Mấy ngày qua, dư luận trong tỉnh xôn xao trước vụ việc bà Huỳnh Nguyễn Quế Trâm, kế toán Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh giả mạo chữ ký lãnh đạo để chiếm đoạt 5,7 tỷ đồng của cơ quan. Đây là vụ tham ô với số tiền lớn nhất kể từ khi tái lập tỉnh đến nay, và theo điều tra ban đầu, chỉ do một tay bà Trâm thực hiện.
Nếu nhìn vào mức thu nhập của hai vợ chồng (chồng Trâm làm kế toán một doanh nghiệp tư nhân) để so với cách sinh hoạt, chi tiêu của Trâm, những người biết Trâm có thể lờ mờ đoán biết có một sự khuất tất nào đó. Nhưng cụ thể thế nào thì không ai biết được. Cho đến khi lãnh đạo cơ quan yêu cầu bàn giao công việc cho người khác, Trâm không giải trình được nhiều khoản chi, và khi đại diện cơ quan điều tra đọc lệnh bắt khẩn cấp với kết quả điều tra ban đầu cho thấy số tiền mà Trâm chiếm đoạt lên tới 5,7 tỷ đồng, tất thảy mọi người trong cơ quan đều lắc đầu, le lưỡi.
Dù Trâm có khóc từ giờ đến cuối đời. Dù Trâm có viện ra rất nhiều lý do xung quanh tính hay thương người (thân) nên đã lạm dụng tiền công quỹ nhà nước để chia xớt cho những người khó khăn hơn mình thì cũng thật khó chấp nhận. Nếu Trâm cảm thương một hoàn cảnh thực sự đáng thương nào đó mà lỡ xà xẻo vào công quỹ một lần để cứu người thì còn có thể cảm thông. Đằng này lại dùng thủ đoạn giả mạo chữ ký của lãnh đạo cơ quan rồi rút tiền nhà nước để chi tiêu cá nhân và cho người thân với số tiền rất lớn trong một thời gian rất dài (từ đầu năm 2010). Liệu đó có phải do sự nông nổi trong suy nghĩ, dẫn đến hành động sai? Hoàn toàn không! Trâm đã rất bản lĩnh, rất hiểu biết pháp luật nhưng vẫn vi phạm. Bằng chứng là Trâm đã tự soạn thảo, in ấn các quyết định chi tiền; liên hệ với kho bạc hoặc ngân hàng để xin các biểu mẫu văn bản rồi tự ghi các thông tin, giả chữ ký của lãnh đạo cơ quan để thực hiện các giao dịch trót lọt. Và số tiền mà Trâm sử dụng các thủ đoạn để chiếm đoạt ngày càng tăng cao.
Tội lỗi của Trâm thì Trâm sẽ phải gánh. Đó là quy luật. Nhưng hậu quả của vụ việc thì không chỉ tính bằng giá trị số tiền mà Trâm đã chiếm đoạt. Ai cũng biết điều đó. Có một câu hỏi mà sau vụ việc này, nhiều người thường hỏi nhau nhưng chưa ai trả lời được. Đó là việc rút tiền nhà nước ra khỏi ngân hàng, kho bạc không hề dễ dàng bởi còn có cơ chế giám sát chi của các cơ quan có chức năng giữ tiền nhà nước. Cứ cho là Trâm giả mạo chữ ký tài tình và làm giả các giấy tờ như thật, nhưng làm sao có thể dễ dàng rút mỗi lần hàng trăm triệu đồng (có lúc 400 triệu đồng) mà không một cơ quan nào thấy có sự bất thường về số tiền chi, về thời điểm chi? Từ đây, người ta lại đặt nhiều câu hỏi về năng lực chuyên môn của cán bộ kho bạc, ngân hàng?
Sẽ có rất nhiều người là cán bộ quản lý đầu ngành, chủ tài khoản phải giật mình sau vụ việc ở Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh. Bài học này quá đắt và đau xót, không phải chỉ với riêng Trâm. “Em rất hối hận. Mong đừng ai hành động giống em!”. Câu nói trong nước mắt của Quế Trâm với cán bộ điều tra, dù quá muộn màng, dù không thể nói khác trong hoàn cảnh này, cũng sẽ là lời nhắc nhở quý báu đối với những người làm có trách nhiệm quản lý tài chính không chỉ ở Bình Phước!.
L.T
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065