Binh sỹ Armenia đi dọc chiến hào tại khu vực giới tuyến với Azerbaijan ở Nagorny Karabakh. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Trong một tuyên bố mới đưa ra, ông Kerry kêu gọi các bên kiềm chế tránh gây căng thẳng leo thang, đồng thời cho biết Mỹ và Nga kêu gọi hai bên giao tranh ngừng bắn "ngay lập tức."
Theo đó, Nga và Mỹ yêu cầu các bên ngay lập tức tham gia các cuộc đàm phán dưới sự bảo trợ của đồng Chủ tịch Nhóm Minsk thuộc Tổ chức Anh ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) (gồm Nga, Pháp và Mỹ) để tìm ra giải pháp toàn diện cho cuộc xung đột này.
Trong khi đó, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cũng bày tỏ quan ngại trước những diễn biến mới tại Nagorny Karabakh. Ông cũng kêu gọi các bên liên quan ngay lập tức ngừng các hoạt động giao tranh, tôn trọng thỏa thuận ngừng bắn và tuân thủ các bước đi cần thiết để ổn định tình hình.
Bắt đầu nổ ra từ đêm 1/4, các trận giao tranh mới giữa Amernia và Azerbaijan vẫn tiếp diễn trong ngày 2/4 dù trước đó nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới như Tổng thống Nga Vladimir Putin, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier, đồng Chủ tịch Nhóm Minsk thuộc OSCE... đã kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức.
Phía Armenia khẳng định là lực lượng Azerbaidjan đã mở cuộc tấn công ồ ạt ở biên giới Nagorny Karabakh, huy động xe tăng, đại pháo và phi cơ trực thăng. Nhưng phía Azerbaidjan đã bác bỏ thông tin nói trên khẳng định chỉ đáp trả một cuộc tấn công từ phía Armenia.
Nagorny Karabakh là vùng có đa số dân là người Armenia, nhưng bị sát nhập vào Azerbaidjan từ thời Liên Xô cũ.
Vào đầu thập niên 1990, lực lượng người Armenia, với sự yểm trợ của chính quyền Erevan, đã kiểm soát được vùng này, sau một cuộc chiến khiến 30.000 người thiệt mạng và hàng trăm ngàn người phải chạy lánh nạn, chủ yếu là người Azerbaidjan.
Chiến tranh đã chấp dứt với lệnh ngưng bắn năm 1994, nhưng vẫn không giải quyết được vấn đề của vùng lãnh thổ này.