>> Bài 1: Chất lượng giáo dục xưa và nay
Năm học 2013-2014 đã khép lại với nhiều niềm vui, nỗi buồn. Vui vì hầu hết các khối, nhất là các khối ở bậc tiểu học đều đạt thành tích đáng nể với tỷ lệ học sinh giỏi trên 90%, không có trường hợp nào lưu ban. Buồn vì hầu hết phụ huynh đều không trả lời được “Vì sao con mình giỏi?”. Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục - Đào tạo công bố chiến lược đổi mới giáo dục với kinh phí không tưởng, càng làm ngành giáo dục chịu nhiều điều tiếng.
Học sinh - thế hệ tương lai của đất nước rất cần được giáo dục toàn diện
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, ngành giáo dục mấy năm qua chỉ loay hoay vào sách giáo khoa mà chưa quan tâm tới những vấn đề khác. Ngay cả đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đang được triển khai cũng tập trung vào sách giáo khoa, vì ngành giáo dục mới chỉ xoay quanh vấn đề “học cái gì”. Còn học như thế nào, học để làm gì, tức vai trò của người dạy, truyền thụ kiến thức và cách học sinh nhận sự truyền đạt chưa được đề cao. Bài học nhãn tiền về môn Lịch sử không được học sinh yêu thích cũng vì lối học vẹt đọc - chép - học thuộc... với mớ số liệu khô cứng, trong khi lịch sử của dân tộc lại rất hào hùng, oanh liệt. Theo nhiều giáo viên dạy môn Lịch sử, nguyên nhân của việc học sinh không thích môn này do tư duy về giáo dục chậm được đổi mới; vị trí, vai trò của môn học chưa được nhận thức đúng tầm. Nhiều bài giảng chỉ mang tính kể chuyện mà chưa có những giải pháp để đổi mới dạy và học môn này trong trường phổ thông. Đặc biệt, thời gian qua, Lịch sử chưa được xem là môn học trang bị kiến thức và giáo dục lòng yêu nước, trân trọng giá trị truyền thống của dân tộc, giáo dục nhân cách, tư duy độc lập, sáng tạo cho học sinh.
Vấn đề đổi mới giáo dục là cả một quá trình cần được nghiên cứu chọn lọc, có tham khảo học hỏi kinh nghiệm từ các nước tiên tiến và phát triển. Nhất là kết quả cải cách giáo dục ở nước ta trong những năm 80 của thế kỷ trước.
Một yếu tố cốt lõi trong đổi mới giáo dục là cần hoàn thiện các kỳ thi, đánh giá học sinh qua từng tháng, từng quý hay từng kỳ tùy thuộc mỗi cấp học. Bởi muốn nâng cao chất lượng học tập phải có đánh giá, kiểm tra và thi chứ không chỉ có thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Còn học cả năm chỉ để phục vụ cho một, hai kỳ kiểm tra lấy điểm tổng kết thì chắc chắn phát sinh tiêu cực cả trong thi cử lẫn trong học tập. Do vậy việc kiểm tra, đánh giá như những năm 1980 sẽ tạo động lực học tập cho học sinh.
Thầy Huỳnh Công Khanh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT cho rằng: “Những yếu tố trên thuộc tầm vĩ mô, là trách nhiệm của bộ. Tuy nhiên, để đổi mới giáo dục thì bộ cần phải đánh giá trong những năm qua ngành đã đạt được những mặt tích cực nào để phát huy và đâu là hạn chế còn tồn tại để có hướng khắc phục. Còn với Bình Phước, theo tôi cần có 3 đột phá cơ bản. Đó là đột phá về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và đội ngũ quản lý. Hiện Bình Phước có cơ sở vật chất trường lớp ở khối cấp 3 tương đối tốt. Còn ở cấp 1, cấp 2 và khối mầm non cần phải đầu tư. Phấn đấu đến năm 2020 chúng ta phải có trường ra trường, lớp ra lớp. Ở khối mầm non phải là dạy trẻ, không phải giữ trẻ. Hiện chất lượng của đội ngũ giáo viên ở tỉnh ta chưa đồng đều, nhất là chất lượng giáo viên ở vùng sâu, xa, nên phải có chủ trương đào tạo, nâng cao chất lượng giáo viên. Đội ngũ quản lý cũng cần được đào tạo bài bản. Giáo viên giỏi đang công tác tại một trường mà ở đó hiệu trưởng, hiệu phó yếu năng lực, kèn cựa... thì không ai phát huy được khả năng của mình. Nếu từ nay đến năm 2020, Bình Phước làm được 3 vấn đề trên thì việc cải cách, đổi mới giáo dục sẽ thành công”.
Tấn Phong
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065