Làm giàu từ đồng vốn của Agribank
Đã lâu rồi mới có dịp ghé thăm trang trại của ông Võ Hùng Chiến ở thôn Khắc Khoan, xã Phú Nghĩa (Bù Gia Mập), người lâu nay được mệnh danh là “vua điều” Bình Phước. Dẫn tôi tham quan một vòng vườn điều rộng mênh mông với hàng chục nhân công đang hăng say lao động để chuẩn bị đón mùa thu hoạch mới, ông nói: “Bây giờ nhìn vườn điều mới thấy mát mắt, chứ trước đây ngán lắm. Gom tiền mua được 120 ha đất trồng điều nhưng chỉ có một ít đất trồng điều, còn hơn 70 ha là rừng tái sinh, cỏ cao ngập đầu người. Thuê người phát cỏ nhưng vừa phát xong đầu này, đầu kia cỏ đã mọc lại. Rồi hết tiền đầu tư, tôi nghĩ chẳng lẽ bao nhiêu công sức đổ vào đây giờ khó khăn lại đầu hàng, đâm lao thì phải theo lao, may mà có Agribank giúp đỡ”.
Hoạt động tấp nập tại phòng giao dịch Agribank Bình Phước - Ảnh: Sỹ Hòa
Ông Chiến rời thành phố Hồ Chí Minh lên Bình Phước từ năm 1997 với mong muốn phát triển kinh tế bằng nông nghiệp. Những năm đầu đầy khó khăn, vất vả nhưng với phẩm chất của người lính Cụ Hồ, ông lên phương án sản xuất - kinh doanh và tiếp cận Agribank - Chi nhánh Phước Long (huyện Phước Long cũ). Nắm bắt được tâm huyết và ý chí làm giàu của ông cùng với phương án sản xuất - kinh doanh khả thi, Agribank Phước Long đã giúp ông biến ước mơ thành hiện thực. Nhờ phát huy hiệu quả vốn vay, ông Chiến không những trả hết nợ ngân hàng mà còn đáo hạn vay thêm nhiều lần để đầu tư có chiều sâu, tăng hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp. Đến nay, ông Chiến là nông dân sở hữu diện tích trồng điều lớn nhất cả nước với 151 ha điều và cái tên “vua điều” cũng có từ đó. “Người nông dân muốn làm nông nghiệp, ngoài bám vào đất còn phải dựa vào ngân hàng mới mở rộng quy mô sản xuất và nâng cao năng suất cây trồng được” - ông Chiến nói. Hiện trang trại của ông đã góp phần giải quyết việc làm thường xuyên cho 20 lao động và khi vào chính vụ số lao động tăng lên đến 120 người.
Hoạt động tại địa bàn thuần nông và đầu tư trực tiếp hộ dân, Agribank Bình Phước luôn đồng hành với khách hàng từ lúc khó khăn, tạo điều kiện hỗ trợ tối đa cho khách hàng ở vùng sâu, vùng xa, đáp ứng vốn kịp thời cho nhà nông đầu tư theo thời vụ. Anh Lê Văn Long ở xã Bù Nho (Phú Riềng) cũng lập nghiệp trên diện tích 7 sào đất với không ít khó khăn. Năm 2014, anh vay ngân hàng 50 triệu đồng để có vốn trồng tiêu, đào ao nuôi cá, nuôi heo... Do sử dụng đồng vốn hiệu quả nên sau mỗi lần đáo hạn, anh đều mạnh dạn vay lại với số tiền lớn hơn để mua thêm đất mở rộng sản xuất. Đến nay, hộ anh đã có 5 ha điều và cao su cùng vườn ươm cao su, điều xanh mướt, lại thêm căn nhà mới khang trang như tô điểm cho một mùa xuân tràn đầy sức sống.
Gắn tăng trưởng với phát triển kinh tế địa phương
Bất cứ doanh nghiệp nào, nhất là với các ngân hàng thương mại thì tiêu chí hàng đầu là tăng trưởng tín dụng, đảm bảo an toàn vốn... Vẫn biết, đầu tư vào sản xuất nông - lâm nghiệp, nhất là với nông dân sản xuất, chăn nuôi có món vay nhỏ, tỷ lệ gặp rủi ro cao, việc kiểm tra và thu hồi vốn vô cùng khó khăn. Song, Agribank Bình Phước luôn hướng đến mục tiêu cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.
Bí thư Huyện ủy Bù Gia Mập Trần Quang Ty cho biết: Kết quả thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 của huyện đạt nhiều thành tựu quan trọng, trong đó có phần đóng góp quan trọng của Agribank. Đồng vốn từ Agribank còn đưa Bù Gia Mập dần hình thành các vùng chuyên canh nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, góp phần ổn định kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của địa phương.
Hiện đồng vốn tín dụng của Agribank Bình Phước đã đến khắp các vùng quê phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế và đồng hành với nông dân phát triển sản xuất - kinh doanh. Đến nay, 100% xã, phường và thôn, ấp trong tỉnh đều có dư nợ của Agribank Bình Phước. Tổng dư nợ cho vay nền kinh tế từ các tổ chức tín dụng, ngân hàng trên địa bàn tỉnh đến hết năm 2017 đạt hơn 49.320 tỷ đồng, thì Agribank Bình Phước chiếm hơn 20.800 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn là 96% trên tổng dư nợ của Agribank.
Nếu như trước đây, nông dân rất khó tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng, thì nay rất đơn giản và thuận tiện. Với quan điểm tất cả vì khách hàng, do vậy thủ tục vay nhanh gọn không gây phiền hà cho khách hàng vay, dù là thành phần kinh tế nào cũng đều được đánh giá cao không chỉ là bạn hàng mà còn là đối tác của ngân hàng. “Khi tôi chưa hiểu hoặc gặp vướng mắc về hồ sơ, thủ tục thì chỉ cần gọi điện thoại cho cán bộ tín dụng Agribank là được giải đáp ngay” - anh Lê Văn Long cho biết. Đó cũng là ý kiến của nhiều hộ nông dân khi tiếp cận nguồn vốn từ Agribank. Một điểm cộng đáng ghi nhận là sự gần gũi, thân thiện của đội ngũ cán bộ, nhân viên Agribank tại Bình Phước đã tạo nên sự kết nối lâu dài, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn cho cả đôi bên.
Lãnh đạo Agribank Bình Phước cho biết, bám sát Chương trình hành động giai đoạn 2016-2020 của Agribank Việt Nam, thời gian tới, Agribank Bình Phước tiếp tục xác định rõ đối với hoạt động phát triển sản phẩm dịch vụ, tăng cường huy động vốn, cung cấp vốn tín dụng cho nền kinh tế gắn với phát triển, đa dạng hóa các sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Tiếp tục giữ vững vai trò chủ lực trong đầu tư, hỗ trợ phát triển, cung cấp các dịch vụ tài chính, tín dụng cho khu vực nông nghiệp, nông thôn và phục vụ phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
T.Mảng
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065