BP - Cuối tháng 10-2017, Ủy ban châu Âu (EC) đã rút “thẻ vàng” đối với hải sản Việt Nam, với lý do hành động không kiên quyết để chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (viết tắt là IUU). Sau 6 tháng bị cảnh báo, nếu không giải quyết các yêu cầu của Liên minh châu Âu (EU) đưa ra, Việt Nam có thể đối mặt một trong 3 kịch bản, trong đó xấu nhất là bị “thẻ đỏ”. Nghĩa là, lệnh cấm xuất khẩu hải sản khai thác từ Việt Nam vào EU sẽ được áp dụng. Một thực trạng đáng buồn là hầu hết ngư dân thời gian qua mơ hồ, không hiểu “thẻ vàng, thẻ đỏ” của EU là gì. Ngay sau khi bị “thẻ vàng”, các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương của nước ta đã mở những đợt tuyên truyền, kết hợp áp dụng các biện pháp mạnh để ngăn chặn ngư dân đánh bắt trái phép trên vùng biển các quốc gia lân cận; đồng thời nỗ lực tìm nhiều giải pháp để EU gỡ bỏ “thẻ vàng”.
Trong xuất khẩu thủy, hải sản của Việt Nam có 2 loại, nuôi trồng và đánh bắt. Mặt hàng nuôi trồng xuất khẩu có tôm và cá tra, phần còn lại là đánh bắt trên biển, chiếm trên 50%. Nếu bị ngừng xuất khẩu thì sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều doanh nghiệp. Tình trạng khai thác thủy, hải sản trước đây chưa được quản lý chặt chẽ đã dẫn tới nạn đánh bắt trái phép diễn ra trong một thời gian dài, khiến Việt Nam bị nhận “thẻ vàng” của EU. Không sử dụng các ngư cụ khai thác hủy diệt, không đánh bắt trong mùa sinh sản hoặc đánh bắt vi phạm ngư trường là 3 quy định rất quan trọng trong luật đánh bắt thủy hải sản. Lý do nước ta bị “thẻ vàng” là do EU cho rằng, ngư dân khi đi đánh bắt đã vượt qua hải phận của Việt Nam vào nước khác, đánh bắt này là trái phép. Lý do thứ 2 là do ngư dân của chúng ta đánh bắt không có sổ theo dõi. Điều này có nghĩa là, không kiểm soát được việc họ đánh bắt có đảm bảo duy trì sinh thái không. “Thẻ vàng” của EU là một lời cảnh báo dù không sớm nhưng chưa quá muộn để ta cảnh tỉnh, thay đổi và đưa ra quy định cho việc khai thác thủy hải sản, đồng thời đánh giá thực trạng, tổ chức lại sản xuất, hoàn thiện hệ thống quản lý nghề cá, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Từ thực tế đó, ngay sau khi bị “thẻ vàng” Hiệp hội Nghề cá Việt Nam đã tuyên truyền về hệ lụy của vấn đề này cho bà con ngư dân hiểu rõ những thiệt hại đối với ngành thủy sản, mà chính họ là người bị ảnh hưởng trực tiếp. Ngư dân phải biết rõ thế nào là khai thác hợp pháp, bất hợp pháp, những nghề, công cụ cấm, những vùng, bãi đẻ của cá không được phép khai thác, những vùng cá con đang sinh sống... Ngư dân phải biết xác định tọa độ, vùng nào thuộc biển Việt Nam, vùng nào thuộc nước láng giềng để không xâm phạm. Đối với ngư trường của ta, ngư dân đánh bắt phải theo quy định, không khai thác tận diệt, không đánh bắt trong mùa sinh sản nhằm tái tạo nguồn lợi cho mùa sau. Ngư dân cũng không thể cho rằng do nghèo mà sử dụng dã cào bay, thuốc nổ để khai thác hải sản. Các tàu cá khai thác hải sản xa bờ có công suất máy chính từ 90CV trở lên phải lắp thiết bị giám sát hành trình theo quy định của pháp luật; không cấp, gia hạn giấy phép khai thác đối với những tàu cá chưa lắp thiết bị giám sát hành trình.
Thời gian vừa qua, ngành thủy sản Việt Nam đã quyết liệt chống nạn khai thác bất hợp pháp. Các địa phương có đội tàu đánh bắt xa bờ áp dụng những biện pháp mạnh để ngăn ngư dân đánh bắt trái phép ở vùng biển các quốc gia lân cận. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới đây đã ký Quyết định số 4840/QĐ-BNN-TCTS, phê duyệt kế hoạch thực hiện một số giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của EC về IUU. Đặc biệt, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đưa ra những giải pháp quyết liệt nhằm đáp ứng các yêu cầu của EU. VASEP đã hợp tác với 4 đơn vị là Cảnh sát biển, Bộ đội biên phòng, Tổng cục Thủy sản và Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản nhằm triển khai những biện pháp chống đánh bắt IUU. Công điện số 732/CĐ-TTg ngày 28-5-2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt tàu cá và ngư dân Việt Nam khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài, cùng với kế hoạch hành động quốc gia chống IUU cũng đã được triển khai thực hiện đạt hiệu quả cao... Với các giải pháp đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, doanh nghiệp và ngư dân Việt Nam mong rằng tới đây EU sẽ dỡ bỏ “thẻ vàng” để bà con tiếp tục ra khơi bám biển.
Đức Hồng
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065