Không ít trang mạng xã hội, báo điện tử liệt kê hình ảnh những cô gái đi chùa mà ăn mặc khiến người khác “tức mắt”. Nhiều người phải thốt lên: Đến chùa để cầu phúc, cầu an, cầu “vạn sự như ý” nhưng Phật nào chứng giám cho những người không chịu hiểu đó là nơi tôn nghiêm nên ăn mặc, đi đứng như thế nào cho phù hợp?
Ngày 3-2, Hà Nội bắt đầu tổ chức lấy ý kiến đóng góp xây dựng dự thảo “Quy tắc ứng xử nơi công cộng”, trong đó có quy định về việc không mặc trang phục hở hang trái thuần phong mỹ tục, gây phản cảm... Tổ chức, cá nhân thực hiện tốt sẽ được biểu dương, khen thưởng và nếu vi phạm sẽ bị nhắc nhở, phê bình công khai trên phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, để làm được điều này không dễ. Bởi trên thực tế, theo quan niệm của mỗi người, cách hiểu “ăn mặc hở hang” sẽ rất khác nhau. Khái niệm “phản cảm” cũng trừu tượng, khó có thể cùng tìm ra quy chuẩn chung nhất.
Ở nước ta, việc mặc đồ quá “thiếu vải” vào chùa chưa bị cấm. Vì vậy, nhiều người vẫn không thấy “ngại” khi khoác lên mình bộ đồ ngắn cũn cỡn hoặc xuyên thấu để vào đình, chùa. Còn ở nhiều nước như Campuchia, Thái Lan thì chùa chiền là khu vực tuyệt đối trang nghiêm bởi Phật giáo là quốc giáo của đất nước này. Và muốn đến đây, mọi người không được mặc váy ngắn, quần áo hớ hênh hay đi dép lê. Kể cả du khách không tuân thủ cũng bị cản lại.
Dự thảo “Quy tắc ứng xử nơi công cộng” của Hà Nội nhằm hướng tới xây dựng thành phố thanh lịch, văn minh, góp phần giữ gìn và phát triển truyền thống văn hóa tốt đẹp của thủ đô. Đó là điều cần thiết. Tuy nhiên, ăn mặc là vấn đề nhạy cảm và tùy thuộc nhận thức, ý thích của mỗi người. Cùng bộ trang phục, với người lớn tuổi có thể nói là phản cảm, nhưng với thanh niên lại cho là “mốt”. Điều đáng nói còn ở chỗ, giống với việc xử phạt hút thuốc lá nơi công cộng thì ai sẽ phải “rình” để tìm ra người mặc đồ hở hang rồi “nhắc nhở, phê bình” và đưa tin “công khai trên báo chí”?
Nếu chỉ hành chính hóa mà chưa có thời gian giáo dục sâu rộng đến mọi người dân; tuyên truyền để người dân thực hiện việc ăn mặc lịch sự, đúng chỗ, đúng nơi, đặc biệt ở đền, chùa thì Hà Nội chẳng thể nào thực hiện được bộ quy tắc như đã nêu.
Trong tất cả mọi ứng xử, giao tiếp, giáo dục là gốc quan trọng, với thế hệ trẻ lại càng cần thiết hơn. Giáo dục cũng cần được kết hợp nhịp nhàng ở cả gia đình, nhà trường và xã hội. Nếu người dân mặc đồ nghiêm túc khi đi chùa, đền thì một số người sẽ tự thấy lạc lõng khi mặc đồ “không giống ai” và bắt gặp cái nhìn thiếu thiện cảm của nhiều người sẽ tự thấy xấu hổ. Nhất là qua giáo dục để hiểu trang phục, phong thái của từng người đúng nơi, đúng chỗ là thể hiện rõ văn hóa, nhân cách và nguồn gốc xuất thân của từng người thì cũng sẽ giúp mỗi người điều chỉnh hành vi, cách ăn mặc. Tuy nhiên, giáo dục là quá trình lâu dài nên rất cần có sự đồng hành của các cơ quan truyền thông để lan truyền sâu rộng hơn nữa văn hóa ứng xử đẹp trong cộng đồng.
An Nhiên
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065