Anh mất được hơn ba năm, sau cơn đột quỵ. Bất ngờ, hụt hẫng, chới với, cô đơn… là những từ người thân mô tả về em. Thật ra, hơn thế nữa, không đơn thuần là vợ mất chồng, con mất cha, mà cả nhà ta gắn kết khắng khít quá, bao năm qua mọi việc đều dựa dẫm vào anh. Gần 20 năm từ khi mình gặp nhau nơi giảng đường sư phạm. Em là cô bé quê mùa không biết đi xe, được anh đưa đón đi học, đi làm thêm. Mình nên duyên chồng vợ, anh lại đón đưa đi làm, đi chợ, gặp bạn bè hay thăm viếng họ hàng. Mình sinh con, cả nhà chất nhau lên một xe, chạy khắp nơi. Anh luôn thu xếp công việc để chu toàn nhiệm vụ “xe ôm”, tận tụy với lịch giảng các trường khác nhau của vợ và lịch học kín mít của con, mẹ con em vô tư tận hưởng sự an nhiên sau lưng áo đẫm mồ hôi của anh mỗi ngày. Bao năm qua anh không dám đi đâu lâu, từ chối những chuyến công tác xa và những kỳ nghỉ xa xỉ với cơ quan. Với anh, chuyện bù khú ngoài giờ thật hiếm hoi. Có lẽ vì vậy, dù có năng lực, anh vẫn không thăng tiến nhanh như đồng nghiệp. Đơn giản, vì anh tình nguyện cận kề làm “tài xế muôn năm” cho cả nhà. Gia đình mình luôn rộn rã tiếng cười, quây quần bên nhau “trên từng cây số”.
Cơn tai biến ngay bữa cơm tối khiến anh ra đi đột ngột, lặng lẽ. Em điếng lặng. Sau đám tang, cậu út qua ở cùng một tháng để tập cho em chạy xe máy và tập cho con chạy xe đạp, chỉnh sửa lặt vặt mấy việc trong nhà mà anh làm dở. Thời gian đầu chở con đi học, hai mẹ con khóc suốt vì sợ xe cộ đông đúc, vì tay lái yếu, vì thương nhớ anh trên từng cung đường quen thuộc. Thấy dáng ai to to ngăm ngăm chạy xe phía trước, mẹ con em đều thổn thức hình bóng anh. Về nhà lại thẫn thờ nhìn lên di ảnh, ngắm chiếc ghế bành quen thuộc anh hay ngả lưng xem ti vi buổi tối, phần giường trống trải, chiếc bát và đôi đũa đẹp anh thường dùng vẫn được bày trong mâm cơm vắng vẻ. Cả năm trời ngơ ngẩn khiến em suy kiệt, nội ngoại chăm sóc, người thân an ủi không giúp em phục hồi được, cho đến hôm em mê sảng, lơ mơ nghe tiếng con khóc thét vì sợ tiếp tục mồ côi mẹ, em bỗng bừng tỉnh. Tích cực thuốc thang bồi bổ, em biết mình phải sống thật tốt, nuôi dạy con thật tốt, đó mới chính là di nguyện chưa kịp trăng trối của anh.
Em đi mổ mắt. Mắt em cận quá nặng, lại khóc nhiều, giờ mờ mịt, đi xe rất nguy hiểm. Mọi người can ngăn vì sợ có biến chứng thì khổ cả mẹ lẫn con. Song em tin sẽ có anh phù hộ, bác sĩ cũng bất ngờ khi mắt em lập tức trở về không độ, từ giã hoàn toàn chiếc “kính lúp” dày cộp. Hai mẹ con tranh thủ đi bộ mỗi sớm để thêm sức khỏe. Em tự tin nhận giảng nhiều lớp.
Từ khi mất bố, con mình biết tự lập hơn và học giỏi hẳn. Mới ngày nào là đứa bé lớp 6 hay mè nheo làm nũng, nay con đã phổng phao vào lớp 10 trường chuyên. Con cũng nói nhờ có bố phù trợ nên học hành thông suốt.
Em dành dụm, cộng phần tiền anh để lại, mua được căn hộ xinh lắm, song hai mẹ con thống nhất cho thuê, vẫn ở nhà cũ, dù bé tí trong con hẻm bé tí, vì nơi này luôn tràn ngập hình bóng anh.
Giờ hai mẹ con đi đâu cũng được khen là vui tươi. Chưa bao giờ mẹ con em nguôi thương nhớ anh, song đã biết chuyển hướng sống tích cực. An lòng nơi suối vàng, anh nhé!
Nguồn PNO
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065