Cuộc chiến “giữ niềm tin”
Văn kiện Đại hội XII của Đảng, với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, Đảng ta nhận định: “Niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào Đảng, vào chế độ có mặt bị giảm sút”. “Niềm tin” có lẽ là một trong những từ khóa chính trị được nhắc đến nhiều nhất ở Việt Nam hiện nay. Niềm tin của nhân dân với Đảng, niềm tin vào vai trò, năng lực lãnh đạo của Đảng và năng lực quản lý, điều hành của Nhà nước; niềm tin của cán bộ, đảng viên vào con đường đi lên CNXH ở Việt Nam; vào Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh... đang bị thử thách rất gay gắt. GS Nguyễn Đức Bình, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, từ nhiều năm trước đã cảnh báo: “Chúng ta nhận rõ thực tế là, trong Đảng, trong nhân dân, trong xã hội có một bộ phận không nhỏ đang giảm sút hoặc đánh mất niềm tin”. Vì thế, Đảng, Nhà nước ta đang ra sức xây dựng, củng cố lòng tin trong nhân dân bằng hành động cụ thể. Các thế lực thù địch, phản động lại đang ra sức chống phá quyết liệt, tìm mọi cách kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc; chia rẽ nhân dân với Đảng, Nhà nước. Trong “cuộc chiến không tiếng súng” để giành và giữ niềm tin ấy, xuất hiện nhân tố thứ ba, nhân tố “tự diễn biến”, ‘tự chuyển hóa” trong Đảng. Phòng, chống được nhân tố “nội xâm” này, Đảng ta, nhân dân ta sẽ giành chiến thắng vẻ vang trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
“Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ là thuật ngữ xuất hiện nhiều trong thời gian gần đây. Trên các diễn đàn chính thức, những thuật ngữ này được nhắc đến trong Nghị quyết Đại hội XI, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) và gần đây là Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Nhưng từ lâu, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” không hề là câu chuyện xa lạ với mỗi chúng ta. Trong lịch sử hàng nghìn năm qua, nhân loại đã chứng kiến biết bao thể chế, vương triều, quốc gia, dân tộc tự tan rã, biến mất trên bản đồ thế giới vì những “vạ trong tường vách”. Gần đây nhất, cuộc “giải giáp tư tưởng đơn phương” được xem là nguyên nhân cơ bản, chủ yếu gây nên sự sụp đổ của Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu. Khi cơn địa chấn chính trị này lắng xuống, tỉnh ngộ sau những “cơn mê sảng dân chủ”, rất nhiều người thuộc Đông Âu, Liên Xô chua chát nhận ra sự thật là họ đã biểu tình hay đứng lên chống lại chính mình. Và những “cơn mê sảng” đó, cũng đang diễn ra trong một bộ phận cán bộ, đảng viên nhưng có thể gây ra những nguy hại khôn lường ở Việt Nam hiện nay.
Hiện đang có những tranh luận khá phong phú về khái niệm “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Nhận thức chung về “tự diễn biến” được hiểu là quá trình đấu tranh giữa các mặt tích cực và tiêu cực trong nội tâm cán bộ, đảng viên trước những tác động phức tạp của tình hình đất nước và quốc tế. Trong đó, yếu tố tiêu cực, sai lầm và tư tưởng tư bản chủ nghĩa dần dần tăng lên; yếu tố tích cực, cách mạng, tư tưởng XHCN phai nhạt dần. Đây là quá trình biến đổi từ bên trong chủ thể, đến một thời điểm nhất định, sự biến đổi này sẽ dần chuyển thành hành động của chủ thể. “Tự chuyển hoá” là sự nối tiếp của quá trình “tự diễn biến”. Khi sự biến đổi về chất đã làm thay đổi quan điểm tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, dẫn đến hành động chống lại chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Như vậy, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ là sự suy thoái từ bên trong; là quá trình tự biến đổi về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên theo chiều hướng tiêu cực, làm mất dần các chuẩn mực của người đảng viên cộng sản, dẫn đến xa rời những nguyên tắc, quan điểm Mác-xít; suy giảm nghiêm trọng niềm tin vào chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đến khi những yếu tố cách mạng, tích cực bị phai nhạt, triệt tiêu, tư tưởng phi xã hội chủ nghĩa tăng dần, thắng thế, lúc đó sẽ dẫn đến sự “tự chuyển hoá” cán bộ, đảng viên từ người tốt trở thành phần tử chống đối Đảng, Nhà nước. “Tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” của cá nhân nếu không được ngăn chặn kịp thời, triệt để sẽ dẫn đến tổ chức bị suy thoái, tự tan rã. Khi “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” diễn ra ở tầm vĩ mô sẽ dẫn đến sự chuyển hoá làm chệch hướng xã hội chủ nghĩa sang con đường tư bản chủ nghĩa.
