BP - Chiếm trên 30% sản lượng hồ tiêu thế giới, với 58% thị phần xuất khẩu ở 100 lãnh thổ, quốc gia; nhiều năm qua doanh nghiệp - người trồng tiêu Việt Nam đã làm nên kỳ tích điều tiết thị trường, cầm chịch về giá. Tuy nhiên, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trong tiêu đen xuất khẩu của Việt Nam đã đến hồi báo động ở các thị trường chiếm tỷ trọng xuất khẩu chủ lực là Mỹ, Nhật và EU… Việt Nam vừa ký kết các hiệp định tự do thương mại có lợi cho các mặt hàng nông sản xuất khẩu nhưng đạt chất lượng an toàn thực phẩm (ATTP) mới chính là chìa khóa để hồ tiêu Việt Nam giữ vững vị trí số 1 trên thị trường thế giới…
NGUY CƠ MẤT THỊ TRƯỜNG
Cũng như nhiều nông sản xuất khẩu khác của Việt Nam, 85% tiêu đen xuất khẩu đang báo động bởi dư lượng thuốc BVTV ở các thị trường chủ lực như Mỹ, EU, Nhật (40% thị trường xuất khẩu tiêu Việt Nam).
Cụ thể, từ quý 3/2013 EU đã có cảnh báo về dư lượng thuốc BVTV trong tiêu đen xuất khẩu của Việt Nam vượt ngưỡng quy định về ATTP. Năm 2014, châu Âu quyết liệt hơn, hậu quả là trong tháng 5, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tiêu Việt Nam đã bị một số nước châu Âu (Đức, Hà Lan...) trả lại hàng và đền bù mọi phí tổn vận chuyển, hợp đồng do dư lượng thuốc BVTV vượt ngưỡng cho phép. 6 tháng đầu năm 2015, hồ tiêu Việt Nam nhập khẩu vào thị trường này cũng giảm 50%. Theo đó, Hiệp hội Gia vị châu Âu đã có thư gửi Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn cảnh báo vấn đề dư lượng hóa chất trên hạt tiêu Việt Nam.
Nông dân xã Lộc An thu hoạch hồ tiêu
Tại Hội nghị quốc tế hồ tiêu diễn ra ở TP. Hồ Chí Minh ngày 1-12-2015, ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) lo lắng trước thực trạng lạm dụng thuốc BVTV nên tỷ lệ hạt tiêu không bảo đảm ATTP. Nước ta hiện đang nguy cơ mất thị trường khá cao ở các nước phát triển. Đơn cử, Nhật Bản có nhu cầu nhập khẩu khoảng 8.000-9.000 tấn hạt tiêu mỗi năm nhưng chỉ mua của Việt Nam 1.000 tấn. Bởi nước ta không đủ nguồn hạt tiêu đáp ứng tiêu chuẩn về ATTP mà Nhật Bản quy định.
Ông Nam cho biết thêm, dư lượng thuốc BVTV trong tiêu đen đã gây khó khăn đầu vào chế biến cho doanh nghiệp xuất khẩu. Đơn cử, Công ty TNHH KSS Việt Nam đã đầu tư công nghệ hiện đại để chế biến hạt tiêu qua Nhật Bản nhưng do tiêu sạch khan hiếm nên phải nhập hạt tiêu từ các nước khác (giá cao hơn) về chế biến. Hạt tiêu nhập vào công ty phải kiểm tra dư lượng thuốc BVTV với trên 400 hoạt chất.
Năm 2014, 1 đại lý thu mua hàng tại Lộc Ninh (xin giấu tên - PV) bị phá sản, lâm vào nợ nần vì nhà nhập khẩu trả hàng do dư lượng thuốc BVTV ở ngưỡng cao so với mức cho phép...
NÔNG DÂN KHÔNG QUYẾT ĐỊNH ĐƯỢC GIÁ
Tháng 5-2015, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn chỉ đạo các tỉnh trồng tiêu trọng điểm, trong đó có Bình Phước mở chiến dịch tuyên truyền nông dân thận trọng sử dụng thuốc BVTV (không lạm dụng và phải phun “4 đúng” theo hướng dẫn) và nói không với hoạt chất carbendazim, thuốc diệt cỏ cháy trong chăm sóc hồ tiêu (2 hoạt chất mà EU, Nhật, Mỹ nghiêm cấm sử dụng với hồ tiêu).
