Kiên cường trong kháng chiến
Bà Thị Phớ, 65 tuổi, ở ấp 8B, xã Lộc Hòa vẫn giữ được vẻ đẹp mặn mà rất riêng của phụ nữ S’tiêng truyền thống. Trán bà giờ đã nhiều nếp nhăn, tóc bạc đôi phần, đôi chân không còn khỏe để lùa trâu ra ruộng. Khi nhớ về những gì đã qua, đôi mày bà nhíu lại: “Năm đó, tôi đang tuổi đôi mươi, bị giặc Mỹ dồn dân vào ấp chiến lược. Thanh niên trong làng đều tham gia du kích, lính trinh sát, vận chuyển lương thực nuôi bộ đội. Cụ già, thiếu nhi cũng tham gia du kích để canh phòng xóm ấp. Trong ấp chiến lược, tôi cùng một số chị được chọn làm cơ sở hoạt động bí mật cho cách mạng”.
Bà Thị Phớ (bên phải) ôn lại những năm tháng cùng chiến sĩ C31 sống, chiến đấu trong lòng địch
Từ năm 1961-1965, phong trào đấu tranh chống địch gom dân lập ấp chiến lược ở Lộc Ninh ngày càng mạnh. Địch dồn dân từ Lộc Hòa qua ấp chiến lược ở Làng 9, xã Lộc Thạnh để dễ quản lý. ”Giặc ngày đêm lùng sục bắt bớ những người theo cách mạng. Chúng đưa ra nhiều quy định nghiêm ngặt hòng chặn mọi đường cung cấp lương thực cho cách mạng. Ban ngày cứ 7 giờ sáng lính canh gác mở cửa cho người dân xã Lộc Hòa về nhà làm rẫy, 5 giờ chiều người dân phải quay trở về ấp chiến lược. Lính gác chỉ cho đồng bào đi lại trên một con đường chúng quy định. Người nào chống đối thì bị đánh đập”- bà Thị Phớ kể.
Bị địch kìm kẹp dồn vào ấp chiến lược nhưng đồng bào vẫn trồng bắp, lúa để cung cấp lương thực cho bộ đội. Bà Thị Blinh ở ấp 8B, xã Lộc Hòa nhớ lại: “Ban ngày đi làm rẫy trồng lúa, bắp, đồng bào thường gói gạo mang theo. Bọn lính gác chỉ cho mang theo gạo nấu đủ ăn trong ngày, không được mang quá 3kg. Lương thực bị chúng kiểm tra gắt gao nên đồng bào nghĩ ra đủ cách như giấu trong người và các dụng cụ sản xuất, mỗi chỗ một ít rồi gom lại gửi vào rừng cho bộ đội. Chiến tranh nên cái gì cũng thiếu thốn, nhất là muối. Nhiều lần chúng tôi phải đốt cây tre, nứa lấy tro làm muối. Trên các ruộng lúa, tôi và một số chị em vận động dân làng góp gạo, rau, củ mì để mang ra rừng cho bộ đội. Nhiều nhà dù không đủ gạo ăn, chỉ vài trái bắp, củ khoai cũng nhường cho bộ đội”.
Thời dồn dân lập ấp chiến lược, xã Lộc Hòa chỉ có vài chục hộ sinh sống, đa số là đồng bào S’tiêng. Ngày đó, bà Thị Phớ làm công nhân cạo mủ cao su. Bà nhanh nhẹn nên được cách mạng chọn làm cơ sở nắm bắt tình hình địch ở đồn điền cũng như ở ấp chiến lược. Bà Thị Phớ kể: ”Hằng ngày đi cạo mủ cao su, tôi quan sát số lượng lính hành quân, hướng đi, giờ giấc rồi bí mật báo cho bộ đội ở trong rừng. Thông tin được tôi ghi vào tờ giấy bỏ trong hộp đạn, giấu dưới lá cao su hoặc bụi rậm rồi đánh dấu bằng ký hiệu riêng để dễ tìm. Mỗi lần nghe cơ sở bên ngoài báo tin đánh thắng trận càn của địch là cái bụng mình vui lắm!”.
