Cha của Âu Dương Tu khi còn sống là một vị quan thanh liêm, chính trực và hiếu khách ở địa phương. Trong nhà ông lúc nào cũng đông người ra vào thăm hỏi, gia đình lúc đó cũng đủ ăn. Sau khi cha của Âu Dương Tu mất, gia cảnh dần dần trở nên bần hàn, túng thiếu. Cuối cùng, hai mẹ con ông rơi vào cảnh “phòng không có một gian, đất không có một bờ”. Cô nhi quả phụ rơi vào cảnh ấy, quả thực là khó khăn, khổ hạnh không thể tưởng tượng được hết. Nhưng mẹ của Âu Dương Tu là người phụ nữ mạnh mẽ và có ý chí kiên cường. Bà là người nghèo khó nhưng chí không tận nên dựa vào bản thân mình cần cù làm lụng, một lòng nuôi con trai khôn lớn trưởng thành.
Năm Âu Dương Tu lên 6 tuổi, mẹ bắt đầu dạy cậu học chữ, đọc sách. Bà cũng luôn giáo dục con về đạo lý làm người. Bởi vì nhà nghèo không có tiền mua giấy bút nên bà đã dùng cây sậy thay thế. Bà còn lấy cát trải trên nền đất để làm giấy rồi viết từng nét trên mặt đất để dạy con viết chữ. Đây cũng là nguồn gốc của câu tục ngữ: “Dùng sậy viết chữ mà dạy con nên người”.
Khi Dương Tu lớn hơn, mẹ đưa cậu đến nhà hàng xóm để mượn sách về đọc, đôi khi còn sao chép lại nội dung của những cuốn sách ấy. Thế rồi năm này qua năm khác, Âu Dương Tu lớn dần lên thành đứa trẻ hiểu chuyện. Cậu bé thấu hiểu mẹ mình nên thường vừa học chữ đọc sách vừa tận sức giúp mẹ làm việc nhà. Âu Dương Tu mặc dù hiểu chuyện nhưng cũng không biết được vì sao mẹ lại có quyết tâm và sức mạnh lớn như vậy để nuôi dưỡng mình.
Một lần, Âu Dương Tu đem thắc mắc này hỏi mẹ. Mẹ của Âu Dương Tu tình cảm nói: “Sau khi cha con mất, mẹ có thể ở vậy nuôi con là bởi vì muốn cho con biết phẩm đức cao thượng của cha con. Mẹ thương cha con, cũng yêu thương con nên quyết tâm nuôi dưỡng con thành người có phẩm đức như cha của con vậy. Vì con, khổ hơn nữa mẹ cũng có thể chịu được”.
Lát sau, bà lại kể về thân thế của bản thân và cách đối xử của chồng mình cho con trai nghe. Bà kể: Lúc mẹ được gả về nhà họ Âu Dương, bà nội của con đã qua đời. Nhưng từ những kỷ niệm của cha con về bà nội, mẹ biết cha con là người hiếu thảo. Cha con ở nhà tôn kính người lớn, ở bên ngoài làm quan thì luôn công chính nghiêm minh. Ông không bao giờ làm việc qua loa, đại khái. Cha con ban ngày làm việc, ban đêm xem án kiện đến khuya mới ngủ. Đối với những người bị phán tội chết, cha con thường xem đi xem lại bản án nhiều lần. Bởi vì ông cho rằng mạng người là có liên quan đến trời, không thể qua loa. Về sau này, bởi vì mệt nhọc quá độ mà mắc bệnh. Cha con trước lúc lâm chung nói: “Ta không thể nhìn thấy con trai trưởng thành, hy vọng nàng sau này có thể nói với con trai rằng: Làm người không thể tham tài cầu lợi, trong cuộc sống đừng truy cầu quá phận, phải hiếu kính người lớn và có một tấm lòng lương thiện”. Đây là di ngôn của cha con để lại.
Âu Dương Tu nghe xong những lời của mẹ, trào nước mắt nói: Con nhất định sẽ làm theo lời di huấn của cha để lại. Nhất định sẽ làm một người có phẩm đức cao thượng.
Cứ như vậy, mẹ của Âu Dương Tu vừa nuôi dưỡng con vừa lấy phẩm đức của chồng làm tấm gương sáng cho con học tập. Quả nhiên, Âu Dương Tu sau này khi làm quan luôn nhớ lời di huấn và noi theo tấm gương đạo đức của cha. Dưới sự giáo dục của mẹ, Âu Dương Tu đỗ đầu tiến sĩ năm 24 tuổi. Về sau, ông giữ chức quan Hàn Lâm học sĩ, Xu mật Viện phó sứ, Tham tri Chính sự. Dưới thời vua Tống Thần Tông, ông giữ chức Binh bộ Thượng thư. Ông làm việc công chính vô tư và luôn trợ giúp người khác, giúp ích cho xã tắc.
Lời bàn:
Theo sử sách còn lưu truyền đến ngày nay, Âu Dương Tu là nhà văn nổi tiếng, nhà thơ lớn, một nhà sử học, chính trị gia và đồng thời là nhà ngôn ngữ xuất sắc đời Tống. Khi Âu Dương Tu làm quan Tham tri Chính sự, vì cố gắng giúp đỡ Phạm Trọng Yêm giữ gìn tân pháp và bênh vực nhà cải cách, chống tham nhũng, bè phái và theo lẽ phải, không sợ bạo lực nên ông bị giáng chức. Lúc đó, ông lo lắng về việc bị giáng chức sẽ làm cho mẹ suy nghĩ, buồn phiền. Nhưng mẹ của Âu Dương Tu khi biết chuyện đã nói với ông rằng: Con vì chính nghĩa mà bị giáng chức, không thể nói là không vinh dự. Nhà chúng ta đã quen với cảnh bần hàn, nghèo túng. Chỉ cần tư tưởng của con không có gánh nặng, tinh thần không suy sụp thì mẹ đã rất hạnh phúc rồi.
Lời nói ấy của mẹ Âu Dương Tu đã khiến không ít vị quan đương thời trong triều đình Bắc Tống phải thốt lên rằng: Có một người mẹ như thế, đứa con làm sao không vĩ đại được? Tiếc rằng, hậu thế thời nay từ Đông sang Tây có được mấy bà mẹ như vậy. Đã vậy, có người thấy con học dốt còn lo chạy trường, chạy lớp và thậm chí chạy điểm thi, thật đáng buồn thay.
N.D
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065