Liên kết doanh nghiệp và nông dân để sản xuất hồ tiêu ATTP (ảnh nhỏ). Nông dân xã Lộc An, huyện Lộc Ninh thu hoạch hồ tiêu vụ 2015 (ảnh lớn)
Ông Nguyễn Văn Đạo, Trưởng phòng truyền thông, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư (Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn) cho biết: trung tâm đã tuyên truyền trực tiếp đến người trồng tiêu ở các huyện Chơn Thành, Hớn Quản, Bù Đốp, Lộc Ninh, Bù Đăng nhưng khó nâng cao nhận thức với nông dân, bởi giá tiêu quá cao ngay cả trong mùa thu hoạch. Thị trường hồ tiêu luôn “khát hàng” và không phân biệt tiêu sản xuất theo quy trình ATTP, nông dân đều bán dễ với giá cao ngất ngưởng. Chênh lệch giữa tiêu sạch và tiêu không bảo đảm ATTP là không đáng kể. Không chỉ với nông dân mà với các đại lý phân bón, thuốc BVTV cũng rất khó thay đổi nhận thức. Đặc biệt, hoạt chất nghiêm cấm sử dụng trong hồ tiêu là carbendazim (chiếm 60% thị phần thuốc BVTV) có hiệu quả cao trong đặc trị các loại bệnh trên cây tiêu; nông dân thích sử dụng thuốc diệt cỏ cháy nhanh để giảm giá thành trong hoàn cảnh lao động phổ thông ở nông thôn ngày càng khan hiếm.
“Nông dân không quyết định được giá mà do thị trường quyết định”. Đó là khẳng định của ông Miguel, Giám đốc Tổ chức The Sustainable Trade Initialative (SNV), đơn vị tài trợ dự án sản xuất chuỗi giá trị tiêu sạch tại Bình Phước, tại hội nghị tổng kết dự án vào tháng 6-2015. Ông Miguel minh chứng, quê hương ông là quốc gia nổi tiếng trồng cà phê tại Trung Mỹ. Khi giá cà phê đang ở mức tốt nhất do thị trường cung vượt cầu. Những người trồng cà phê ở quê hương ông đã phải trả giá vì không biết rằng, ở bên kia bán cầu có Việt Nam chỉ trong 2 thập niên đã vươn lên đứng thứ 2 về xuất khẩu cà phê... Tương tự, giá hồ tiêu cao nhiều năm và không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước trồng tiêu trọng điểm đang gia tăng diện tích trồng mới. Như vậy, giá tiêu có còn cao và sản phẩm nào bán được khi cầu vượt xa cung...?!
LIÊN KẾT VÀ KIỂM ĐỊNH CHẤT LƯỢNG
Theo VPA, trong 11 tháng năm 2015, cả nước xuất khẩu 124 ngàn tấn hồ tiêu, đạt kim ngạch gần 1,2 tỷ USD, giảm 17% về khối lượng nhưng tăng 2,8% về giá trị so với năm 2014. Đây cũng là năm hồ tiêu Việt Nam được giá cao nhất, giá xuất khẩu bình quân 11 tháng 9.528 USD/tấn, tăng hơn 20% so với năm trước. Thế nhưng, trong năm 2015 dư lượng thuốc BVTV trong hồ tiêu cũng được đưa ra bàn nghị sự nhiều nhất tại các hội nghị về thị trường xuất khẩu hồ tiêu.
