>> Sắc thắm trên những vùng quê lịch sử
>> An Lộc qua lời kể của người trong cuộc
BP - Cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 100km theo hướng Tây Bắc, Bình Long - trực tiếp là thị xã An Lộc, trung tâm tỉnh lỵ của tỉnh Bình Long khi ấy - giữ vị trí quân sự quan trọng trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, là cửa ngõ trực tiếp hướng vào Sài Gòn. Do vị trí chiến lược quan trọng ấy, chính quyền Mỹ - ngụy đã chọn An Lộc làm một trong những cứ điểm phòng thủ kiên cố trong tuyến phòng thủ Tây Bắc Sài Gòn vì “Bình Long mất, Sài Gòn không còn”. Và An Lộc - Bình Long trở thành một trong những điểm nóng bỏng nhất trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở miền Nam. Khép lại quá khứ hào hùng, An Lộc - Bình Long ngày nay vươn mình trở thành thị xã trẻ với tốc độ đô thị hóa và kinh tế ngày càng phát triển nhanh hơn mà theo nhiều cán bộ lão thành “chỉ có những người cộng sản mới làm được điều đó”.
Khu quyết chiến trung tâm
Thực hiện quyết tâm chiến lược của Bộ Chính trị, tại hội nghị tháng 10-1971, Trung ương Cục và Quân ủy Miền đã vạch kế hoạch tấn công xuân hè năm 1972 cho tất cả hướng chiến lược toàn miền, trong đó hướng chủ yếu là chiến trường miền Đông Nam bộ. Bằng lực lượng quân chủ lực, Trung ương Cục quyết định mở Chiến dịch Nguyễn Huệ.
Trong Chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972, với vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, Bộ tư lệnh Miền xác định tiến công cụm cứ điểm Lộc Ninh và An Lộc - Bình Long là 2 trận đánh then chốt.
Một góc của thị xã Bình Long ngày nay - Ảnh: Sỹ Hòa
Đường 13 là hướng phòng ngự rất quan trọng của địch ở Bắc Sài Gòn, trong đó An Lộc là nơi tập trung các cơ quan đầu não quân sự, hành chính của địch trong toàn tỉnh. Cùng với Sân bay Téc-ních, thị xã An Lộc là khu vực then chốt của địch, án ngữ cửa ngõ chính để tiếp cận Sài Gòn. Nơi đây, địch bố trí một lực lượng lớn gồm Bộ tư lệnh nhẹ Sư đoàn 5, chiến đoàn bộ binh, tiểu đoàn bộ binh, đại đội pháo, lực lượng địa phương với tiểu đoàn bảo an, cảnh sát dã chiến, trung đội pháo... Toàn bộ hệ thống cơ quan ngụy quân, ngụy quyền tỉnh Bình Long đều tập trung tại thị xã An Lộc với 32 ấp chiến lược loại A.
Trận then chốt đầu tiên của Chiến dịch Nguyễn Huệ, ta giành thắng lợi ở Lộc Ninh và giải phóng Lộc Ninh ngày 7-4-1972 đã gây kinh hoàng cho quân đội Sài Gòn, làm sụp đổ toàn bộ khu vực phòng ngự tiền tiêu của địch ở phía Bắc đường 13, mở toang cánh cửa xuống phía Nam. Ngay khi trận Lộc Ninh đang diễn ra, Bộ tư lệnh Miền đã thống nhất tiến công giải phóng Bình Long.
Trong suốt 32 ngày đêm chiến đấu giằng co quyết liệt giữa ta và địch, pháo, đạn, bom, kể cả bom B52 cày nát mặt đất. Để tránh tổn thất, ta rút khỏi thị xã An Lộc lập điểm chốt chặn ở Tàu Ô, Tân Khai nhằm cắt đứt liên lạc của An Lộc - Bình Long cả 2 hướng của đường 13. Khi ấy phía Bắc đường 13 Lộc Ninh đã giải phóng, phía Nam có chốt chặn Tàu Ô, lực lượng địch ở An Lộc - Bình Long đã bị khóa chặt. Chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972 mặc dù chưa dứt điểm được thị xã An Lộc như dự định, nhưng quân ta đã mở ra một vùng giải phóng rộng lớn, làm thay đổi cục diện chiến trường có lợi cho cách mạng miền Nam cả thế và lực.
