BP - Sự kiện một thầy giáo ở huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) sau 16 năm giảng dạy đã làm đơn xin ra khỏi biên chế ngành, vì lý do nghề quá bạc bẽo đã thu hút dư luận tuần qua. Tuy có những ý kiến trái chiều nhưng hầu hết dư luận đều cho rằng, việc đổ thừa ngành giáo dục bạc bẽo là một lý do không chính đáng. Bởi không có ngành nghề nào là bạc bẽo mà chỉ có tấm lòng của con người đối với nghề bạc bẽo mà thôi!
Theo thống kê, cả nước có gần 1,3 triệu giáo viên từ bậc mầm non đến cao đẳng, đại học cùng hàng ngàn cán bộ quản lý ngành ở các cấp. Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều cố gắng trong việc thực hiện các chính sách đối với giáo viên và ngành sư phạm. Trong đó, việc đảm bảo các chế độ, quyền lợi được đặt lên hàng đầu nên đời sống của giáo viên đã ổn định so với trước và nhiều ngành khác. Từ đó cũng xuất hiện nhiều tấm gương điển hình, nhiều nhà giáo đã trở thành biểu tượng cho ngành giáo dục nước nhà thời kỳ đổi mới. Bên cạnh đó, việc thường xuyên đầu tư thiết bị dạy học, xây trường, mở lớp... đã tạo điều kiện thuận lợi để giáo viên yên tâm truyền thụ kiến thức cho học sinh. Song song đó, xã hội ngày càng có nhiều hoạt động, việc làm cụ thể để tôn vinh nghề sư phạm. Tuy nhiên, cũng đã xuất hiện không ít biểu hiện suy thoái trong nhận thức, sai lệch trong hành động dẫn tới những phát ngôn và hành vi không đúng chuẩn mực ở môi trường sư phạm.
Trở lại việc thầy giáo ở Quảng Ninh thì sự thật ẩn chứa sau lý do “nghề bạc” là những vấn đề mang tính lợi ích cá nhân là chính. Bởi theo như thầy giáo này: Tôi yêu nghề nhưng lương thấp, vợ con nheo nhóc, nhà xa 130km đi lại khó khăn, xin chuyển trường nhiều lần không được... chỉ là những vấn đề cá nhân và đã bị lạm dụng để kết luận “nghề bạc” là thiếu trách nhiệm. Hàng triệu giáo viên và viên chức trong cả nước vẫn đang sống bằng lương chứ đâu phải riêng ai? Đã có không ít thế hệ nhà giáo rời xa chốn thị thành để đến với trẻ em vùng sâu, vùng biên giới, hải đảo. Trong chiến tranh, không ít người thầy đã rời bục giảng, lên đường đánh giặc và có người đã mãi mãi nằm lại nơi chiến trường, càng tô thắm truyền thống của ngành giáo dục. Vì vậy, những lý do quy kết nghề giáo “bạc” hoàn toàn không hợp lý.
Bình Phước tuy chưa có trường hợp nào vì những chuyện cá nhân mà làm đơn xin ra khỏi ngành, nhưng vẫn có không ít trường hợp vì sự đố kỵ, vì lòng tham, vì kinh tế... đã dẫn tới hành vi thiếu chuẩn mực của ngành sư phạm. Chuyện hiệu trưởng cửa quyền, sai phạm trong quản lý tài chính, vùi dập nhân viên, nói xấu đồng nghiệp vì không thuộc phe cánh... diễn ra không ít. Đặc biệt, vì sự đố kỵ, ích kỷ nên ở huyện Đồng Phú có trường hợp giáo viên nhắn tin điện thoại, viết đơn nặc danh để vu khống, bôi nhọ và nói xấu đồng nghiệp khi mục đích của mình không đạt như ý muốn. Trong điều kiện cả nước đang thực hiện tinh giảm biên chế như hiện nay thì những trường hợp nêu trên có ra khỏi ngành giáo dục thì cũng chẳng có gì đáng tiếc!
Tấn Phong
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065