>> Bài 2: Góc nhìn thẳng về “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” hiện nay
>> Bài 1: Nhận diện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”
Giữ vững kim chỉ nam tư tưởng
Trong những căn bệnh của "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", suy thoái về tư tưởng, chính trị là căn bệnh nguy hiểm hàng đầu, là căn nguyên gây ra nhiều căn bệnh khác. Không phải ngẫu nhiên mà trong các bài giảng huấn luyện cho cán bộ từ năm 1925, Nguyễn Ái Quốc đã chỉ rõ: “Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong Đảng ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy”.
Nghiên cứu của PGS, TS Trần Nguyên Việt (Viện Triết học, Viện Khoa học xã hội Việt Nam) gần đây khi nhìn lại bài học sụp đổ của Liên Xô đã khẳng định: “Một trong những nguyên nhân sai lầm quan trọng nhất của Đảng Cộng sản Liên Xô là từ bỏ Chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Thông qua công cuộc cải tổ, Ban lãnh đạo Đảng mà đứng đầu là Tổng Bí thư Goóc-ba-chốp đã loại dần những người trung thành với Chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Không chỉ thế, ông còn cho rằng, học thuyết Mác - Lê-nin đã lỗi thời”. Trong bài viết “Vì sao Đảng Cộng sản Liên Xô tan rã” đăng trên Tạp chí Cộng sản từ năm 1992, tác giả Nguyễn Phú Trọng đã nhận định: “Chính là vì người ta hiểu sai và làm sai Chủ nghĩa Mác - Lê-nin”.
Lời cảnh báo trên, gần đây đã thấp thoáng trong bản danh sách những người ký các tâm thư, thỉnh nguyện tập thể kêu gọi xóa bỏ Điều 4 của Hiến pháp, từ bỏ Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, đổi tên Đảng, đổi tên nước… có cả những người nguyên là cán bộ cấp cao. Thậm chí, phát biểu trên những diễn đàn “quốc gia đại sự”, có người còn đòi “thay đổi thể chế” vì “cái mô hình CNXH làm gì có mà cứ mãi đi tìm”.
Đây là điều đáng lo ngại nhất và cũng là nguy cơ lớn nhất đối với một đảng cầm quyền, như Lê-nin và Bác Hồ đã từng cảnh báo. Cho nên, giải pháp hàng đầu để ngăn chặn, đẩy lùi "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" chính là xây dựng sự kiên định Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường XHCN trong mỗi cán bộ, đảng viên. Cùng với việc phải đổi mới, nâng cao hiệu quả giáo dục chính trị tư tưởng, đã đến lúc, Đảng ta phải có các quy định nghiêm khắc với những đảng viên nhạt phai lý tưởng, suy giảm niềm tin, nói, viết trái với nền tảng tư tưởng và đường lối của Đảng. Trên cơ sở đó, xử lý kỷ luật nghiêm minh, kiên quyết khai trừ những đối tượng thoái hóa về tư tưởng chính trị ra khỏi Đảng.
Giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng
Trước hết, phải khẳng định đây là giải pháp không mới nhưng đó là giải pháp “gốc” luôn được Đảng ta nhấn mạnh suốt hơn 80 năm qua. Trong tình hình hiện nay, cần phải có những cách làm mới hơn, thiết thực hơn.
Vụ việc Trịnh Xuân Thanh gần đây lộ ra nhiều vấn đề trong giáo dục, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên. Tại sao trong một tổ chức Đảng có người đứng đầu luôn mẫu mực, đi chiếc xe ô tô không thuộc hạng sang và không cần mua sắm xe mới thì một cán bộ cấp tỉnh lại chạy siêu xe tư nhân gắn biển xanh mà đồng chí, đồng đội xung quanh không thấy phản cảm, không phê phán, đấu tranh? Hay trong vụ án Giang Kim Đạt, chỉ là một cán bộ cấp Trưởng phòng Kinh doanh Công ty Vận tải viễn dương Vinashin còn trẻ tuổi, vốn là một thanh niên trong một gia đình nghèo ở quê lúa Thái Bình, chỉ sau vài năm vào Vinashin đã tham ô gần 19 triệu USD, có lối sống xa hoa, vung tiền mua 40 biệt thự, căn hộ cao cấp, đất đai trên khắp cả nước cùng nhiều ô tô mà tại sao tổ chức Đảng, cơ quan nơi Đạt công tác không ai nhận thấy sự bất thường về đạo đức, lối sống sinh hoạt? Ngoài kẽ hở về quản lý kê khai tài sản thì dường như trong Đảng ta, trực tiếp từ cấp chi bộ lâu nay dường như đã buông lỏng, xem nhẹ giáo dục, giám sát cán bộ đảng viên về đạo đức, lối sống. Nếu như những biểu hiện “lệch chuẩn”, những dấu hiệu bất thường về đạo đức, lối sống sớm được phát hiện, chấn chỉnh từ nơi đảng viên công tác, thì có lẽ sự tha hóa, trượt dài trên những vũng bùn tội lỗi sẽ được ngăn chặn.
Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, từ kinh nghiệm xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2, khóa VIII), nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu nhắc đi nhắc lại việc giáo dục cán bộ, đảng viên phải làm sao để mỗi người thấm thía, tự biết sửa mình. “Có một hình ảnh rất xúc động mà cho đến bây giờ tôi vẫn nhớ mãi. Nghĩ về xây dựng Đảng, tôi nghĩ nhiều đến Bác Hồ, người sáng lập và rèn luyện Đảng ta. Trước lúc đi xa, trong bản Di chúc của mình, Bác trăn trở: “Trước hết nói về Đảng”. Vì vậy, tôi nghĩ ngay đến việc phải gắn việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng với học tập Di chúc của Bác Hồ, động viên và khơi dậy tình cảm thiêng liêng của mỗi cán bộ, đảng viên thì cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng sẽ đi vào lòng người. Lúc đó, bản Di chúc chưa có nhiều nên tôi chỉ đạo cho Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia in nhiều bản Di chúc để gửi đến các chi bộ. Tới đây, phải có quy định cụ thể hơn về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ cấp cao, đồng thời có tiêu chí, quy định cụ thể về các chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên ở từng lĩnh vực, có quy định để xem xét, xử lý đối với những cán bộ, đảng viên suy thoái về đạo đức, lối sống” - nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu chia sẻ kinh nghiệm.
Theo đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, trong 10 nội dung xây dựng Đảng của Đại hội XII, nội dung “tăng cường rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng” được nhấn mạnh, là một nội dung mới rất quan trọng để thực hiện mục tiêu “xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức”. Việc bổ sung nội dung xây dựng Đảng về đạo đức mới được đưa vào nghị quyết Đại hội XII, là sự tiếp tục khẳng định quan điểm của Đảng về xây dựng đội ngũ cán bộ “coi trọng cả đức và tài, trong đó đức là gốc”. Giải pháp để thực hiện không dừng ở việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh mà còn phải thực hiện nghiêm cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát của tổ chức Đảng, giám sát, phản biện của nhân dân.
Sửa đổi từ “cái gốc” của công việc
Nhắc lại những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành nguyên lý như: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém” nhưng ông Nguyễn Đình Hương từ kinh nghiệm 53 năm làm công tác tổ chức cán bộ đưa ra nhận định: “Chúng ta đã trải qua 3 cuộc vận động từ “ba xây, ba chống” thời Bác Hồ, rồi Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2, khóa VIII) từ Đại hội VIII, Nghị quyết Trung ương 4 từ Đại hội XI, nhưng việc chỉnh đốn Đảng vẫn chưa thành công như mong muốn. Không thể hô hào mãi mà phải tìm ra nguyên nhân vì sao thất bại? Cũng giống như Đại hội VI về đổi mới, tìm ra nguyên nhân do cơ chế tập trung quan liêu bao cấp thì phải xóa bỏ, chuyển sang cơ chế thị trường theo định hướng XHCN. Hiện nay, mấu chốt để đẩy lùi "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" là công tác cán bộ. Công tác cán bộ mang tính chất đột phá, quyết định; chứ chờ hiệu quả từ công tác giáo dục, vận động thì “rất lâu”. 10 tỉnh, 5 bộ, ngành có thể bố trí sai cán bộ vẫn sửa chữa được khi nằm trong tập thể tốt, nhưng bộ máy thượng tầng kiến trúc lãnh đạo đất nước không thể cho phép sai sót, bởi đó là sự kết tinh từ tinh hoa, trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam”.
Tình trạng “nhất hậu duệ, nhì quan hệ, ba tiền tệ, bốn trí tuệ” như dư luận bàn tán trong công tác cán bộ lâu nay đã trở thành phổ biến. Song nhìn nhận vấn đề ở tầm khái quát hơn, TS Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, cảnh báo rằng, trong “tự chuyển hóa” thì nguy cơ lợi ích nhóm và chủ nghĩa tư bản thân hữu là nguy hiểm nhất.