Người được giao nhiệm vụ móc nối với cơ sở ở Lộc Hòa, Lộc Thạnh để nắm tin tức, chuyển thuốc, lương thực và bố trí lực lượng cho chiến trường là bà Phạm Thị Ngọc Tâm ở ấp 8B, xã Lộc Hòa, chiến sĩ C31. Bà Tâm là người địa phương, thông thạo địa bàn và có thể giao tiếp với người S’tiêng bằng tiếng bản địa. Bà Tâm nói:”Ngày đó tôi chỉ nặng 38kg, nhỏ người nhưng nhanh nhẹn nên được đơn vị giao ban đêm lẻn vào ấp chiến lược. Ban ngày lính canh gác nghiêm ngặt, ban đêm muốn vào ấp chiến lược chúng tôi phải bò qua các lớp hàng rào thép gai. Vào ấp chiến lược vừa nắm thông tin tình hình địch vừa vận động đồng bào đấu tranh đòi quyền lợi. Nhờ sự cưu mang, đùm bọc, che chở, tiếp tế lương thực của đồng bào 2 xã Lộc Thạnh, Lộc Hòa, tôi đã cung cấp nhiều thông tin có giá trị về những cuộc hành quân càn quét của địch, giúp C31 lập nhiều chiến công ở các trận đánh lớn, nhỏ. Tại dốc 31, có ngày diễn ra 5 trận đánh thì cả 5 trận đều thắng nhờ tình báo cơ sở”.
Khi phong trào kháng chiến lên cao, C31 cùng đồng bào nổi dậy phá ấp chiến lược, giải phóng một vùng đất rộng lớn từ Làng 5 đến Làng 2, Lộc An, Lộc Hòa. Đặc biệt, trong chiến dịch lịch sử giải phóng Lộc Ninh năm 1972, trên 11 ngàn công nhân cao su và hàng ngàn đồng bào dân tộc S’tiêng, Khơme đã nổi dậy phá kìm.
Bản lĩnh giữa thời bình
Năm 1974, bà Thị Phớ gặp chiến sĩ cách mạng Điểu De và nên duyên vợ chồng. Ông Điểu De là lính đặc công, hoạt động ở chiến trường Bù Đăng, Phước Long, sau đó chuyển về C31. Trong những năm cầm súng đánh giặc, ông được cán bộ dạy học chữ. Trở về cuộc sống đời thường, với bản lĩnh kiên cường của người làm cách mạng, ông Điểu De được biệt phái về làm Bí thư Đảng ủy xã Lộc Hòa suốt từ năm 1980 đến khi nghỉ hưu năm 2008.
Hòa bình, vợ chồng ông Điểu De phát triển kinh tế và hướng dẫn đồng bào cách làm ăn để thoát nghèo
Ông Điểu De kể:”Sau giải phóng, mọi thứ đều tan hoang, bà con phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Không đường sá, cầu cống, xung quanh là rừng rậm, đi lại chủ yếu theo đường mòn, sông suối. Sau cuộc chiến đánh đuổi giặc ngoại xâm, vợ chồng tôi lại cùng người dân chống giặc đói, giặc dốt. Vận động bà con từ bỏ thói quen đốt rừng làm nương rẫy, chuyển sang trồng lúa nước, cây công nghiệp lâu năm, chăn nuôi trâu, bò, heo. Trong xã giờ có nhiều hộ khá, giàu, có của ăn của để, con cái được học chữ”.
Nhà các cựu chiến binh ở xã Lộc Hòa đều có điểm chung là trên tường treo nhiều huân chương, huy chương kháng chiến và Huy hiệu 30, 40, 50 năm tuổi Đảng. Ông Điểu De, bà Thị Phớ đều được tặng Huân chương, Huy chương Kháng chiến hạng Nhất và nhiều bằng khen của các cấp, ngành trong xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc; Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng tặng kỷ niệm chương “Vì chủ quyền an ninh biên giới”.
Rời Lộc Hòa trong không khí đón mừng năm mới, chúng tôi càng thêm phấn chấn và tin tưởng vào những đổi thay của vùng đất một thời bom đạn. Những ngôi nhà xây khang trang ẩn mình trong rẫy điều, cao su, hồ tiêu xanh mướt. Lộc Hòa được như bây giờ có một phần hy sinh của đồng bào các dân tộc, trong đó không thể không kể đến công lao của những người phụ nữ S’tiêng dũng cảm như các bà Thị Phớ, Thị Blinh...
Ngân Hà
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065