Thì mình nghĩ vợ chồng là phải cùng nhau, đâu có cái chuyện vợ trong bếp, còn chồng ngồi phòng khách, vợ đi chợ, chồng đi nhậu…Chuyện đó là từ thời… bà ngoại của mình. Vậy nên mình quyết liệt tranh đấu cho sự công bằng trong hôn nhân.
Tận dụng những năm tháng đầu sống chung, mình còn “ngon cơm”,(cơm vừa chín tới, như vợ mới cưới về) anh xã còn mê vợ, mình lên một cái kế hoạch phân công hết sức cụ thể về việc nhà. Hai đứa cùng đi làm, thì về nhà cũng phải cùng làm. Cụ thể: mình nấu cơm, ảnh rửa chén, mình giặt đồ, ảnh lau nhà, mình cho con bú, ảnh tắm con, mình đưa con đi học, ảnh đón về….
Năm đầu tiên, mình thấy rất vui, vì chưa có con, hai đứa toàn đi ăn tiệm, rồi về nhà nghỉ ngơi, xem ti vi…. Khi nào mình lau cái nhà, thì mình nhắc ảnh phải đi giặt đồ…Vậy đó, mình cảm thấy rất là công bằng.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Đến khi có con, hàng loạt việc nhà phát sinh, mình thấy mình làm cả đống việc có tên, không tên, còn anh xã thì vẫn giữ nguyên định mức lao động, vợ biểu thì mới làm. Vậy là mình cáu, mỗi lần cho con bú, dỗ con ngủ, tắm con…mình đều bực mình vì “sao không thấy anh ấy làm gì hết trơn”. Rồi anh ấy cũng cáu, thế là anh ấy làm vội vàng cho xong việc rồi lấy xe biến ra khỏi nhà, có khi ngoái cổ lại nói trống không: “Chuyện gì của tui, thì cứ để đó, tui về tui làm…”.
Nói chung là mình có một anh xã chịu làm việc nhà nhưng mình không thấy vui. Anh xã cũng chẳng vui. Hai người cứ tìm cơ hội đùn đẩy việc cho nhau. Hôm nào ảnh đi ăn ngoài, thì ảnh không rửa chén. Ảnh còn "dọa" kiếm thêm tiền mướn người giúp việc làm phần việc nhà của ảnh để ảnh đi chơi với bạn bè.
Trên đây là một chia sẻ nỗi niềm của Lâm Thúy Khanh, một cô vợ trẻ. Vợ chồng mới cưới, bà vợ tự nhận ‘tụi này” sống theo kiểu Tây “không ai phải hầu ai, không phải ai phải lệ thuộc ai", và kết quả không có người này thì người kia vẫn sống khỏe re. Nhưng bà vợ trẻ lại lăn tăn với suy nghĩ: hình như họ không phải vợ chồng mà hai người bạn cùng nhà. Người đàn ông trong sống chung với cô cũng không cần lắm bàn tay “chăm bón” gia đình của người phụ nữ. (Anh ta tự làm được hết mà).
Để mình không bị thiệt thòi trong hôn nhân, bà Trịnh Thanh Hằng, một giảng viên đại học, cũng thiết kế cuộc sống của mình trên nguyên tắc “Anh sao, em vậy”.
Ông chồng có thu nhập bao nhiêu, thì bà vợ cũng có gần tương đương. Thẻ tín dụng của chồng dùng làm gì, thẻ của vợ làm gì đều được phân chia rạch ròi. Sinh nhật vợ, chồng mua quà, thì sinh nhật chồng, vợ cũng tặng lại món ngang giá. Yên tâm, khỏi có thủ tục đòi quà chi cho mệt, bởi trong năm có ngày gì vợ chồng đã họp bàn và có chủ trương ra trong văn bản rồi. Theo đó, vợ khỏi đòi, chồng khỏi nhớ…
Ông chồng đi nhậu với bạn, thì bà vợ đi cà phê, shoping với bè. Ông có đi tăng hai, thì bà đi matxa (hơi sức đâu mà nghĩ chuyện ông có em út). Ông đi công tác dài ngày, thì bà đi phượt với đám bạn mới quen trên mạng. Ông có “phây”, bà cũng có. Bà cho rằng theo đòi chồng quà cáp, đòi chồng làm việc nhà…là đòi mấy chuyện lặt vặt, bà đã đòi là đòi cho đáng: đòi chất lượng sống phải ngang với chồng. Anh giải trí, xả stress được, thì tui cũng được. Biết chồng mình ra đường bay bướm, thì vợ tiết kiệm chi cái liếc mắt với người bạn khác phái mới quen… "Vậy, ổng mới sợ mình. Ổng mới thấy ổng có cô vợ không phải dạng vừa".
Đến khi bà bầu bì, bà đòi ông phải tăng thu nhập để đóng tiền viện phí, mua sữa, mua tả…bà có công mang bầu, thì ông phải cày để nuôi con. Nhưng khi ông chồng suốt ngày ngoài đường, hết dự án này đến dự án khác, công tác liên miên để tăng năng suất kiếm tiền..thì bà vợ lại cảm thấy không công bằng. Bà thấy ông thiếu quan tâm đến nhu cầu tinh thần của vợ như thăm hỏi, đấm lưng, xoa chân…Dù ông đưa bà mẹ ở quê ra để lo cho con dâu, cháu nội, nhưng bà vẫn thấy ông vẫn “sướng” hơn vợ, hổng làm gì hết, hổng có bị gì hết, trong khi bà lên cân, phù chân, đi không nổi…
Đàn ông bị đòi kiểu này, thường không kêu ca, phàn nàn…bởi kiểu gì thì các bà cũng nhanh chóng nhận ra không thể giao con cho các ông, không thể đi suốt ngoài đường như các ông, cũng không thể la cà hết quán này đến quán kia như các ông…nên đàn bà khôn không đòi “anh sao, em vậy” mà đòi “anh làm theo sức của anh, em làm theo sức của em”, vậy mới công bằng.
Nguồn PNO
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065