NHỮNG “NGHỆ NHÂN NHÍ”
Múa trống sadăm (chhayyăm) là điệu múa dân gian không thể thiếu trong bất kỳ lễ hội nào của đồng bào Khơme như: Chôl Chnăm Thmây, Sen Dolta, Kathina... Vì không giới hạn người tham gia và có chất hóm hỉnh, vui nhộn nên sadăm thường được thanh thiếu niên Khơme yêu thích. Trong điệu múa này, trống và chiêng vừa là nhạc cụ đệm vừa là đạo cụ múa. Sadăm là loại trống bịt da một mặt, tang trống làm bằng thân cau già đục rỗng ruột. Nhạc cụ phục vụ tiết mục múa sadăm thường có từ 4-6 trống sadăm, hai cái cuôl (chiêng) cùng với chul (chum chọe) và krap (gõ sênh). Khi múa, trống phải đeo trước bụng, vì vậy mỗi nghệ nhân phải khéo léo kết hợp hài hòa giữa tiết tấu của trống với điệu bộ hình thể tạo ra sự vui nhộn, thích thú cho người xem.
Sau giờ học trên lớp, tầm 19 giờ tối, các em tập trung ở chùa Sóc Lớn để tập các bài hát của dàn nhạc ngũ âm
Một đêm tại chùa Sóc Lớn, tôi được chứng kiến đội “nghệ nhân nhí” thể hiện bài múa trống sadăm Lão sư. Khi tiếng trống sadăm vang lên, tiếng cuôl và chul hòa vào đôi bàn tay của những “nghệ nhân nhí” điêu luyện. Họ có thể đánh trống bằng một bàn tay, hai bàn tay đan chéo nhau hoặc đánh bằng cùi chỏ... Một số động tác phá cách như người nằm thẳng dưới sàn nhưng hai tay vẫn múa trống; hai người múa trống có thể bắt tay đánh chuyền qua trống làm cho điệu múa thêm phong phú và hấp dẫn. Cùng với đó, các nhân vật đeo mặt nạ tạo hình ông lão, chú khỉ, con chằn tinh... với những điệu bộ bông đùa, dí dỏm làm người xem thích thú.
Thầy Lâm Ngọc Thành, dân tộc Khơme, giáo viên dạy tiếng Việt - Khơme cho trẻ em chùa Sóc Lớn cho biết: Sadăm là tiết mục múa vui nhộn của đồng bào Khơme, thể hiện cuộc sống hằng ngày của bà con. Điệu múa sadăm Lão sư là một trong rất nhiều câu chuyện của điệu múa sadăm. Khi múa, cùng với tiếng trống, chiêng, các em đã xây dựng nên những cốt truyện vui nhộn để người xem dễ dàng hiểu và hòa chung sân khấu với mình.
ĐỘC ĐÁO DÀN NHẠC NGŨ ÂM
Cũng tại chùa Sóc Lớn còn có một phần linh hồn của văn hóa Khơme, đó là bộ nhạc ngũ âm hay còn gọi là dàn nhạc Pin Piết. Nhạc ngũ âm gắn bó với người Khơme trong mọi niềm vui, nỗi buồn. Vào những ngày lễ hội, cưới hỏi, nhạc ngũ âm làm cho không khí trong sóc, làng tươi vui, rộn ràng; còn khi có chuyện buồn thì âm nhạc mang nỗi tiếc thương da diết. Đó chính là nét độc đáo không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người Khơme.
Sở dĩ người ta gọi là nhạc ngũ âm vì dàn nhạc được làm từ 5 loại chất liệu để tạo thành âm. Đó là nhóm đồng, sắt, gỗ, da và hơi, được thiết kế thành 7 hoặc 9 loại nhạc khí khác nhau. Từ đó, mỗi nhạc khí được định âm một cách chính xác, đảm bảo các yếu tố hòa âm cho cả dàn. Dàn nhạc ngũ âm của chùa Sóc Lớn có 8 nhạc khí, gồm: nhóm âm thanh bằng tre, gỗ có Rô - Niết - Ek; Rô - Niết - Đek; Rô - Niết - Thung; Sakhô - Thum, Chhưng và bộ trống sadăm; nhóm âm thanh bằng sắt, đồng hoặc gang bộ cồng Pét - Kuông - Thôn; Pét - Kuông - Tích. Trong đó, bộ trống sakhô - thum là loại trống có hai mặt được bịt bằng da bò. Mặt lớn có âm trầm, mặt nhỏ âm bổng. Khi sử dụng, nhạc công dùng cả hai tay vỗ vào mặt trống để tạo ra âm thanh. Trong dàn nhạc ngũ âm, Rô - Niết - Ek được xem là nhạc khí chủ đạo, nó còn có vai trò dồn bè. Những bài hát được đồng bào Khơme biểu diễn thường gắn liền với cuộc sống hằng ngày như bài hát Skakeoơi nói về sự vui sướng của con chim sáo khi được ăn trái cây; Sôrida hát về ánh bình minh...
Anh Lâm Snok, Trưởng ban văn hóa chùa Sóc Lớn cho biết: Để duy trì đội múa, đội sadăm và đội ngũ âm, chúng tôi đào tạo các em từ 12 tuổi trở lên để kéo dài thời gian luyện tập. Thời gian tới, chúng tôi sẽ đề nghị với sư cả nhờ thầy giáo lên dạy thêm nhiều bài khác cho các em; hướng dẫn để các em hiểu hơn ý nghĩa của bài hát, từng điệu múa mà các em thể hiện.
Dân tộc Khơme có một di sản văn hóa độc đáo là các điệu múa. Nghệ thuật múa của người Khơme hội tụ cả tài năng, tri thức sáng tạo, những bản sắc, giá trị văn hóa, xã hội và giá trị thẩm mỹ của cộng đồng. Múa trống sadăm hay nhạc ngũ âm không chỉ gắn với đời sống sinh hoạt của người Khơme mà còn là nét đẹp văn hóa tinh thần độc đáo trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Thanh Nga
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065