đồng bào và thế giới nền độc lập, thống nhất dưới chính thể Dân chủ, Cộng hòa của nước Việt Nam ta. Biến mâu thuẫn và chiến tranh giữa đế quốc và phát-xít thành vận hội của cách mạng giải phóng dân tộc, phát động phong trào cứu quốc toàn dân, đánh Pháp, kháng Nhật, nhanh chóng tập hợp lực lượng chính trị của toàn dân kết hợp với lực lượng vũ trang, giành chính quyền cục bộ, dự đoán thời cơ và thúc đẩy thời cơ nhanh chín muồi, chớp thời cơ làm Tổng khởi nghĩa cả nước giành thắng lợi hoàn toàn. Đó là trí tuệ, là sáng tạo, là nghệ thuật Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức, lãnh đạo cuộc cách mạng long trời nở đất của dân tộc ta, mùa thu tháng Tám 1945 lịch sử.
Nguồn Baotintuc