BPO - Chị nói, chị rất ghét những ai mô tả cuộc sống gia đình như một thiên đường mật ngọt, lung linh tình yêu. Chị bảo, xin cánh nhà báo hãy nói sự thật về chuyện rất nhiều người trong số những phụ nữ ham đọc và mê viết đã lựa chọn không sống cuộc sống gia đình. Chẳng phải các cô muốn thế, chỉ là vì các cô đã bất lực với việc tổ chức một gia đình như các cô mong muốn. Và thế là thất vọng, và thế là đau đớn, và thế là trách móc đổ lỗi lẫn nhau. Tan vỡ chỉ là dấu chấm cuối một câu văn dài và lủng củng, trong đó chính người viết cũng đã đánh mất cấu trúc ngữ pháp thật của nó từ lâu rồi.
Sự thật về gia đình ở đâu trong những câu chuyện bất tận mà nhân loại kể suốt ngàn năm nay? Phải chăng mỗi cô gái đều cố gắng tổ chức gia đình mình theo cách tránh né những sai lầm của bố mẹ và mỗi người đàn bà đều được trao một khái niệm về gia đình hoàn hảo mà không biết rằng gia đình ấy không hề có thật trên đời này?
Có khắt khe quá không khi nói về hôn nhân như những bài học được rút ra theo một quy luật chặt chẽ? Càng đọc nhiều bài báo, càng đâm ra sợ cuộc sống hôn nhân. Chẳng ai nói với mình rằng, đó là hôn nhân trong một bài báo. Không phải là chuyện giả trá gì đâu, chỉ là hiện thực đã được cô đặc lại, thời gian được rút gọn lại, sự kiện được đặt cạnh nhau trong cùng một diễn ngôn. Tất cả ập vào người ta một cách quá mạnh, quá “trọn gói”, biết hết mọi chuyện từ nguyên nhân đến hậu quả, nên kết luận luôn là không thể chấp nhận được, hoặc rút ra bài học luôn là không được để xảy ra thế này, phải tranh đấu thế kia…
Nhưng trong cuộc sống thực, trong thời gian thực, trong đời thường, mọi chuyện diễn ra chậm hơn, trong những không gian cách biệt hơn, nên người ta cũng dễ nguôi đi, dễ chấp nhận hơn. Cũng chẳng còn thời gian đâu để liên kết, phân tích mọi chuyện, vì mình còn phải sống, còn phải ăn, phải ngủ. Chỉ riêng việc mang đồ từ máy giặt ra phơi cũng đã hết một mớ thời gian rồi mà…
Chị Nguyễn Thị H., từng mấy lần đến gặp chuyên viên tư vấn hôn nhân gia đình với những giọt nước mắt nghẹn ngào, kể về việc chồng phản bội mình, con bạc đãi mình. Chuyên viên khuyên chị mạnh mẽ lên, dứt khoát lên để chấm dứt những tháng ngày nước mắt đó, để nắn chỉnh lại con đường đời đang ngoằn ngoèo mãi theo những lần đánh ghen, bắt ghen. Chị đã ra về với một tâm thế khác, đã mạnh dạn bắt tay người tư vấn mà hứa lần này là lần dứt khoát.
Thế nhưng người ta lại gặp chị, vẫn trong ngôi nhà ấy, vẫn cùng người chồng trăng hoa ấy, có khi cười có khi không cười, nhưng vẫn sống. Cuộc đời là vậy. Nhiều chị em khi kể lại nỗi bất hạnh của mình, người ngoài thấy không thể chịu đựng, không thể chấp nhận được, nhưng trải qua tất cả mọi chuyện đó, họ vẫn… còn sống, vẫn có thể nở nụ cười.
Chị Trịnh Thị Thu B., làm nghề giúp việc nhà, “chuyên môn” của chị là chăm sóc người già. 31 tuổi đời, hai con nhỏ, chị đi làm từ 5g sáng, về nhà lúc 11g đêm, chồng thất nghiệp chạy xe ôm qua ngày. Khỏe mạnh, nữ tính, nhẹ nhàng, thông cảm - đó là khi làm việc. Mệt mỏi rã rời và quạu đeo, bốp chát - đó là lúc chị về nhà. Ai nói chị không được thế này hay không được thế kia, hoặc phải cả thế này lẫn thế kia, chị bảo cứ thay tui vô đó mà làm đi, sống đi, rồi biết!
Cuộc đời vốn là chiếc bánh được cắt từng lát cho vừa với phần ăn từng ngày của mỗi người. Đôi khi thấy phần ấy quá nhiều, đôi khi thấy phần ấy quá ít, nhưng đều nằm trong hạn định cả rồi. Có những lúc tay thì bẩn và lòng thì mệt mỏi, chỉ muốn đạp đổ hết mọi thứ quanh mình, bất cần, thây kệ. Nhưng rồi ngày mai ngày mốt lại thấy, may mà bữa đó mình đã không…
Chị bảo, xin nhà báo hãy viết về mặt bình thường, không đẹp và không cần làm đẹp của đời sống gia đình. Đẹp làm sao khi giặt giũ, lau nhà? Đẹp làm sao khi con cái ốm đau dặt dẹo vô ra bệnh viện? Đẹp làm sao lúc phải tính từng mớ rau, con cá khi tiền trong túi thiếu trước hụt sau?... Cứ mãi mãi mô tả một sự hoàn hảo đẹp đẽ như vậy, chỉ khiến người đàn bà bất hạnh hơn, tủi phận hơn mà thôi.
Mọi sự hoàn hảo đều là không tưởng, nhất là sự hoàn hảo trong gia đình. Mãi mãi kiếm tìm, mãi mãi ảo tưởng về nó, chỉ là tự làm khổ mình thêm. Đừng đặt mình dưới áp lực phải trở thành một người vợ hoàn hảo, để rồi đánh mất chính bản thân. Đừng mong xây dựng một tổ ấm hoàn hảo, để rồi chỉ có cái vỏ ngoài là hào nhoáng còn những thứ trong ruột thì cay đắng, xót xa. Mỗi con người đều là sự không hoàn hảo tuyệt vời của tạo hóa, đều mở ra những khả năng, những hy vọng. Chị bảo, đó là sự thật cơ bản nhất về gia đình - chẳng bao giờ hoàn hảo cả, chỉ vậy thôi…
Nguồn PNO
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065