Giá hồ tiêu đang ở mức khá cao, từ 160 đến 180 ngàn đồng/kg. Vì vậy, người dân đang “đánh cược kinh tế” bằng việc trồng ồ ạt mà chưa có định hướng cụ thể nào.
VƯỢT DIỆN TÍCH QUY HOẠCH NĂM 2020
Bình Phước được quy hoạch tập trung phát triển hồ tiêu đến năm 2020, diện tích sẽ giữ ổn định ở mức 10 ngàn ha. Thực tế, theo thống kê của ngành nông nghiệp, diện tích tiêu trong tỉnh hiện đã hơn 10 ngàn ha. Thế nhưng, mùa mưa năm nay nông dân vẫn tiếp tục xuống giống.
Mùa mưa này, tiêu được người dân trồng ồ ạt
Trước tình trạng giá cao su, cà phê, điều xuống thấp, gia đình anh Nguyễn Xuân Thể ở đội 6, thôn Bù Gia Phúc 1, xã Phú Nghĩa (Bù Gia Mập) quyết định trồng tiêu thay cho các loại cây nông sản khác. Anh Thể cho biết: Năm vừa rồi, 700 trụ tiêu của gia đình cho thu khoảng 1,6 tấn. Thấy cây tiêu cho năng suất và lợi nhuận cao, gia đình tôi trồng mới 300 nọc. Hy vọng đến lúc thu hoạch tiêu vẫn giữ được giá.
Hai năm qua, khi giá tiêu lên tới 160-180 ngàn đồng/kg, hàng trăm hộ dân ở các huyện Bù Đốp, Lộc Ninh, Bù Gia Mập... đã đổ xô trồng. Anh Lê Văn Hùng ở huyện Bù Đốp qua xã Phú Nghĩa lập nghiệp cũng trồng tiêu. Anh cho biết: Ở Bù Đốp, gia đình có 2 ha tiêu, trong đó 500 nọc đã cho thu hoạch. Mùa tiêu vừa rồi sau khi trừ chi phí, gia đình lời được 200 triệu đồng. Năm nay, giá tiêu tăng nên gia đình thay dần vườn điều, cà phê, cao su bằng hồ tiêu. Tôi không chạy theo những giống mới, lạ mà vẫn “kết” giống tiêu sẻ hoặc Vĩnh Linh. Tổng giá trị đầu tư cho một trụ tiêu từ 150 đến 350 ngàn đồng.
NHÀ NHÀ TRỒNG TIÊU
Lý giải cho việc chặt bỏ những cây trồng như điều, cà phê, cao su để chuyển sang trồng tiêu, nhiều nông dân có cùng quan điểm: Hiện giá những loại nông sản này xuống thê thảm, trong khi tiêu đang “hot”, trồng mới khoảng 18 tháng đến 3 năm đã cho thu hoạch. Nếu suôn sẻ và chỉ cần trúng vài ba mùa là có thể giàu!
Anh Bế Văn Tim, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đắk Ơ cho hay: Hiện có rất nhiều hộ nông dân trong xã đang xuống giống tiêu. Trong đó, thôn Bù Xia tăng 22,2 ha, thôn 4 tăng 25 ha, thôn 3 tăng 28 ha, đặc biệt là thôn Bù Khơn 30,6 ha và thôn 9 tăng 37 ha. Đến ngày 20-5-2014, xã Đắk Ơ tăng 182,8 ha hồ tiêu. |
Đầu tháng 8 này, trên đường vào các xã Đắk Ơ, Bù Gia Mập (huyện Bù Gia Mập), người dân đang ồ ạt làm đất, bón phân, làm giàn che nắng cho diện tích tiêu vừa trồng.
Anh Nguyễn Văn Hùng ở đội 4, thôn 3, xã Đắk Ơ, Chi hội trưởng nông dân cho biết: “Thôn có 34 hộ, hiện khoảng 70% hộ đã cưa điều và cao su để trồng tiêu. Có người cưa 50% diện tích với mục đích cây này bù cây kia, có vườn thì đã cưa điều hoàn toàn để trồng tiêu.
Chỉ tay vào vườn điều già cỗi và đang cưa, anh Hùng cho biết: “Điều mất giá quá, nhà có hơn 2,5 ha, sau khi trừ chi phí, năm 2013 chỉ thu được hơn 50 triệu đồng. Thấy tiêu được giá, gia đình tôi đã chuyển sang trồng tiêu. Hiện gia đình có 2,8 ha tiêu với khoảng 2.500 nọc, chủ yếu là tiêu Vĩnh Linh, vì giống này dễ chăm sóc và hạt chắc.
Trước thực trạng người dân ồ ạt trồng tiêu, bà Lê Thị Ánh Tuyết, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh khuyến cáo: Cây tiêu tuy cho hiệu quả kinh tế cao nhưng là loại cây khó trồng, giá thất thường. Vì vậy, người trồng phải hiểu biết kỹ thuật cũng như tìm nguồn đất phù hợp, không nên trồng trên những loại đất đã từng trồng tiêu và tiêu bị bệnh. Ngoài ra, cần tìm hiểu kỹ nguồn gốc, xuất xứ các loại trụ, giống... để tránh dịch bệnh trên cây tiêu.
T.Nga - N. Bích
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065