Sự suy thoái không có “thẻ miễn trừ”
TS Cao Đức Thái, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quyền con người (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) nhận định: “Tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” ở nước ta đang diễn biến hết sức phức tạp trên các lĩnh vực của đời sống xã hội với nhiều mức độ khác nhau. Nguy cơ trước hết và trọng tâm của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” vẫn là trong lĩnh vực tư tưởng chính trị. Nếu lĩnh vực tư tưởng chính trị bất ổn thì các lĩnh vực khác như kinh tế, văn hóa, giáo dục, quốc phòng, an ninh, đối ngoại... sẽ khó có khả năng và điều kiện phát triển lành mạnh. Khi tư tưởng chính trị bị chệch hướng, bộ máy Đảng và Nhà nước bị chia rẽ thì nguy cơ sụp đổ của thể chế chính trị là điều khó tránh khỏi.
Chúng ta chưa quên một sự thật ở Liên Xô khi tiến hành cải tổ, một Đảng cộng sản cầm quyền “tự chuyển hóa” đã tự triệt tiêu mình do xa rời và từ bỏ Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, ảo tưởng chấp nhận “cả gói” trào lưu tư tưởng tư sản phương Tây và tư tưởng của chủ nghĩa xã hội dân chủ, khiến đất nước rơi vào hỗn loạn về tư tưởng và đường lối, đánh mất trụ cột tinh thần và năng lực tập hợp tư tưởng, đánh mất luôn năng lực phân biệt phải trái, đúng sai trong cán bộ, đảng viên; khiến cho một cá nhân tuyên bố giải thể Đảng mà 21 triệu đảng viên im lặng chấp nhận. Có người cho rằng, sự tan rã của Liên Xô là hệ quả trực tiếp và chủ yếu từ chiến lược “Diễn biến hòa bình” do các thế lực thù địch phương Tây tiến hành, nhưng đó chỉ là nguyên nhân bên ngoài. Nếu không có nguyên nhân bên trong thì không thể nào xảy ra thảm họa chính trị ở thành trì của CNXH như vậy. Nguyên nhân bên trong ấy, thực chất là Đảng Cộng sản Liên Xô đã “tự chuyển hóa” ở ngay hàng ngũ lãnh đạo cấp cao, rơi vào chủ nghĩa xét lại, cơ hội, bài xích nguyên tắc tập trung dân chủ, phản bội lý tưởng XHCN dẫn đến Đảng cộng sản bị suy thoái, biến chất do quan liêu, tham nhũng, đặc quyền, đặc lợi... Bài học “tự chuyển hóa” từ các đảng cộng sản ở Liên Xô, Đông Âu trước đây là bài học nhãn tiền, đắt giá với chúng ta. Ở nước ta, ngay từ khi chuẩn bị về tư tưởng, chính trị và tổ chức cho sự ra đời của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặc biệt quan tâm đến việc chống thoái hóa, biến chất cho cán bộ, đảng viên và tổ chức Đảng. Ngay trong tác phẩm Đường Cách mệnh viết năm 1927, Người chỉ rõ: “Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm nòng cốt, trong Đảng ai cũng phải hiểu, phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa thì cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam”.
"Tự diễn biến", "tự chuyển hóa" là hiện tượng như những mạch ngầm “thẩm thấu” êm dịu. Đó là quá trình âm thầm diễn ra bên trong mỗi cá nhân, tổ chức. Các nhà khoa học xã hội cho rằng, cũng như căn bệnh phụ thuộc vào sức đề kháng của người bệnh, sự “miễn dịch” của người cán bộ, đảng viên trước sự thẩm thấu “tự diễn biến” phụ thuộc vào độ vững vàng về chính trị và độ thanh liêm về đạo đức, lối sống của họ. Đảng ta tiến hành sự nghiệp đổi mới, chủ động và tích cực hội nhập sâu rộng với thế giới, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN là những bước đi tất yếu, hợp quy luật nhưng bản thân con đường ấy vốn rất phức tạp và đầy mâu thuẫn. Đó là con đường đầy cám dỗ vật chất rất dễ khiến con người sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi, hám danh, tham nhũng, lãng phí; bè phái, cục bộ, mất đoàn kết, “lợi ích nhóm”; cán bộ quan liêu, xa dân, sống xa hoa, hưởng lạc. Nó cũng sẽ thúc đẩy quá trình phân hóa giàu nghèo trong xã hội và ngay trong Đảng. Tại Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt và triển khai Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: “Bây giờ trong Đảng cũng có sự phân hóa giàu nghèo, có những người giàu lên rất nhanh, cuộc sống xa cách người lao động; liệu rồi người giàu có nghĩ giống người nghèo không? Nhà triết học cổ điển Đức Phơ-bách đã từng nói rằng, người sống trong lâu đài nghĩ khác người ở nhà tranh. Mai kia Đảng này sẽ là Đảng của ai? Có giữ được bản chất là đảng cách mạng của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động, của dân tộc không?”.
