Tết thường là những chuỗi dài của các buổi tiệc tùng với nhiều loại thực phẩm đặc biệt hơn ngày thường khiến chúng ta khó có thể từ chối.
Nhưng ăn uống như thế nào để những ngày tết hưởng trọn niềm vui mà sức khỏe vẫn đảm bảo là vấn đề được nhiều người quan tâm.
Ám ảnh rối loạn tiêu hóa
Chị Lê Thị Hiền, thợ may, nhà ở Q.8, TP.HCM phàn nàn tết năm nào cũng vậy, nhà chị luôn có người gặp vấn đề về tiêu hóa. Nhà chị sống chung nhiều thế hệ, ông bà nội đã trên 90 tuổi, ba mẹ đã già, con cái đã có gia đình, cộng thêm 2 đứa cháu nên chị rất bối rối khi chuẩn bị thức ăn cho ngày tết. Cho nên cứ trước tết, chị và con dâu dành ra cả tuần đi siêu thị “khuân” cơ man nào là đồ ăn, nước uống, bia, rượu, bánh kẹo, trái cây... về chất đầy nhà.
Chị là con dâu trưởng nên anh em khắp nơi đổ về mừng tuổi, mừng thọ ông bà, do đó lúc nào chị cũng phải chuẩn bị mâm cỗ sẵn sàng và cả nhà luôn phải thay nhau cầm đũa tiếp khách. Dù mỗi lần chỉ nhấm một tí nhưng rồi một ngày “bao nhiêu là tí” như thế khiến cho ai nấy đều khó tránh khỏi bị bội thực, dẫn đến rối loạn tiêu hóa, cả ông bà nội già cũng không tránh khỏi. Cho nên mỗi năm sắm đồ tết, chị Hiền phải chuẩn bị thêm một tủ thuốc gia đình để sử dụng khi cần.
Theo đúng nghĩa văn hóa ẩm thực Việt Nam, ăn tết, ngoài “thịt mỡ, dưa hành, bánh chưng xanh” thì còn vô số các món ăn giàu đạm, đường, béo cùng các loại rượu, bia, nước giải khát có ga. Việc nạp quá nhiều loại thực phẩm trong một ngày, từ tinh bột, đạm, dầu mỡ, chất xơ, bánh kẹo, nước giải khát có gas, rượu... như trường hợp của chị Hiền khiến bộ máy tiêu hóa quá tải.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng tại Trung tâm dinh dưỡng TP.HCM, về mặt lý thuyết, ăn nhiều món trong một bữa ăn, tí cơm, tí thịt, tí cá, tí rau... là tốt nhưng lại có một nguy cơ, đó là ăn khi thức ăn phải lưu trữ, bảo quản trong tủ lạnh, nấu đi nấu lại nhiều lần... dễ khiến thực phẩm nhiễm khuẩn và lây chéo sang nhau. Khi đó, ăn càng nhiều món càng dễ bị ngộ độc, bởi không bị món này thì lại bị món khác. Ngoài ra, nhà nào cũng có vài thùng các loại nước đóng hộp, đóng chai. Một ngày uống quá nhiều loại nước, đồng nghĩa với việc “nạp” quá nhiều chất bảo quản cũng khiến đường tiêu hóa bị ảnh hưởng. Hơn nữa, ngày tết thường có thói quen gặp đâu ăn đấy, do vậy chúng ta thường không ăn thành bữa, làm thay đổi nhịp tiêu hóa của ngày thường (3-4 bữa/ngày).