Tiến sĩ Nguyễn Mai Oanh, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký VPA cho rằng: Để đầu tư một TTKĐCL theo tiêu chuẩn quốc tế cần khoảng 2 triệu USD. Tuy nhiên, doanh nghiệp nhập khẩu thường không tin tưởng vào các đơn vị kiểm định trong nước và luôn chỉ định được kiểm định nước ngoài. Vì vậy, nếu xây dựng TTKĐCL trong nước cần phải tạo dựng được uy tín với các doanh nghiệp nước ngoài, tức hàng hóa sau khi kiểm định ở đây được xuất khẩu suôn sẻ. Nếu không thì TTKĐCL có đạt tiêu chuẩn quốc tế cũng sẽ bị bỏ không, gây lãng phí. Đây chính là vướng mắc lớn cần được doanh nghiệp và nông dân ủng hộ để ngành tiêu phát triển bền vững hơn nữa. |
Ông Phan Văn Đon, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Bình Phước cho rằng: “Có vườn tiêu phun hoạt chất carbendazim trước khi thu hoạch 4 tháng nhưng khi kiểm tra hạt tiêu có xuất xứ từ vườn đó, vẫn phát hiện dư lượng chất này, thì nó ở đâu ra?” Ông Đon đề nghị Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn đánh giá lại môi trường vùng trồng tiêu. Cũng trong hội nghị tổng kết Dự án phát triển chuỗi giá trị sản xuất tiêu bền vững ở Bình Phước, ông Soeren, Giám đốc Công ty TNHH chế biến gia vị Nedspice Việt Nam cho biết, các thành viên Câu lạc bộ tiêu sạch sản xuất theo 10 tiêu chí RA nhưng có gói sản phẩm khi qua Hà Lan kiểm tra vẫn tồn dư thuốc BVTV. Chuyên gia kinh tế cho rằng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn cần quy hoạch và kiểm soát chặt chẽ vùng trồng tiêu; hướng dẫn quy trình sản xuất sạch theo hướng VietGap; sử dụng một phần các nguồn vốn hỗ trợ phát triển của Ngân hàng Thế giới hoặc các tổ chức quốc tế để thưởng cho các hộ nông dân sản xuất tiêu có sản phẩm sau kiểm tra đạt chất lượng ATTP.
Trong thực tế, để có nguồn nguyên liệu đáp ứng yêu cầu về ATTP, một số doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu hoặc liên kết với nông dân để tránh gian lận thương mại của tiểu thương. Đơn cử, Công ty TNHH KSS Việt Nam đã xây dựng 1 trang trại trồng tiêu hữu cơ rộng 6 ha ở Bình Phước, đồng thời hướng dẫn quy trình canh tác theo hướng an toàn cho nhiều hộ nông dân và thu mua lại sản phẩm. Dự án phát triển chuỗi cung ứng tiêu bền vững ở Bình Phước, Công ty TNHH chế biến gia vị Nedspice hợp đồng với nông dân sản xuất tiêu sạch tại 3 huyện Hớn Quản, Lộc Ninh và Bù Đốp trong 2 mùa vụ tiêu 2013-2014 và 2014-2015. Hiện đã có 540 nông dân được cấp chứng chỉ sản xuất tiêu sạch theo tiêu chuẩn RA. Ở Lộc Ninh, hồ tiêu đã được cấp nhãn hiệu tập thể...
Nhiều ý kiến cho rằng, tồn dư thuốc BVTV trong tiêu sạch là do Việt Nam chưa có trung tâm kiểm định chất lượng (TTKĐCL) cho từng gói sản phẩm và khi xuất khẩu tiêu dự án được doanh nghiệp trộn chung với tiêu ngoài dự án. Các chuyên gia nghiên cứu thị trường hồ tiêu cho rằng để hạt tiêu Việt Nam đạt chất lượng cao và xuất khẩu tạo niềm tin vững chắc ở những thị trường “khó tính” thì phải giải quyết từ gốc mới đến ngọn, chất lượng phải đảm bảo từ số lượng nhỏ, đơn lẻ đến số lượng lớn từ nhiều nguồn. Chủ tịch VPA Đỗ Hà Nam đề xuất, Nhà nước và doanh nghiệp cần phải đầu tư những TTKĐCL đúng với tiêu chí mà nhà nhập khẩu đề ra. Ở mỗi vùng nguyên liệu đều cần một TTKĐCL. Có như vậy mới giải quyết rạch ròi nguyên liệu của từng cá thể sản xuất tiêu trước khi trộn lẫn nhau và tránh mất thời gian, tiền bạc sau này.
Phương Hà
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065