Ba mức độ “tự diễn biến”, ‘tự chuyển hóa”
Băn khoăn, trăn trở của đại đa số cán bộ, đảng viên và nhân dân là chúng ta rất khó có thể nhận diện, gọi tên những người đang "tự diễn biến” khi họ chưa đến mức công khai đối lập, “trở cờ”. Tuy nhiên, bằng sự nghiên cứu, đánh giá công phu, khách quan, các nhà khoa học đã chỉ ra rằng, con đường “tự diễn biến”, "tự chuyển hóa" thường diễn ra qua ba giai đoạn, ứng với ba mức độ. Ở giai đoạn ban đầu, đối tượng thể hiện sự hoang mang, dao động về tư tưởng chính trị, sự hoài nghi về vai trò lãnh đạo của Đảng, tính khoa học của chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Giai đoạn hai, biểu hiện ở mức độ thấp của "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", đối tượng bắt đầu chủ động hơn trong tiếp nhận những thông tin trái chiều, những luận điệu chống đối, những lý luận phản động, bắt đầu thích nghe, thích kể, thích mọi người nói về tiêu cực. Về hành động, đối tượng bắt đầu có các hoạt động câu kết với các phần tử thù địch từ bên ngoài để tiếp tay cho chúng thực hiện hoạt động "Diễn biến hòa bình" và "chuyển hóa nội bộ". Biểu hiện rõ nhất là hoạt động thu thập, tổng hợp tin tức nội bộ ta để chuyển ra nước ngoài, giúp các phần tử phản động, thù địch từ bên ngoài sử dụng trong các hoạt động chống lại ta thông qua các phương tiện thông tin đại chúng hoặc các hoạt động quốc tế. Những đối tượng "tự diễn biến" trở thành những phần tử "hoạt động có tính chất nội gián". Bản chất chính trị của hoạt động này là chống đối song chưa đủ thời gian và chứng cứ để kết luận họ đã là kẻ làm gián điệp cho nước ngoài hay là kẻ phản bội Tổ quốc hay chưa. Giai đoạn ba, là giai đoạn ở mức độ cao của "tự diễn biến", "tự chuyển hóa". Đối tượng đã hoàn toàn bộc lộ tư tưởng phản động, chống đối, thể hiện rõ tư tưởng chính trị phản động, sẵn sàng đối đầu với pháp luật và hệ thống chính trị. Họ không còn biết sợ hãi trước sức mạnh pháp luật và chính trị. Thậm chí, họ sẵn sàng hành động để làm thay đổi hệ thống chính trị. Họ chủ động tìm đến những phần tử đang "tự diễn biến" để tập hợp lực lượng, hình thành nhân lõi tổ chức ban đầu. Một số kẻ sẽ tự tìm đến các cơ quan đặc biệt nước ngoài để câu kết.
Thực tiễn trong Đảng và trong xã hội thời gian qua đã “điểm mặt”, “chỉ tên” một số người như vậy. Ban đầu, họ là những cán bộ, đảng viên được chú ý vì dám phản biện, dám nghi ngờ, dám chỉ ra những điều chưa hợp lý trong nền tảng tư tưởng, cũng như chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách và luật pháp của Nhà nước. Nhưng khi chưa được giải đáp thỏa đáng, họ tự nghiên cứu, tự giải thích và tự cho mình là đúng. Những “thư ngỏ”, “tâm thư”, “kiến nghị”... được họ xây dựng và phát tán ra cộng đồng trái pháp luật. Dần dần, họ tập hợp lại, thành lập những “hội”, “đoàn” độc lập, tuyên bố thoát ly sự lãnh đạo của Đảng mà thực chất là hình thành những tổ chức chính trị đối lập với mong muốn thách thức, tranh quyền lãnh đạo với Đảng. Con số cán bộ, đảng viên như vậy không nhiều, nhưng điều nguy hại là có cả những người là lão thành cách mạng, là cán bộ cấp cao, là trí thức có tên tuổi. Họ ít nhiều có ảnh hưởng trong xã hội và trong giới trẻ, cho nên những nhận thức và hành động “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của họ dễ lây lan, phát tán trong giới trẻ. Khi những đối tượng “tự chuyển hóa” này đã hình thành tổ chức phản động đối lập; việc giáo dục, thuyết phục, cảm hóa họ bằng lý lẽ khách quan là vô cùng khó khăn. Các thế lực thù địch thực hiện Chiến lược “Diễn biến hòa bình” ngay lập tức bắt tay, kết nối, hà hơi, tiếp sức các cá nhân, tổ chức đã ‘tự chuyển hóa” khiến cho công tác đấu tranh làm tan rã tổ chức, chuyển hóa tư tưởng phản động gặp phải vô vàn khó khăn, thử thách. (Còn tiếp)
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065