Một cán bộ làm công tác tổ chức kỳ cựu cho biết, đã theo dõi các vụ tham nhũng lớn từ sau năm 1975 đến nay thì đã có tới hơn 30 vụ ở tầm “chấn động dư luận”. Càng về sau, phạm vi, quy mô tham nhũng càng lớn và càng biểu hiện rất rõ sự cấu kết, lợi ích nhóm, mỗi vụ đều lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Nhiều vụ việc tiêu cực trong cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, biến cổ phần hóa thành “chia phần hóa”, hàng nghìn tỷ đồng tài sản Nhà nước chuyển vào túi gia đình quan chức. Ở một khía cạnh khác, công tác cán bộ nảy sinh nạn “xin-cho”, “cấp-phát”, “tư duy nhiệm kỳ”, “lợi ích nhiệm kỳ”. Có cán bộ cấp lãnh đạo tỉnh, trong một nhiệm kỳ ưu ái cho doanh nghiệp “sân sau” thực hiện hàng trăm dự án với danh sách hàng chục trang dài dằng dặc, làm biến dạng môi trường đầu tư, động lực phát triển của địa phương. Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Chính phủ giai đoạn 2011-2015, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý hơn 102.000 tỷ đồng, Thanh tra Chính phủ kiến nghị xử lý hơn 265.000 tỷ đồng. Nhiều dự án đầu tư công kém hiệu quả, gây thất thoát, lãng phí tới hàng chục nghìn tỷ đồng như: Thua lỗ tại Vinalines 3.478 tỷ đồng, Công ty Đạm Ninh Bình 2.084 tỷ đồng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam lỗ 10.520 tỷ đồng… Trong khi chỉ cần 16.500 tỷ đồng là đủ tăng 5% mức lương cơ sở cho công chức, viên chức.
Vì vậy, trong công tác tổ chức cán bộ, chống “lợi ích nhóm”, “tư duy nhiệm kỳ” phải trở thành “những việc cần làm ngay” hiện nay.
Phòng tuyến bằng "chiếc phanh" cơ chế
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, người rất tâm huyết với giải pháp thực hiện tự phê bình và phê bình sâu rộng trong Đảng khi triển khai cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng từ Đại hội VIII đến nay vẫn cho rằng, phải tiếp tục kiên trì, thực hiện tốt vấn đề này. “Cần triển khai nghiêm túc nhưng không lên gân, đao to búa lớn mà vẫn mang tính chiến đấu cao. Thời đó, trong Bộ Chính trị có đồng chí nào dư luận nêu việc A, việc B, việc C, chúng tôi đều gặp nhau trao đổi và đều gặp riêng chỉ rõ. Cách làm tuy nhẹ nhàng nhưng lại sâu, khá hiệu quả để họ thấy sai rồi thì phải sửa. Có đồng chí trong Bộ Chính trị có biểu hiện trái với Nghị quyết của Đảng, đều được đưa ra đấu tranh thẳng thắn, “đúng sai phải phân minh, nhưng nghĩa tình thì trọn vẹn”, không chụp mũ, không áp đặt, nhưng kết quả phải rõ ràng” - nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu phân tích.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Đảng là người, nên có sai lầm, tức là cũng có lúc khỏe mạnh, lúc ốm đau, bệnh tật. Đó là lẽ thường tình, không vì thấy ốm đau mà phát sinh tư tưởng lo sợ, bi quan, tuyệt vọng, giấu giếm bệnh tật trong mình”; “Tự phê bình là phương thuốc trị bệnh cứu mình, phê bình là phương thuốc trị bệnh cứu người".
“Năm 1956, tôi về Ban Tổ chức Trung ương, đến khi tổ chức Đại hội III của Đảng, Bác Hồ đã chỉ đạo phải có phần chỉnh đốn Đảng, chống suy thoái trong Đảng rồi. Năm 1954, cả nước có 50.000 đảng viên. Năm 1959 chỉ còn 7.000 đảng viên vì chiến tranh, hy sinh nhiều lắm. Đảng viên ít vậy mà đến năm 1973, ở miền Bắc, Đảng ta kiên quyết đưa ra khỏi Đảng 62.914 đảng viên” - ông Nguyễn Đình Hương lần giở cuốn sổ tay cũ khi trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân. “Chỉnh đốn Đảng phải quyết liệt như thế mới thành công. Trên có lệnh ngừng kết nạp đảng viên mới để chỉnh đốn. Ai yếu kém, ai thoái hóa, ai đầu hàng… đều đưa ra khỏi Đảng”.
Chung quan điểm với ông Nguyễn Đình Hương, nhiều cán bộ lãnh đạo, chuyên gia xây dựng Đảng đều cho rằng, phải siết chặt hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng hiện nay. Trong thời gian tới, cần có thêm giải pháp đồng bộ, tăng cường hơn nữa vai trò, hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, các cơ quan nội chính, ủy ban kiểm tra các cấp cũng như các cơ quan pháp luật. Cần có cơ chế giám sát cán bộ, đảng viên chặt chẽ hơn, nhất là giám sát về kê khai, công khai tài sản; phải có cơ chế như "chiếc phanh" hãm lại mọi tham vọng, tiêu cực, suy thoái trong Đảng. Phát biểu trước báo chí gần đây, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã nêu ra giải pháp: “Xây dựng cơ chế phòng ngừa để “không thể tham nhũng”, cơ chế răn đe, trừng trị để “không dám tham nhũng”; xây dựng văn hóa, giáo dục đạo đức, nâng cao lòng tự trọng để “không muốn tham nhũng”…
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065