Tại hội nghị tháng 7-1974, Trung ương Cục miền Nam đặt vấn đề giành thắng lợi quyết định trong năm 1975-1976. Sau khi giải phóng toàn bộ quận Dầu Tiếng, quân ta siết chặt vòng vây quanh thị xã An Lộc. Ngày 6-1-1975, Phước Long được giải phóng, vòng vây An Lộc - Bình Long càng bị siết chặt hơn. Trên các chiến trường toàn miền Nam, liên tiếp tin tức giải phóng ở các tỉnh gửi về và địch cũng biết điều đó đã làm cho tinh thần quân ta càng lên cao, ngược lại, tinh thần của địch xuống nghiêm trọng hơn. Ngày 20-3-1975, hai sư đoàn của ngụy bị chôn chặt ở Tây Ninh. Biết rõ nguy cơ bị tiêu diệt, ngay trong đêm 22-3-1975, toàn bộ lực lượng địch ở An Lộc tháo chạy về Chơn Thành. Ngày 23-3-1975, không còn bóng ngụy quân, ngụy quyền, An Lộc - trung tâm tỉnh lỵ Bình Long hoàn toàn được giải phóng. Và ngày 23-3-1975 được chọn là ngày giải phóng tỉnh Bình Phước. Bởi đó là ngày trung tâm tỉnh lỵ sau cùng trên địa bàn Bình Phước được giải phóng.
Một thị xã Bình Long tươi trẻ
Kết thúc chiến tranh, những người cộng sản kiên trung lại bắt tay kiến thiết và xây dựng quê hương. “Sau giải phóng, việc đầu tiên là củng cố dân khi họ chạy giặc quay về địa phương. Lúc này mọi thứ đã tan hoang, đổ nát. Người dân quay về cần có chỗ ở. Chúng tôi đã cấp tôn cho dân làm nhà. Rồi phải tính đến việc mưu sinh nên cần lập kế hoạch chia đất và vận động nhân dân sản xuất, thành lập các hợp tác xã. Trong thời gian chưa có hoa lợi, người dân được cấp lương thực cứu đói. Gian nan, vất vả vô cùng, nhưng bằng quyết tâm kiến thiết lại quê hương nên Bình Long mới đẹp như ngày hôm nay” - ông Nguyễn Văn Sao, Bí thư Đảng ủy xã An Lộc, huyện Bình Long từ năm 1975-1978, cho biết.
Một góc thị xã Bình Long ngày nay
Từ quyết tâm đến hành động cụ thể của toàn quân và dân, Bình Long thay da đổi thịt từng ngày. Sau nhiều năm xây dựng và phát triển, năm 2003, huyện Bình Long chia tách thành 2 huyện Bình Long và Chơn Thành. Năm 2009, huyện Bình Long tiếp tục chia tách thành huyện Hớn Quản và thị xã Bình Long. Nhận thức tầm quan trọng của việc phát triển cơ sở hạ tầng, những năm qua, Đảng bộ thị xã Bình Long tập trung mọi nguồn lực đầu tư xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình đột phá phát triển kết cấu hạ tầng đô thị. Theo đó, hiện trạng đô thị hóa của thị xã Bình Long phấn đấu đến năm 2020 đạt 60%, năm 2025 đạt 65%, năm 2030 đạt 70%. Điều này đáp ứng nguyện vọng của người dân về một thị xã văn minh.
“Tôi sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Bình Long từ năm 1945. Sau khi chạy giặc quay về nhà cửa đều không còn. Nhà nước đã giúp người dân có nhà, có đất sản xuất. Bình Long bây giờ đẹp lắm!” - bà Nguyễn Thị Lùi ở khu phố Phú Hưng, phường Phú Thịnh, thị xã Bình Long chia sẻ.
Trong ký ức những người trở về quê hương sau ngày giải phóng là một hình ảnh điêu tàn. Giờ đây mỗi năm họ nhìn thấy Bình Long đổi khác thì vui sướng vô cùng. Điều người dân nhận thấy đều được minh chứng bằng những con số cụ thể. Điển hình như tốc độ tăng trưởng hằng năm rất cao, thường trên 10%, năm 2018 đạt 12,72%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp - dịch vụ. Các chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm mà nghị quyết Đảng bộ thị xã đề ra về phát triển kinh tế, xã hội hằng năm đều đạt và vượt kế hoạch.
Lịch sử đấu tranh cách mạng hào hùng của quân và dân Bình Long là một di sản vô giá. Tự hào với truyền thống vẻ vang đó, những lớp người đi sau đang cùng nhau phát huy trí tuệ, sự sáng tạo, chủ động để đưa quê hương Bình Long phát triển xứng tầm với vai trò chiến lược cả về kinh tế và quốc phòng, an ninh.
Hồng Cúc
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065