Chị Ngọc Mai thân mến!
BP - Em và chồng đều quê miền Bắc vào Bình Phước lập nghiệp. Tưởng vợ chồng chung cảnh xa quê sẽ cảm thông và cùng nhau vun vén gia đình, vậy mà em luôn sống trong buồn tủi vì chồng độc đoán, gia trưởng. 2 con (1 trai, 1 gái) ra đời trong niềm hạnh phúc của vợ chồng. Nhưng chẳng bao lâu, anh ấy thay đổi tính tình khi bị mất việc vì sai lỗi kỹ thuật, phải đền hợp đồng. Anh ấy chán nản, rượu chè bê tha rồi để mặc em xoay xở nuôi con. Trong khi em lương thấp, lại ở nhà trọ nên chi tiêu gia đình luôn thiếu trước hụt sau.
Chồng không đoái hoài đến sự vất vả của em. Chỉ cần em phàn nàn là bị anh đánh ngay. Em đành im lặng, ráng chịu đựng vì con. Thời gian gần đây, “phường bát âm” (hội đánh trống, thổi kèn đám ma) ở xã cho anh ấy vào thổi kèn. Em cũng mừng vì sẽ có thêm thu nhập cho gia đình và anh cũng bớt lêu lổng ăn chơi. Vậy mà, có thêm đồng ra đồng vào, anh lại càng nhậu bê tha, say xỉn nhiều hơn.
Em tàn tạ, gầy rộc đi vì chồng, con. Trong một lần giận quá, em đã nói hết ấm ức trong lòng. Vậy là anh xông vào đánh em tím hết mặt mày. Hận anh lắm nhưng chẳng biết phải làm sao vì em không muốn mang tiếng bỏ chồng và cũng không muốn các con sau này không có cha. Nhiều người khuyên em nên bỏ người chồng vô dụng ấy để rảnh rang nuôi con nhưng em vẫn chưa quyết...
L.N (Hớn Quản)
L.N thân mến!
Ở đời, mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Nhưng chịu đựng sự vô tâm, vô tình của chồng kéo dài nhiều năm như em thì không nên chút nào. Anh ta có việc làm là điều may mắn. Và quan trọng nhất là em phải biến cái may mắn ấy thành yếu tố giúp gia đình mình bớt khó khăn và vui vẻ hơn. Muốn như thế thì em không nên âm thầm xử lý một mình mà hãy nhờ đến sự hỗ trợ, tác động từ nhiều người, nhiều phía: gia đình, họ hàng uy tín, hội đoàn thể nơi em sinh sống. Nhất là khi gia đình có bạo lực, không thể im lặng. Vì im lặng chính là che giấu và tiếp tay cho cái xấu.
Một người chồng vô trách nhiệm với vợ con, gia đình của mình như thế quả thật rất đáng trách. Nhưng em cũng có một phần lỗi khi âm thầm chịu đựng, dung túng cho cái xấu. Hiện em vẫn còn thương cảm anh ta và “không muốn mang tiếng bỏ chồng và cũng không muốn con em không có cha” thì phải tìm giải pháp để giải quyết sự việc theo hướng tích cực hơn.
Có lẽ, sự dung túng, tự cho anh ta cái quyền “hưởng thụ” quá lâu mà không biết lo toan trong gia đình đã đẩy anh ta đến chỗ “nhàn cư vi bất thiện”. Giờ đây, bằng sự bình tĩnh, nhẹ nhàng em cần thể hiện sự quan tâm với chồng để tìm ra nguyên nhân, từ đó điều chỉnh nếu thấy hợp lý. Nói cho chồng biết em buồn và đau khổ thế nào khi anh không cùng “chung lưng đấu cật” để lo cho con. Nhưng tuyệt đối không nói bằng giọng chì chiết, dằn vặt. Em cũng không nên răm rắp làm theo những yêu cầu của chồng nữa. Bởi anh ta sẽ tiếp tục “được đằng chân, lân đằng đầu”. Đồng thời, hãy cùng người thân động viên, tạo điều kiện để chồng có cơ hội cùng em lo lắng, chăm sóc các con, hiểu được niềm vui cùng chia sẻ, nuôi con, gánh vác gia đình. Em nên tin tưởng, khi hiểu được vai trò của mình, chồng em sẽ thay đổi, nhìn cuộc sống ý nghĩa hơn.
Ngọc Mai
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065