BP - Vừa qua, đợt nắng hạn gay gắt làm thiệt hại hơn 1/3 diện tích lúa vụ hè thu và đông xuân của xã An Khương (Hớn Quản) - xã có cơ cấu kinh tế nông nghiệp chiếm 90%. Hiện An Khương lại tiếp tục chịu ảnh hưởng của thiên tai. Cơn gió lốc xảy ra ngày 25-10-2016 làm thiệt hại hơn 40 ngàn nọc tiêu, 130 ha cao su, hơn 900 cây điều và nhiều ngôi nhà bị tốc mái. Chỉ phút chốc cả khối tài sản lớn với bao công sức của nhiều người dân trong xã bị tan biến. Chưa dừng lại ở đó, gần 100 ha củ sắn (đậu) người dân trồng đến vụ thu hoạch rớt giá thê thảm, giá bán không đủ tiền thuê nhân công thu hoạch khiến nỗi khó nhọc của nông dân thêm chồng chất.
Người dân xã An Khương dựng lại vườn tiêu sau trận lốc xoáy ngày 25-10-2016 - Ảnh: T. Nga
An Khương có 260 ha trồng lúa nước, tập trung chủ yếu ở các hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó chỉ có khoảng 160 ha chủ động được nguồn nước để xuống giống 2 vụ, còn 100 ha phụ thuộc “nước trời”. Thói quen canh tác lạc hậu, không chuyển đổi cây trồng phù hợp khiến nhiều hộ chỉ trông chờ vào hạt lúa rơi vào cảnh khốn khó khi mất mùa. Thiệt hại chưa kịp khắc phục, thì lại thêm một bài học về đua theo giá thị trường xuống giống ồ ạt củ sắn. Năm 2015, giá củ sắn thương lái mua tại vườn từ 5.000-7.000 đồng/kg. Thấy trồng củ sắn lãi lớn, năm nay, người dân đồng loạt mua hạt giống về trồng. Họ trồng xen trong vườn cao su non, vườn điều. Một số hộ còn cưa cao su, điều lấy đất trồng củ sắn. Hậu quả, sản xuất không theo nhu cầu là cơ hội để thương lái ép giá.
An Khương là một trong hai xã điểm cùng với Thanh Bình của Hớn Quản xây dựng nông thôn mới. Là xã thuần nông, với 61% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số nên trong vận động xây dựng đường nông thôn An Khương gặp nhiều khó khăn. Xã đã có kiến nghị lên cấp trên xin thực hiện làm đường theo cơ chế 7-3 (nhà nước hỗ trợ 70%, người dân đóng góp 30%) để có thể hoàn thành tiêu chí đúng kế hoạch. Hiện xã vẫn còn 108/1.604 hộ khó khăn về nhà ở, chủ yếu thuộc hộ không có đất sản xuất hoặc già yếu. Hai tiêu chí về thiết chế văn hóa và thu nhập bình quân đầu người đến nay cũng chưa đạt, nên trong năm 2016, xã không thể về đích nông thôn mới theo mục tiêu đề ra. Song 2 xã điểm trên lộ trình vẫn còn 2 năm, tức đến năm 2018 mới về đích theo kế hoạch của huyện Hớn Quản.
Lãnh đạo xã An Khương phải tập trung trí, lực cùng người dân khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống, giữ gìn an ninh trật tự. Có đội ngũ lãnh đạo trẻ như đồng chí Bí thư kiêm Chủ tịch HĐND xã Nguyễn Thị Dung, sinh năm 1982; Chủ tịch UBND xã Dương Công Hằng sinh năm 1979; Phó bí thư thường trực Nguyễn Văn Lộc sinh năm 1987..., có nhiệt huyết, sáng tạo và đoàn kết, mong rằng An Khương sẽ vượt qua khó khăn hiện tại; phấn đấu hoàn thành nghị quyết từng năm và để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp cho nhiệm kỳ.
Hồng Cúc
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065