Trong suốt 72 năm qua, LHQ luôn giữ vai trò hàng đầu trong các nỗ lực ngăn ngừa và giải quyết các cuộc xung đột, góp phần to lớn vào việc đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, duy trì hòa bình và xây dựng một thế giới phát triển, ấm no và hạnh phúc.
Khát vọng về một thế giới hòa bình, ổn định và phát triển toàn diện
Sau 4 tháng kể từ khi bản Hiến chương LHQ được ký kết, đến ngày 24-10-1945, LHQ chính thức được thành lập sau khi Hiến chương LHQ được các nước Trung Quốc, Pháp, Liên Xô, Vương quốc Anh, Hợp chúng quốc Hòa Kỳ phê chuẩn. Từ đó, LHQ đã thay thế Hội Quốc Liên, trở thành một tổ chức quốc tế toàn cầu với mục tiêu hàng đầu là bảo đảm một nền hoà bình và trật tự thế giới bền vững.
Ra đời ngay sau sự tàn phá khốc liệt của Chiến tranh Thế giới thứ II, sứ mệnh cao cả của LHQ được ghi rõ trong Hiến chương LHQ là ngăn ngừa một cuộc chiến tranh thế giới mới. Để thực hiện sứ mệnh đó, Điều 1 của Hiến chương LHQ đã chỉ rõ, 4 mục tiêu chính của LHQ gồm: Duy trì hòa bình và an ninh quốc tế; Thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc bình đẳng về quyền lợi giữa các dân tộc và nguyên tắc dân tộc tự quyết; Thực hiện hợp tác quốc tế thông qua giải quyết các vấn đề quốc tế trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa và nhân đạo trên cơ sở tôn trọng các quyền con người và quyền tự do cơ bản cho tất cả mọi người, không phân biệt chủng tộc, màu da, ngôn ngữ và tôn giáo; Xây dựng LHQ làm trung tâm điều hòa các nỗ lực quốc tế vì mục tiêu chung.
Lãnh đạo các quốc gia cùng ký vào bản Hiến chương Liên hợp quốc năm 1945 tại San Francisco. |
Các nguyên tắc hoạt động chủ đạo của LHQ được quy định rõ trong Hiến chương LHQ là: Bình đẳng về chủ quyền quốc gia; Tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị quốc gia; Cấm đe dọa sử dụng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế; Không can thiệp vào công việc nội bộ các nước; Tôn trọng các nghĩa vụ quốc tế và luật pháp quốc tế; Giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình.
Cũng theo Hiến chương LHQ, LHQ gồm 6 cơ quan chính là: Đại hội đồng- cơ quan đại diện rộng rãi nhất của LHQ; Hội đồng Bảo an LHQ- với trách nhiệm chính là gìn giữ hòa bình và an ninh quốc tế; Hội đồng Kinh tế-Xã hội (ECOSOC) - cơ quan soạn thảo và điều phối các chính sách thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực kinh tế, xã hội và nhân quyền; Hội đồng Quản thác- đã chính thức chấm dứt hoạt động theo quyết định của Hội nghị LHQ năm 2005; Tòa án Quốc tế - với chức năng chính là giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế, các vụ kiện do các quốc gia đưa lên phù hợp với luật pháp quốc tế; Ban Thư ký- do Đại hội đồng bổ nhiệm, theo kiến nghị của Hội đồng Bảo an LHQ.
Như vậy, từ 51 quốc gia thành viên khi được thành lập, LHQ hiện có 193 quốc gia thành viên và trở thành một hệ thống toàn diện gồm 5 cơ quan chính, nhiều cơ quan phụ trợ, 20 tổ chức chuyên môn và 5 Ủy ban Kinh tế - Xã hội đặt ở các khu vực, hàng chục quỹ và chương trình, hoạt động trên tất cả các lĩnh vực từ giải quyết và ngăn ngừa xung đột, giải trừ quân bị và không phổ biến, chống khủng bố, bảo vệ người tị nạn, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, cho đến thúc đẩy dân chủ, nhân quyền, bình đẳng giới, phát triển kinh tế và xã hội, ứng phó với biến đổi khí hậu...
