Vừa kết thúc bài tập đánh vần tại lớp học xóa mù chữ, thầy Trần Thanh Tú, giáo viên Trường tiểu học Thiện Hưng B - cán bộ xóa mù chữ xã cho biết, đây là lớp học khá đặc biệt nên phương pháp giảng dạy cũng khác. Điều đặc biệt của lớp học này là học viên ở nhiều độ tuổi, từ thiếu nhi đến các anh chị lớn tuổi, thậm chí có cả cụ già. Ngoài ra, ban tổ chức lớp học còn vận động được 5 học viên là con em các hộ từ Campuchia về nước sau thời gian dài mưu sinh tại Biển Hồ. Trong lớp học có người không biết chữ, có người đã biết chữ và có cả người tái mù chữ. Yêu cầu đối với giáo viên đứng lớp là sự tận tâm, tỉ mỉ và luôn biết tạo không khí cho học viên hứng khởi trong quá trình học tập”.
Các học viên lớp xóa mù chữ ở thôn 7, xã Thiện Hưng, huyện Bù Đốp nhận hỗ trợ từ các nhà hảo tâm
Thời điểm này ở xã biên giới Thiện Hưng, người dân bận rộn tưới nước cho hồ tiêu, chuẩn bị thu hoạch điều, cạo mủ cao su. Nhưng tối đến học viên vẫn có mặt đông đủ tại lớp. Có nhiều gia đình, cả vợ chồng, con cái đều đi học. Điều đó cho thấy, người dân nơi đây đã nhận thức rõ lợi ích của việc đến lớp học chữ, nhờ vậy lớp học thu hút ngày càng nhiều học viên và duy trì ổn định.
Bà Trương Thị Phúc (55 tuổi) ở thôn 7, xã Thiện Hưng cùng con gái Đỗ Thị Lan (18 tuổi), Việt kiều Campuchia là học viên đặc biệt của lớp. Với đôi bàn tay chai sần, mẹ con bà Phúc nắn nót từng nét chữ, rồi xòe tay tập đếm số. Bà Phúc kể, bà sinh ra trong một gia đình tại vùng quê nghèo khó ở tỉnh An Giang. Năm 1978, sau khi quân Pol Pot tràn qua, bà theo gia đình qua Biển Hồ (Campuchia) mưu sinh. Không biết chữ nên bà gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống cũng như nuôi dạy con cái. Vì vậy, khi trở về Việt Nam sinh sống, làm ăn, được ban xóa mù chữ xã Thiện Hưng đến tận nhà vận động, không ngần ngại bà đã cùng con gái đăng ký đi học ngay.
Bà Phúc chia sẻ: “Mình không biết chữ nên rất hạn chế trong giao tiếp. Nhiều khi bị bệnh đến bệnh viện mua thuốc cũng không biết mua thuốc gì, lên xã làm thủ tục mình đều phải điểm chỉ. Không biết tính toán, khi đi làm thuê người ta trả tiền sao mình chỉ biết nhận vậy. Được xã quan tâm mở lớp xóa mù chữ, biết tính toán cộng, trừ, nhân, chia vì thế mình làm gì cũng thuận tiện. Nuôi con thì biết dạy dỗ học hành, làm kinh tế biết áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất...”.
Các thầy giáo nắn nót từng nét chữ cho học viên
Sinh năm 2002, em Thị Thu (dân tộc S’tiêng) chưa một lần cắp sách đến trường cho tới khi được tham gia lớp xóa mù chữ bởi gia cảnh nghèo, nhà cách trung tâm xã hơn chục kilômét đường rừng, bản thân lại mắc chứng trí nhớ kém. Thu nói: “Ba mẹ em làm thuê, nên kinh tế rất khó khăn. Hằng ngày em theo ba mẹ đi kiếm sống nên không có điều kiện đến trường. Sau một thời gian theo học lớp xóa mù chữ, giờ em có thể đọc được những bài thơ ngắn, làm được những phép tính đơn giản. Mỗi tối phải đi bộ cả cây số đường lô cao su để đến lớp học nhưng em không ngại. Ban ngày em chăm chỉ làm việc và ban đêm tham gia lớp học với các bạn. Em thấy các thầy rất tâm huyết, chỉ bảo tận tình nên em và cả lớp nhanh tiến bộ”.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó chủ tịch UBND xã Thiện Hưng cho biết: “Thôn 7 là thôn vùng sâu, xa, điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn, hơn 70% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, nhiều gia đình chưa quan tâm đến việc học của con em. Vì vậy, nhiều em chưa biết đọc và viết; một vài em từng học đến lớp 3, lớp 4 nhưng lại tái mù chữ do bỏ học đã lâu... Từ thực tiễn đó, xã tổ chức mở lớp xóa mù chữ; đồng thời phối hợp Đồn biên phòng Bù Đốp tổ chức rà soát, vận động được 30 học viên, độ tuổi từ 10-60 đến lớp. Để góp phần cùng địa phương chung tay xóa mù chữ, nhiều tổ chức, nhà hảo tâm trong và ngoài xã cùng các ban, ngành, đoàn thể xã đã đến thăm, tặng lớp học các phần quà ý nghĩa như: bàn ghế, sách vở, điện thắp sáng bằng năng lượng mặt trời cùng nhiều nhu yếu phẩm, từ đó động viên học viên yên tâm đến lớp”.
Phó chủ tịch UBND xã Thiện Hưng cho biết thêm, công tác phối hợp mở lớp phổ cập xóa mù chữ được xã triển khai từ năm 2013, đến nay đã mở được hơn 10 lớp thu hút hàng trăm học viên theo học. Trong số đó có học viên đã học hết cấp 3. Lớp học không chỉ tạo cơ hội cho học viên học tập, rèn luyện kỹ năng cơ bản về nghe, nói, đọc, viết tiếng Việt; cung cấp những kiến thức đơn giản, cần thiết về tự nhiên, xã hội và con người mà còn giúp học viên nâng cao nhận thức, thuận lợi hơn trong lao động, sản xuất, góp phần giảm nghèo bền vững tại địa phương.
Đức Trung
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065