Thiếu nước nên ruộng trồng lúa ở các thôn 1, 2, 5 và 6 ở Đăng Hà nứt nẻ, bỏ không
Niềm vui nước về
Gia đình chị Phạm Thị Thúy (36 tuổi) ở thôn 4 có 7 sào ruộng. Trước đây, khi công trình thủy lợi bị hư, gia đình chị chỉ biết đợi đến mùa mưa mới bắt đầu ngâm ải, gieo mạ và trung bình mỗi năm chỉ làm được 2 vụ, sản lượng chẳng được là bao. Vụ 1 thu hoạch chỉ đạt từ 5-6 tạ/7 sào. Đến vụ 2 thì năng suất cao hơn, khoảng 3 tấn, vì thời gian này đang mùa mưa nên thuận lợi cho gieo trồng. Đến khi có công trình thủy lợi, vì gần vị trí máy bơm nước nên ruộng lúa của gia đình chị Thúy có điều kiện tăng vụ. Chị nói: “Chúng tôi vui lắm, thường thì đến tháng 6 nông dân mới bắt đầu làm vụ 1, nhưng có máy bơm nước của xã, chúng tôi mạnh dạn tăng lên 3 vụ. Nếu tăng thêm vụ thứ 3, trừ chi phí, gia đình tôi còn thu được hơn 2 tấn”.
Có nước người dân không chỉ tăng vụ lúa mà còn tích cực trồng những cây lương thực ngắn ngày. Anh Triệu Văn Lộc (46 tuổi) ở thôn 3 phấn khởi nói: “Ngoài tăng lúa lên 3 vụ, gia đình tôi cũng thu hoạch được sản lượng đáng kể từ khoai, bắp. Một phần tôi bán phần còn lại làm thức ăn chăn nuôi. Nếu có nước như hiện nay, gia đình tôi có tiền lo cho con ăn học và cũng có tiền dành dụm”.
Hiện các thôn 3, 4 có hơn 70 ha lúa. Hơn 80 hộ dân ở đây đều chung niềm vui khi có công trình thủy lợi. Chị Lưu Thị Nhung, kế toán xã nói: “Nông dân làm ruộng mà không có nước thì không khác gì đi cày mà không có trâu. Từ ngày máy bơm nước được sửa và hoạt động trở lại, cuộc sống của người dân nơi đây nhộn nhịp hẳn lên. Có hôm 12 giờ trưa tôi vẫn thấy họ làm, hỏi thì mới biết họ tích cực để tăng vụ, tăng năng suất”.
Anh Trần Văn Lưu, cán bộ thủy lợi xã cho biết: “Một tuần, theo quy định chúng tôi bơm nước vào ruộng 2 ngày và bơm cho đến khi nông dân ở thôn 3, 4 đủ nước trồng lúa. Chính quyền xã sẽ tạo điều kiện tốt nhất để nông dân có những vụ đạt năng suất cao”.
Mỏi mắt chờ tháng 6
Xã Đăng Hà có 6 thôn nhưng chỉ 2 thôn trong dự án được hưởng nguồn nước từ công trình thủy lợi, nên vào vụ này nông dân ở các thôn còn lại phải đi làm thuê để kiếm sống. Cùng một xã nhưng khi chúng tôi đến các thôn 1, 2, 5 và 6 thì thấy khác hẳn. Nếu như người dân thôn 3, 4 đang bận rộn ngâm ải, gieo lúa thì ở đây ruộng đất bỏ hoang, nứt nẻ, không một bóng người.
Vợ chồng chị Nông Thị Lệ (36 tuổi) ở thôn 1 có 4 người con đều đang tuổi ăn học nên chi phí tốn kém. Nhà chị chỉ có 9 sào ruộng làm lúa, cuộc sống rất chật vật. Đang mùa khô hạn, lại không nằm trong dự án cấp nước nên chồng chị phải đi làm ở tận tỉnh Lâm Đồng để kiếm tiền lo cho các con. Chị nói với giọng buồn: “Mùa khô ở đây không có nước thì nông dân chúng tôi chẳng làm gì được, chỉ có cách đi làm thuê để kiếm ăn từng ngày thôi. Đến tháng 6, khi vào mùa mưa thì mới bắt đầu vụ mùa đầu tiên. Thấy thôn 3, 4 có nước làm lúa tôi cũng mong lắm, nhưng vì không ở gần máy bơm nên đành chịu”. Cũng phải chờ đến tháng 6 gia đình mới đoàn tụ vì khi đó chồng chị sẽ về phụ làm ruộng.
Mong đến tháng 6 không chỉ là tâm trạng của chị Lệ mà còn là của 400 hộ dân ở thôn 1, 2, 5 và 6. Những người dành hết cả đời cho cây lúa nhưng họ cũng bất lực nhìn ruộng khô hạn. Anh Luông Văn Tuấn, Trưởng thôn 2 nói: “Vào mùa khô, ruộng của chúng tôi chỉ có con bò, con trâu và đàn cò thôi chứ người thì hiếm lắm. Chúng tôi đã tìm mọi cách để dẫn nước vào nhưng cũng không đủ. Chúng tôi rất mong có một trụ bơm nước giống như 2 thôn bên cạnh”.
Ông Phạm Đình Nhất, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Đăng Hà có 800 ha đất trồng lúa, nhưng hiện chỉ có 70 ha trồng được vụ 1, còn lại bỏ không. Công trình thủy lợi của tỉnh đầu tư chỉ có 2 thôn trong dự án. Mới đây, UBND xã có đơn trình lên huyện để xin thêm một trụ bơm nước nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân. Cán bộ Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã về khảo sát, đánh giá tình hình, nhưng đến nay chưa có quyết định cụ thể”. Ông Nhất cho rằng, nếu có nước đầy đủ, riêng đối với trồng lúa, một năm trồng 3 vụ thì người dân cũng sẽ nhanh chóng khá lên. Hy vọng rằng, niềm mong mỏi chính đáng của 400 hộ dân ở Đăng Hà được chính quyền huyện, tỉnh quan tâm để sớm thành hiện thực.
Trang Hương
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065