Ăn theo ngày thường, theo chu kỳ sinh học, cứ đến giờ đó là dạ dày làm việc, đường tiêu hóa làm việc. Trong khi đó, ngày tết ăn “rải rác” suốt ngày nên dạ dày lúc nào cũng có thức ăn, bụng lúc nào cũng ngang ngang nên hệ tiêu hóa cũng bị ảnh hưởng. Theo các chuyên gia, sai lầm thường gặp nhất là: ăn uống không theo giờ giấc, ăn quá nhiều cloại thức ăn giàu chất đạm, chất béo, ít rau xanh, các bữa ăn quá gần nhau, mua quá nhiều thực phẩm dự trữ, dẫn đến thực phẩm dễ bị hỏng, nấu quá nhiều món ăn và thức ăn trong một bữa dẫn đến thức ăn bị ôi thiu ăn vào dễ bị rối loạn tiêu hóa, uống nhiều rượu bia, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe, ăn nhiều bánh mứt, kẹo, uống nhiều nước ngọt dẫn đến tăng cân hoặc chán ăn, ăn không ngon miệng...
Để ăn tết vui và khỏe
Chị Nguyễn Lưu Vy Oanh, 38 tuổi, ở Q.4, TP.HCM chia sẻ chị rất háo hức mỗi khi tết đến. Đây là dịp cả nhà được ở bên nhau, xúng xính trong những bộ đồ đẹp nhất, cùng nhau đi chúc tết anh em, họ hàng, bạn bè. Đi tới đâu cũng được nghe những lời chúc tốt đẹp, được đãi những bữa ăn thịnh soạn, được nếm những món mới, vừa ngon, vừa bắt mắt. Rồi gia đình chị lại háo hức tiếp đón mọi người tới nhà mình, tiệc tùng, hát hò... Năm nào vợ chồng, con cái chị cũng “chơi xả láng” nên hậu quả về vấn đề tiêu hóa cũng không ít. Chồng thì uống bia, rượu nhiều mất men tiêu hóa, sinh ra tiêu chảy, chị thì lúc nào cũng trong tình trạng “không tiêu, ợ chua” do nạp quá nhiều món khoái khẩu chiên, xào, đồ ngọt... Còn 2 đứa con thì khỏi phải nói, chúng không bị ép ăn nên tha hồ bỏ bữa, khi nào đói đã có bánh kẹo, nước ngọt nên đã không đủ chất dinh dưỡng lại sinh ra chứng chán ăn. Ra tết, vợ chồng Oanh không chỉ khó lấy lại nếp sinh hoạt thường ngày mà còn phải “giải quyết hậu quả” về hệ tiêu hóa của cả nhà. Tuy thế, ai cũng thích tết và năm nay, vợ chồng chị dự định sẽ ăn tết “linh đình” hơn những năm trước vì đúng dịp kỷ niệm 10 năm ngày cưới.
Có lẽ trường hợp như vợ chồng chị Oanh là “bệnh” chung của rất nhiều người. Các chuyên gia dinh dưỡng tại Trung tâm dinh dưỡng TP.HCM cho rằng bình thường chỉ số tiêu hóa hấp thụ của chúng ta có thể rất tốt, nhưng khi ăn nhiều quá, hấp thụ không được tốt, tiêu hóa kém... rất dễ gây ngộ độc. Cần đặc biệt lưu ý các loại bánh mứt kẹo. Rất nhiều loại không thể thiếu phẩm màu. Cho dù là phẩm màu không độc hại, được phép lưu hành nhưng một ngày ăn quá nhiều, vừa kẹo, vừa bánh, vừa mứt... mỗi thứ một tí rất dễ bị ngộ độc thức ăn.
Theo các chuyên gia, để đảm bảo sức khỏe trong những ngày này, cần tuân thủ những nguyên tắc dinh dưỡng hợp lý như sau: Vẫn giữ số các bữa ăn giống như ngày thường, không nên nấu quá nhiều các món ăn trong một bữa, số lượng các thức ăn trong một bữa cũng nên nấu vừa phải đủ ăn, tránh tình trạng thức ăn dư thừa dẫn đến lãng phí. Không nên quên món rau, nên ăn rau luộc. Hạn chế ăn bánh kẹo; nước ngọt, rượu bia uống ở mức vừa phải. Và đặc biệt, hãy biết tiết chế trước những món ăn, trước những lời mời để dạ dày không bị bội thực, kéo theo một loạt nguy cơ về tăng cân, rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm...
(Theo TNO)
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065