Từ huyện lỵ Tĩnh Gia, chúng tôi khởi hành khá sớm và điểm dừng chân đầu tiên trong hành trình là chùa Am Tiên. Ngàn Nưa mùa này vắng khách, núi rừng tĩnh lặng và đẹp đến nao lòng. Hai bên đường là những vạt rừng xanh ngút ngàn, những tán cây rộng bao bọc con đường và hòa với mây trời khiến ai nấy hạ kính xe để nhìn ngắm xung quanh. Hôm ấy không phải là ngày tuần chay trong tháng nên khách đến chùa cũng ít hơn dịp lễ. Chúng tôi mau chóng sắp lễ, mua thêm hương hoa, vàng mã để vào chùa.
Du khách dâng lễ và khấn nguyện trước huyệt đạo thiêng Am Tiên
Quần thể di tích lịch sử - văn hóa Am Tiên được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận di tích lịch sử - danh lam thắng cảnh cấp quốc gia từ tháng 3-2009. Quần thể này trên đỉnh Ngàn Nưa, thuộc xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa, gồm đền thờ Bà Triệu, Huyệt đạo thiêng và Giếng Tiên. Tương truyền nơi đây vào năm 248 (sau Công nguyên), nữ tướng Triệu Thị Trinh đã dựa vào địa thế hiểm yếu làm căn cứ chiêu mộ nghĩa quân và dấy binh khởi nghĩa chống lại giặc Ngô. Người nữ tướng anh hùng trải qua thời kỳ đầu gian khó, phải chống lại quân địch thế mạnh như chẻ tre. Đã bao lần nghĩa quân tiến đánh quân Ngô nhưng đều thất bại. Vào thời đó, một vị pháp sư tài giỏi và đức độ đã hiến kế với vị nữ tướng tìm một huyệt đạo để tế trời đất và các vị thần linh. Theo lời pháp sư, bà Triệu đã lập đàn tế trời và quả nhiên những trận sau đó liên tục giành thắng lợi. Sau đó, bà cho dựng trên núi một ngôi chùa công đức, lấy tên là Bích Vân Cung Tự, tục gọi là chùa Am Tiên. Không chỉ mang vẻ đẹp u tịch và huyền hoặc của chốn “bồng lai tiên cảnh”, những câu chuyện huyền bí, những hiện tượng thiên nhiên kỳ lạ xảy ra trên đỉnh Ngàn Nưa từ xưa đến nay đã thu hút du khách thập phương tìm về đi lễ và chiêm bái chùa Am Tiên cũng như núi Nưa. Hằng năm cứ vào mồng 9 tháng giêng, lễ hội “Mở cổng trời” được tổ chức ở Am Tiên thật trang trọng. Lễ hội bắt đầu từ sáng sớm với màn rước cỗ, dâng lễ vật chính bằng kiệu bát cống với những sản vật là hoa quả và bánh giầy để làm lễ tế thiên địa, thần linh, cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Lễ hội chùa Am Tiên thường kéo dài đến 20 tháng giêng. Rất nhiều người đến dự lễ hội vào lần sau đều nói rằng, những điều khấn nguyện ở Am Tiên đều linh ứng.
Nơi làm lễ “Mở cổng trời” chính là huyệt đạo, cũng là vị trí cao nhất của đỉnh Ngàn Nưa. Huyệt đạo thiêng nằm giữa một bãi đất bằng phẳng, bốn mùa mây vờn bao phủ. Vào những ngày trời quang mây tạnh, từ huyệt đạo có thể nhìn thấy làng mạc, những cánh đồng trù phú hay có thể nhìn ra biển cả. Tương truyền, sự chuyển động của vũ trụ tạo ra vết nứt trên vách đá của Ngàn Nưa, dần dần vết nứt rộng ra tạo thành giếng. Nơi đây nghĩa quân của Bà Triệu đã lấy nước sử dụng hằng ngày. Cũng có truyền thuyết vào buổi tối lại thấy các tiên nữ sà xuống tắm nên gọi là Giếng Tiên. Theo những người am hiểu về phong thủy và địa lý thì tại Việt Nam chỉ có 3 huyệt đạo thiêng. Ngoài huyệt đạo ở núi Đá Chông (Ba Vì, Hà Nội) và huyệt đạo ở núi Bà Đen (Tây Ninh) thì vị trí cao nhất của đỉnh Ngàn Nưa chính là huyệt đạo thiêng thứ 3 của đất nước. Đây được xem là nơi trời đất giao hòa, tạo nên nguồn năng lượng vũ trụ và cũng là huyệt đạo quan trọng nhất nước.
Cũng như các du khách, sau khi dẫn lễ và dâng hương, tôi cùng chị em trong đoàn đã đi 9 vòng quanh huyệt đạo, nam giới thì đi 7 vòng. Trong lúc đi vòng quanh huyệt đạo phải thả lỏng cơ thể, chỉ tâm niệm những điều mình mong muốn - tất nhiên phải là những ước muốn lành mạnh. Khi nhắm mắt đi vòng quanh huyệt đạo, ta sẽ thấy một vầng hào quang rực đỏ, thấy mình như giao hòa với đất trời và ta sẽ có được may mắn trong năm. Trong chuyến đi này, do “bệnh nghề nghiệp” và cả may mắn, tôi cùng các thành viên trong đoàn được đích thân thủ từ Lê Bật Sơn - người chủ thế hệ thứ ba của chùa Am Tiên hành lễ và tiếp chuyện. Theo lời thầy Lê Bật Sơn, từ việc tế trời đất nơi huyệt đạo Am Tiên, thầy Sơn đã đón nhận được sự mách bảo của thần linh về một số việc, trong đó có cả việc quan trọng như sự mách bảo về có bão lớn vào địa bàn tỉnh, dù dự báo khí tượng thủy văn của Thanh Hóa không có bão. Lời cảnh báo của thần linh thông qua thủ từ Lê Bật Sơn đã được những người có trách nhiệm tin tưởng và nhân dân trong tỉnh không bị thiệt hại nhiều về người và của nhờ đã chủ động phòng, chống bão.
Tại chùa Am Tiên còn hiện diện một “Vườn cây lãnh đạo”. Thủ từ Lê Bật Sơn cho biết: Rất nhiều đồng chí lãnh đạo từ Trung ương đến các tỉnh, thành đã hiến tặng nhà chùa những cây gỗ quý, phù hợp với khung cảnh chùa. Chúng tôi dạo một vòng xung quanh vườn cây và nhận ra có nhiều tấm biển gắn dưới gốc cây là của các đồng chí lãnh đạo hoặc nguyên lãnh đạo tỉnh Bình Phước. Một thành viên trong đoàn cũng đã hiến tặng nhà chùa 3 cây gỗ quý và có mối quan hệ khá thân tình với thủ từ Lê Bật Sơn.
Chúng tôi rời chùa Am Tiên khi mặt trời đã đứng bóng. Mỗi người không quên mang theo một chai nước Giếng Tiên để về cúng kiếng trong nhà. Bản thân tôi cũng mang theo một chai nước Giếng Tiên và nhận thấy ngay khi rời Am Tiên chưa lâu, tôi đã gặp điều may mắn!
Thảo Nguyên
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065