BP - Sau một thời gian tạm lắng xuống, những ngày gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng lại đưa tin rộ lên việc các trại chăn nuôi heo quy mô lớn ở các tỉnh phía Nam sử dụng chất tạo nạc tràn lan.
Tại Đồng Nai, địa phương có số trang trại chăn nuôi quy mô lớn đứng đầu cả nước, đoàn kiểm tra của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phát hiện một số cơ sở sử dụng chất tạo nạc với liều lượng rất cao,
thậm chí có cơ sở sử dụng với mức tồn dư gấp 500 lần mức cho phép. Tại thành phố Hồ Chí Minh, tình hình cũng tương tự. Qua kiểm tra 227 mẫu heo giết mổ đã phát hiện 31 mẫu dương tính với chất cấm ở hàm lượng cao hơn từ 40 lần đến 650 lần mức cho phép.
Các xét nghiệm lâm sàng đã chứng minh tác hại nghiêm trọng đối với người tiêu dùng thực phẩm tồn dư chất tạo nạc. Một số chuyên gia cảnh báo, nếu ăn thịt tồn dư chất tạo nạc một thời gian dài, phụ nữ có nguy cơ mắc ung thư vú, suy yếu hệ thống miễn dịch. Trường hợp ngộ độc nặng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Thế nhưng vì lợi ích trước mắt, nhiều hộ chăn nuôi đã bất chấp nguy hiểm đến tính mạng người tiêu dùng và của chính mình để sử dụng chất cấm. Theo tính toán của các hộ chăn nuôi, nếu nuôi bình thường cần thời gian 4-5 tháng heo mới đạt trọng lượng từ 100-110kg và tỷ lệ mỡ cao. Nhưng nếu sử dụng chất tạo nạc, tăng trọng, khoảng ba tháng heo đã đạt trọng lượng 130kg/con và tỷ lệ nạc cao đến 85%, lại bán được giá cao. Vì thế, việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi sẽ mang lại nguồn lợi trước mắt không nhỏ đối với người chăn nuôi.
Trước nỗi lo chất tạo nạc gây nguy hại cho sức khỏe, nhiều gia đình đã chuyển sang sử dụng các loại thực phẩm tươi sống khác như tôm, cá, thịt gà, bò, trứng và nấm các loại. Thế nhưng cũng chẳng có gì bảo đảm khi mà cách đây không lâu, báo chí đồng loạt đưa tin việc các thương lái bơm nước vào thịt bò và tôm, còn gà, vịt được cho ăn thức ăn tăng trọng. Theo đó, trứng cũng không bảo đảm trứng sạch, chưa kể còn có thông tin là trứng có thể làm giả. Mới chỉ cách đây mấy ngày, tại thành phố Hồ Chí Minh, chủ một cửa hàng gạo phát hiện mình mua phải gạo giả, khi rang lên có mùi khét như nhựa bị cháy. Hiện các cơ quan chức năng đang vào cuộc làm rõ.
Thật chưa bao giờ chuyện ăn uống lại đáng lo ngại như bây giờ, khi mà đụng vào thứ gì cũng có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe. Trái cây tẩm hóa chất, để cả năm không hỏng; rau muống, đọt bí phun thuốc để qua một đêm thì dài ra cả gang tay; dưa leo, bầu bí, cà chua... đều có chất kích thích. Đó là thức ăn.
Còn những thức uống thì cũng nguy hại không kém. Hiện đang vào mùa làm hàng tết, các vựa ve chai tại thành phố lớn đang tập hợp các loại vỏ chai rượu ngoại để cung cấp cho cơ sở sản xuất rượu giả. Cơ quan chức năng đã kiểm tra đột xuất một số cơ sở sản xuất rượu giả tại thành phố Hồ Chí Minh và phát hiện một chai Chivas 21 giả có giá thành 50 ngàn đồng nhưng được bán với giá 1 triệu đồng. Chưa kể việc người tiêu dùng bị móc túi rất đau thì việc mua và uống phải rượu giả được pha chế từ phẩm màu và hóa chất sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng đến thế nào.
Thực phẩm bẩn, rượu độc tràn lan. Cho dù có thông thái đến cỡ nào thì người tiêu dùng cũng không thể phân biệt được mọi thứ thật - giả. Để sống, chúng ta không thể không ăn, không uống. Nhưng cứ nghe đài, đọc báo thì thấy ăn uống gì cũng chết!
Linh Tâm
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065