Nhiều thành tựu xen lẫn thách thức
72 năm qua, đến nay LHQ đã trở thành tổ chức toàn cầu rộng rãi nhất với sự tham gia của hầu như toàn bộ các quốc gia độc lập trên thế giới. Vai trò và hoạt động của LHQ được mở rộng về mọi mặt, nỗ lực hoạt động hướng tới thực hiện các tôn chỉ mục đích đã được đề ra, qua đó đem lại những tác động tích cực, to lớn đến đời sống quốc tế và mỗi quốc gia.
Trong vai trò gìn giữ hòa bình, an ninh quốc tế, trải qua những thăng trầm lịch sử, nhất là thời kỳ Chiến tranh Lạnh, LHQ vẫn duy trì được là một diễn đàn hòa bình để các bên đối thoại. LHQ tích cực đóng vai trò trung gian hòa giải nhiều cuộc khủng hoảng quốc tế thông qua thương lượng, sáng kiến giải pháp hòa bình cho hàng trăm cuộc xung đột ở các khu vực, với phạm vi và quy mô ngày càng được mở rộng. Nhờ có sự can thiệp của LHQ, nhiều cuộc xung đột đã được giải quyết.
Trong 72 năm qua, hơn 500 điều ước quốc tế đa phương quan trọng trong nhiều lĩnh vực đã được ký kết, tạo khuôn khổ chung cho việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Trong những năm gần đây, LHQ được ghi nhận khi thông qua được một loạt chương trình có tính bước ngoặt trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu, như thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ, thu hẹp khoảng cách giữa người giàu và người nghèo, giữ gìn hòa bình an ninh quốc tế, và đạt được Thỏa thuận Paris lịch sử về biến đổi khí hậu tại COP-21 vào tháng 12-2015…
Tuy nhiên, trước những biến động trên thế giới, LHQ cũng đứng trước rất nhiều thách thức, khó khăn. Đó là sự bất lực trước nhiều vấn đề nóng của thế giới, như cuộc nội chiến Syria, hay những tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải… Bên cạnh đó là những khó khăn về tài chính và huy động nguồn lực, nên hiệu quả hoạt động của LHQ trên nhiều lĩnh vực còn hạn chế, chưa đáp ứng được với những thay đổi và thách thức toàn cầu mới cũng như những biến chuyển về so sánh lực lượng bên trong LHQ, nhất là việc gia tăng số lượng thành viên, trong một số trường hợp hoạt động không hiệu quả, thiếu minh bạch, bị lợi dụng và áp dụng tiêu chuẩn kép để gây sức ép và can thiệp.
Trước những thách thức đặt ra cho LHQ, việc cải tổ LHQ một cách toàn diện và có hệ thống, phù hợp với tình hình quốc tế mới đang được xem là một yêu cầu cấp thiết khách quan. Cho đến nay, các thành viên đều nhất trí là LHQ cần cải tổ nhằm tăng cường vai trò hiệu quả và dân chủ hóa. Cải tổ LHQ gồm 3 nội dung chính: Cải tổ bộ máy LHQ (gồm Đại hội đồng, Hội đồng bảo an, Hội đồng Kinh tế-Xã hội…); Cải tổ Ban thư ký và phương thức làm việc của LHQ; Vấn đề phát triển và thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ.
Dù còn gặp nhiều thách thức, song không thể phủ nhận thực tế rằng, LHQ đã và đang đóng vai trò quan trọng trong bối cảnh các quốc gia ngày càng có xu hướng muốn thông qua LHQ để giải quyết các vấn đề quốc tế. LHQ vẫn được cộng đồng quốc tế thừa nhận là tổ chức toàn cầu có vai trò hết sức quan trọng trong đời sống chính trị quốc tế và là nền tảng không thể thiếu cho một thế giới hòa bình, thịnh vượng và công bằng hơn.
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065